Buổi đối thoại ngày 6/7 diễn ra căng thẳng khi hầu hết ý kiến người dân đề nghị di dời bãi rác đi nơi khác, không chấp nhận xây dựng khu liên hiệp xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác, phát điện, công suất dự kiến 650 tấn/ ngày đêm.
Bên trong bãi rác Khánh Sơn |
Cũng như các lần đối thoại trước đây, đại diện hàng trăm hộ dân sống ở khu vực bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) bày tỏ bức xúc khi bị mùi hôi bủa vây, nồng nặc nhất là vào thời điểm nắng nóng.
Bà Huỳnh Thị Năm ở Tổ 70, phường Hòa Khánh Nam cho biết, gia đình bà sống cạnh bãi rác hơn 30 năm. Năm 1992, chính quyền thu hồi đất, gia đình không còn đất sản xuất nên phải bám bãi rác kiếm sống. Chồng bà bị ung thư phổi chết cách đây mấy năm. Bây giờ đến người con trai cũng bị ung thư tụy. Bà Năm đề nghị chính quyền di dời bãi rác đi nơi khác.
“Chúng tôi kêu gọi thành phố hãy mở lòng ra. Di dời bãi rác đi nơi khác, không làm lò đốt. Tôi đã phải chịu 30 năm rồi. Nếu để 50 năm, con cháu chúng tôi sẽ chết vì ô nhiễm” - bà Năm nói.
Ý kiến của một người dân khác, bà Nguyễn Thị Thành bày tỏ, người dân Khánh Sơn không xin lãnh đạo thành phố tiền, công việc mà chỉ xin được hít thở không khí trong lành...
“Chúng tôi đã sống trong ô nhiễm nửa đời người rồi và không muốn đời con cháu phải chịu khổ, chỉ muốn thở không khí trong lành như bao người khác”, bà Thành day dứt.
Bà Nguyễn Thị Thành, người dân quanh bãi rác Khánh Sơn |
Ông Huỳnh Chúc, người dân Tổ 67, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng nêu ra con số người bị ung thư chết khiến ai nghe cũng giật mình. Trong vòng 15 năm qua, số người chết do ung thư ở địa bàn thôn Khánh Sơn chiếm tỷ lệ 2,8% trên tổng số dân. Trong số hơn 70 người chết ở Khánh Sơn thì số người chết vì ung thư chiếm hơn 30%.
“Chúng tôi đã sống trong ô nhiễm nửa đời người rồi và không muốn đời con cháu phải chịu khổ, chỉ muốn thở không khí trong lành như bao người khác” Bà Nguyễn Thị Thành |
Có mặt tại buổi đối thoại, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – nhấn mạnh chỉ khi có sự đồng thuận của người dân thì việc xây dựng được nhà máy xử lý rác mới được thực hiện. Ông Dũng mong muốn người dân mở lòng cùng tìm giải pháp.
“Chúng ta sẽ cùng thảo luận, tìm ra biện pháp tốt nhất. Tôi cũng yêu cầu địa phương cần có kế hoạch tổng thể, không hẳn chỉ có chuyện bãi rác. Cũng mong bà con hôm nay, cùng với thành phố tiếp tục tìm cách tháo gỡ”, ông Dũng nói.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng |
Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho rằng, để giải quyết ô nhiễm thành phố đang triển khai tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 dự án xử lí nước rỉ rác, nâng công suất lên 1050 m3/ngày đêm. Cùng với hệ thống mương thu gom toàn bộ nước phát sinh từ bãi rác.
“Đồng thời cho chủ trương công ty CP môi trường Việt Nam nâng cấp công nghệ xử lý rác, hiện nay đang nghiên cứu phù hợp với quy mô 650 tấn/ngày....”, ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, để giải quyết căn cơ thành phố quyết tâm sẽ giải tỏa toàn bộ các hộ dân chịu ảnh hưởng trong phạm vi 500 m, chuyển đổi nghề nghiệp của hơn 300 lao động sống bằng nghề nhặt rác.
“Bãi rác Khánh Sơn sẽ trở thành Khu liên hiệp xử lý rác chứ không phải bãi chôn lấp hiện nay. Nếu như toàn bộ được triển khai sẽ không gây ô nhiễm, hiện nay chúng tôi đang thận trọng lựa chọn công nghệ, thành phố quyết tâm sẽ làm”, ông Hùng thông tin.