Theo đó, phương án đưa ra cho phép người dân lựa chọn nhận tiền bù hoặc chuyển đến sống tại các khu tái định cư. Khu đất này nằm gần đường 35, đã được Sở quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phê duyệt, đảm bảo xe rác đi từ nội đô vào không di chuyển qua đây.
Phương án này đang được các cơ quan thẩm định và dự kiến sẽ được trình lên UBND Hà Nội phê duyệt trước ngày 20/4. Kinh phí dự kiến dành cho việc đền bù là 3.400 tỷ đồng lấy từ Quỹ đầu tư phát triển Hà Nội.
“Tuy nhiên, con số này có thể dao động dựa trên sự đồng thuận của người dân. Hiện tại, chúng tôi chưa thể công bố chính xác tổng số tiền đền bù khi chưa đi vào thực hiện”, ông Hùng cho biết.
Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển Qũy đất Sóc Sơn, việc lập phương án có mấy khâu như kiểm đếm đất và tài sản trên đất; căn cứ chính sách lên phương án đền bù; trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt xem phương án đó đúng chưa, có thất thoát ngân sách hay thiệt hại cho người dân không; cuối cùng UBND cấp huyện phê duyệt và có quyết định thu hồi đất.
“3 xã là Nam Sơn, Hồng Kỳ và Bắc Sơn đã khẩn trương thực hiện việc kiểm đếm nguồn gốc đất. Đến nay, xã Nam Sơn đã kiểm đếm xong 100%; xã Hồng Kỳ cơ bản xong và chỉ còn xã Bắc Sơn kiểm đếm muộn hơn, đạt 70%”, ông Hùng nói.
Trao đổi về mức giá bồi thường cho các hộ dân, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất Sóc Sơn cho hay dự kiến mức đền bù được căn cứ theo bảng giá được UBND TP. Hà Nội ban hành.
Vị này thông tin, đơn giá bồi thường đất sẽ được tính cho các loại đất khác nhau. Ví dụ, đất khu dân cư nông thôn ở địa bàn 3 xã là 600.000 đồng/m2 hoặc đất ở ven trục đường giao thông của các xã giá từ 1.764.000 – 3.400.000 đồng/m2 tùy vị trí.
Theo phương án di chuyển đến khu tái định cư, người dân ở đây sẽ được bố trí sinh sống tại các khu vực khác nhau, đảm bảo cách xa khoảng cách bị ảnh hưởng bởi bãi rác.
Người dân xã Hồng Kỳ sẽ được di chuyển đến khu tái định cư cách bãi rác hơn 1,3 km. Khu tái định cư của xã Bắc Sơn sẽ được quy hoạch tại thôn Nam Lý, cách bãi rác 3 km. Trong khi đó, các thôn trong xã Nam Sơn lại được bố trí ở các khu tái định cư khác nhau. Người dân thôn Đông Hạ, Hoa Sơn và Xuân Thịnh sẽ được chuyển đến các vị trí cách bãi rác lần lượt là: 1 km, 4 km và 7 km.
Tuy nhiên, nhiều người dân tại các xã vẫn chưa hoàn toàn đồng ý với việc bố trí các khu tái định cư của huyện. ông Nguyễn Văn Kỳ, Bí thư thôn 2, xã Hồng Kỳ cho biết nhiều người dân trong thôn của ông chưa chấp nhận vị trí tái định cư. “Trước đây, nhà tôi cách bãi rác 500 m, giờ chuyển qua khu vực cách bãi rác 1.000 m thì không giải quyết được gì cả, vẫn bị ảnh hưởng bởi mùi rác”, ông Kỳ nêu ý kiến.
Người dân tại khu vực này vẫn đang đề đạt ý kiến xin được chuyển qua khu tái định cư cách bãi rác tối thiểu 3 km.
Trong khi đó, lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất Sóc Sơn cho biết sau khi được thành phố thông qua phương án, đơn vị sẽ công bố và phát phiếu khảo sát với người dân tại 3 xã nằm trong diện bị ảnh hưởng.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định về thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chuẩn bị mặt bằng thực hiện Dự án di dân ra ngoài vùng ảnh hưởng môi trường của bãi rác Nam Sơn. UBND huyện Sóc Sơn có trách nhiệm lập, thẩm định và quyết định phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, quyết định thu hồi đất theo quy định hiện hành của Nhà nước; sử dụng kinh phí đúng mục đích quy định, tiết kiệm, hiệu quả; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ yêu cầu của UBND TP. |
Trần Giang(T/h)