Chuyển đổi kinh tế xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại, tác động ngày càng tăng trên phạm vi toàn cầu. Đứng trước thực tế đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã coi chuyển đổi "kinh tế xanh" là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững.
Khoảng cách giàu nghèo gia tăng do biến đổi khí hậuBiến đổi khí hậu mối đe dọa lớn đối với tài nguyên nướcBiến đổi khí hậu đang trở thành thách thức an ninhBiến đổi khí hậu có thể khiến mùa hè kéo dài tới 6 tháng?

Kinh tế xanh là gì?

Theo định nghĩa của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), nền kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Khái niệm kinh tế xanh không thay thế khái niệm phát triển bền vững, nhưng nó ngày càng được công nhận là mô hình phù hợp làm nền tảng cho phát triển bền vững. Tính bền vững là một mục tiêu dài hạn quan trọng, và xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa chúng ta tới đích.

Có thể xem kinh tế xanh là một nền kinh tế hay mô hình phát triển kinh tế dựa trên phát triển bền vững và kiến thức về kinh tế học sinh thái. Kinh tế xanh là mô hình đánh giá trực tiếp vốn tự nhiên và việc sử dụng tự nhiên như một giá trị của kinh tế học; nó tạo ra việc làm, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và ngăn chặn ô nhiễm môi trường, ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu, cạn kiệt nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường.

tm-img-alt

Phát triển kinh tế xanh là một cách tiếp cận phát triển mới, được xuất hiện gắn liền với bối cảnh tác động tiêu cực ngày càng rõ rệt, to lớn của biến đổi khí hậu và đang được nhiều quốc gia quan tâm áp dụng trong hoạch định chiến lược phát triển của mình. Kinh tế xanh vừa góp phần cải thiện đời sống con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái.

Kinh tế xanh là nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội. Kinh tế xanh không thay thế cho phát triển bền vững mà là một cách thức thực hiện phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh nhiều hơn tới khía cạnh sử dụng tài nguyên và khai thác môi trường. Kinh tế xanh lấy mục tiêu môi trường làm mục tiêu hàng đầu; tài nguyên và môi trường được xem là nhân tố có tính quyết định đến tăng trưởng kinh tế, cải thiện chuỗi giá trị, đem lại sự ổn định và thịnh vượng lâu dài. Phát triển kinh tế xanh là sự phát triển trong đó nhiệm vụ hàng đầu là việc sử dụng tiết kiệm và hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường; coi bền vững về môi trường là tâm điểm của phát triển kinh tế.

Thúc đẩy tăng trưởng xanh trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay

Theo báo cáo Hướng tới nền kinh tế xanh của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc - UNEP năm 2011, với kịch bản đầu tư xanh, có số vốn khoảng 2% GDP toàn cầu (tương đương 1.300 tỉ USD) thì các mô hình kinh tế vĩ mô tính toán và đều chỉ ra rằng trong dài hạn sẽ cải thiện hiệu quả kinh tế và tăng tổng lượng của cải trên toàn cầu trên cơ sở duy trì và phục hồi được các nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn.

Các nước trên thế giới, nhất là khu vực Tây Âu và khu vực Ðông Á đã và đang đầu tư mạnh vào chiến lược tăng trưởng xanh. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản trong quá trình đưa ra các gói kích thích kinh tế sau khủng hoảng kinh tế những năm trước đều dành ưu tiên cao cho tăng trưởng xanh (của Trung Quốc là 35%, của Hàn Quốc lên đến 80%), tập trung đầu tư cho các lĩnh vực như năng lượng sạch, giao thông thân thiện môi trường, đô thị hóa bền vững, nông nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái, công nghiệp văn hóa, xử lý chất thải, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh...

Hiện nay, trong quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa và hội nhập sâu quốc tế, chủ đề tăng trưởng xanh thu hút được sự quan tâm trong các chương trình nghị sự song phương và đa phương. Tại khu vực châu Á, Diễn đàn khí hậu Ðông Á được tổ chức tại Hàn Quốc tháng 5/2009 đã thông qua Sáng kiến Seoul về tăng trưởng xanh Ðông Á. Tại khu vực Ðông Nam Á, tháng 7/2010, ASEAN ra tuyên bố chung nhấn mạnh đến hình mẫu phát triển Giảm carbon - Tăng trưởng xanh. Tiếp đó, tại Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM) tháng 10/2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam chính thức đề xuất sáng kiến hợp tác Á - Âu về tăng trưởng xanh và đã nhận được sự ủng hộ của các thành viên ASEM. Tháng 10/2011, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu về tăng trưởng xanh với chủ đề Cùng hành động hướng tới các nền kinh tế xanh được tổ chức tại Việt Nam để tìm các cơ chế hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm phát triển xanh giữa các nước. Tại Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tháng 11/2011, Tuyên bố chung được thông qua, trong đó xác định APEC cần phải giải quyết các thách thức môi trường và kinh tế của khu vực bằng cách hướng đến nền kinh tế xanh.

