Chính sách chưa hoàn thiện, doanh nghiệp lúng túng
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về chủ trương thực hiện các dự án điện rác ở TP.HCM, một Phó giám đốc Viện Môi trường và Phát triển bền vững (VESDI) tỏ rõ sự trăn trở. Bởi, dù cho cơ quan chức năng TP.HCM thể hiện sự quyết tâm, nhiều công ty môi trường cũng muốn đầu tư thực hiện nhưng chính sách, cơ chế quản lý chất thải rắn (CTR) lại chưa cụ thể, còn doanh nghiệp lại đang lúng túng trong đầu tư, triển khai.
Theo vị lãnh đạo này, hiện nay nhiều nước trên thế giới có vẫn đang xử lý rác theo phương thức chôn lấp và đạt hiệu quả. Nhưng ở Việt Nam, những bãi chôn lấp lại gây ra những hệ lụy môi trường khiến cộng đồng bức xúc, chính vì điều đó nên phải nghiên cứu thấu đáo, điều chỉnh lại cơ chế, chính sách về sử dụng đất, quy hoạch, thuế, tham gia cộng đồng trong thu gom, xử lý CTR... cho phù hợp với điều kiện của đất nước.
Những vướng mắc thường gặp phải khi thực hiện các dự án liên quan đến phân loại rác thải tại nguồn ở Việt Nam, là: (1) Ý thức, trách nhiệm của người xả rác và cả người vận hành hệ thống thu gom, vận chuyển, tiêu hủy rác chưa cao (2) Quỹ đất hạn hẹp nên tuổi thọ của các bãi chôn lấp không nhiều (3) Chưa nghiên cứu, đánh giá đầy đủ đặc điểm CTR- đầu vào của hệ thống xử lý như Sản xuất phân vi sinh (compot), bãi chôn lấp vệ sinh (Sanitation landfield), thiêu đốt (Incineration) hoặc tái chế (4) Nguồn tài chính dành cho quản lý CTR còn hạn hẹp và không ổn định (5) Hiệu lực của các luật và quy định về quản lý CTR chưa cao...
Trước khi thực hiện dự án thì phải tính đủ, tính đúng và không phải chỗ đất trống nào cũng có thể làm dự án, cũng có thể làm bãi chôn lấp. Trong vấn đề về đánh giá tác động môi trường cần quan tâm, coi trọng hơn đến khâu tham vấn ý kiến cộng đồng và dành nguồn kinh phí nhất định cho việc nghiên cứu, đánh giá bước đầu về tính khả thi của dự án.
Quay trở lại vấn đề điện rác ở TP.HCM, Phó giám đốc VESDI đưa ra lời khuyên: “Trước khi triển khai thực hiện xây dựng các dự án đốt rác phát điện cần phải có những nghiên cứu đánh giá cụ thể để làm rõ đặc điểm của rác, khối lượng rác…
Tránh trường hợp các doanh nghiệp thì cứ nhập, đưa công nghệ vào hoạt động nhưng vấn đề quan trọng là rác đầu vào như thế nào thì chưa được quan tâm. Từ đó, dẫn đến việc dự án hoạt động nhưng không đạt hiệu quả cao, thậm chí gây ra tình trạng ứ đọng, dẫn đến những hệ lụy và bức xúc cho người dân”.
Liên quan đến vấn đề này, một chuyên gia về môi trường chia sẻ, trên thế giới đang sử dụng nhiều công nghệ xử lý rác, trong đó điện rác sẽ được các nước có quỹ đất nhỏ ưu tiên áp dụng.
“Đối với công nghệ đốt rác thì về cơ bản là sẽ tiết kiệm được quỹ đất, đốt rác sẽ đốt được nhiều hơn, xử lý được khối lượng rác lớn và nếu áp dụng tốt thì đốt rác phát điện sẽ hạn chế ảnh hưởng tới môi trường. Tuy nhiên, khi các lò đốt vận hành cũng không thể đốt hoàn toàn được lượng rác thải triệt để mà sẽ còn lại một số chất, mà những chất đó cũng cần phải được chôn lấp đúng quy trình. Nếu đưa rác vào nhiều mà không xử lý hết thì cũng gây ra các mùi hôi thối rồi ảnh hưởng tới môi trường xung quanh”, chuyên gia cảnh báo.
Cần giao cơ chế tự quản, tự chịu trách nhiệm
GS.TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng KHKT, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhận định, để giải quyết triệt để bài toán rác thải ở TP.HCM cần có sự thay đổi về tư duy quản lý với việc lựa chọn các công nghệ xử lý.
“Có thể thay đổi công nghệ xử lý chôn lấp bằng một số công nghệ mới. Điều đó đúng và cần thiết. Nhưng công nghệ mới đó phải phù hợp với Việt Nam về mặt kinh tế, về môi trường và phải thực sự hiệu quả”, GS.TS Đặng Kim Chi đưa ra lời khuyên", GS.TS Đặng Kim Chi nhấn mạnh.
Ở các nước tiên tiến, việc phân loại rác được thực hiện rất tốt, ý thức người dân cũng rất tốt. Còn ở Việt Nam, phân loại rác tại nguồn vẫn đang là bài toán chưa có câu trả lời chuẩn xác. Chính vì vậy, cần phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để cải thiện ý thức người dân. Đối với những công ty thực hiện công tác thu gom, hoặc công tác thực hiện tại các bãi rác, nhà máy xử lý khi làm việc cũng phải nghiêm chỉnh.
Để giải quyết vấn đề rác thải tại TP.HCM, Phó giám đốc VESDI cho rằng, trước mắt nên phát triển theo hình thức tự quản, giao trách nhiệm. Việc thu gom có thể khoán luôn cho từng khu phố, đoạn đường và giao trách nhiệm cụ thể. Những giải pháp đưa ra phải được duy trì, không phát động phong trào rồi để đó. Cần phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng như đầu tư những thùng rác, trạm rác,… từ đó tạo điều kiện để người dân có ý thức hơn.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý phải công khai, minh bạch, tăng cường giám sát, đưa ra những chế tài pháp luật phù hợp kịp thời đối với vấn đề rác thải. Với người dân, ngoài tuyên truyền, về lâu dài cần xây dựng chế tài xử phạt để người dân coi đó là trách nhiệm phải làm.
Quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng đơn vị chuyên môn, thực hiện quy định lương thưởng, xử phạt phù hợp để đảm bảo quyền lợi và nâng cao trách nhiệm. Nếu bộ phận nào làm không hết trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ…. ngoài việc kiểm điểm, chuyển công tác thì nếu cần có thể cho nghỉ việc.