Ở cấp độ toàn cầu, Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu lần thứ nhất diễn ra tại Ðan Mạch tháng 10/2011 với chủ đề thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua cơ chế hợp tác công - tư giữa các chính phủ với khối doanh nghiệp. Hội nghị của Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) tháng 6/2012 tại Bra-xin đã tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của ba trụ cột phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường và đã đưa ra một số cơ chế mới để phát triển bền vững và lộ trình để phát triển kinh tế xanh...

Mức độ quan tâm thể hiện qua một loạt các hội nghị, diễn đàn ở các cấp độ quốc tế khác nhau được tổ chức trong những năm gần đây cho thấy xu hướng nhận thức chung của cộng đồng quốc tế trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay đều đồng thuận là phải thúc đẩy tăng trưởng xanh và áp dụng mô hình kinh tế xanh.

Định hướng phát trển kinh tế xanh ở Việt Nam

Nếu xem xét từ khía cạnh môi trường, mô hình tăng trưởng hiện nay của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa trên việc sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, gây ảnh hưởng đến môi trường và gia tăng tác động của biến đổi khí hậu. Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa sẽ càng làm tài nguyên thiên nhiên suy giảm, lượng phát thải CO2 tăng lên. Theo dự đoán của cơ quan Thông tin Năng lượng, mức phát thải khí CO2 sẽ tăng từ hơn 113 triệu tấn trong năm 2010 lên tới gần 471 triệu tấn vào năm 2030. Nền kinh tế Việt Nam thời gian qua chủ yếu phát triển theo mô hình nền “kinh tế nâu”, tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên với hiệu quả sử dụng thấp, phát sinh nhiều chất thải, gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất còn lạc hậu… Rõ ràng, Việt Nam cần phải có các biện pháp chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Hướng chuyển dịch sang mô hình nền “kinh tế xanh” là phương án lựa chọn tối ưu cho sự phát triển bền vững và xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam.

tm-img-alt
Nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng kết hợp với hạn hán đã làm 20 nghìn ha lúa chết tại tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Thông Hải/TTXVN)

Nhằm thể hiện rõ quyết tâm và ý chí chính trị trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách và chiến lược về tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu với tầm nhìn trung và dài hạn. Có thể kể đến như năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg về Phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2053/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu. Theo đó, một trong những nhiệm vụ cần phải xây dựng và triển khai trong năm 2019 là xây dựng Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030.

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1055/QĐ-TTg về Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở để Việt Nam sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng quản lý, điều phối về tài chính và kỹ thuật, thúc đẩy quá trình tham gia của cộng đồng, khối doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Nhìn chung chính sách về tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu được xác định rõ trong các văn bản ban hành và đang được tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp độ. Với chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam thể hiện quyết tâm và hành động trong phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững đất nước.

Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1982/VPCP-QHQT ngày 24/7/2020 về phê duyệt báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam để đưa ra cam kết mạnh mẽ về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng Chương trình hỗ trợ thực hiện báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (thay thế Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu- SPRCC), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng chính sách thu hút nguồn lực trong nước, quốc tế để thực hiện các nội dung báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định, đề xuất cơ chế giám sát nguồn lực hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành địa phương trên cả nước hiện nay đang khẩn trương xây dựng quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, các kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm trong đó lồng ghép việc thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh nhằm đạt các mục tiêu báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định trong giai đoạn 2021-2030.

Nhằm phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách.

Thực tiễn 3 năm triển khai cho thấy, việc kế thừa các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng với tích hợp, lồng ghép kết quả các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, các dự án phát triển đã tạo đà mạnh mẽ cho Đồng bằng sông Cửu Long. Các nhiệm vụ, giải pháp trong nghị quyết đã bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, thúc đẩy nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều nhiệm vụ, giải pháp tổng thể cả trước mắt và dài hạn, đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy định hình chiến lược phát triển bền vững cho đồng bằng lớn nhất Việt Nam theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn.

Mặc dù, Việt Nam đã rất nỗ lực nhưng tiềm lực nền kinh tế hiện mới đáp ứng được 30% nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu của quốc gia; trong giai đoạn 2021-2030 cần huy động thêm khoảng 35 tỉ USD. Chia sẻ về sự ủng hộ của Hà Lan, Đại sứ Elsbeth Akkerman tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam và Hà Lan đều là một trong nhiều quốc gia bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu. Do vậy, hai Chính phủ tiếp tục phối hợp, đưa ra các giải pháp phù hợp ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk nhấn mạnh, Ngân hàng Thế giới thời gian qua đã có sự phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong công tác liên quan đến biến đổi khí hậu, cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam hướng tới môi trường xanh, sạch, đẹp và trong lành.

Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm chuyển hóa những "thách thức" do biến đổi khí hậu thành "cơ hội" phát triển bền vững cho tất cả mọi người...

Hoài Thu
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường