Có cần thiết tăng vốn gấp cho 4 “ông lớn” ngân hàng quốc doanh?

Hiệp hội ngân hàng Việt Nam kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc tăng vốn điều lệ cho Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV. Nếu không sớm tăng vốn cho 4 ngân hàng quốc doanh này thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung vốn cho nền kinh tế.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và bản thân 4 ngân hàng quốc doanh này cũng liên tục có văn bản kiến nghị lên các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận việc tăng vốn điều lệ trong nhiều năm qua. Nhất là từ khi các ngân hàng phải chạy đua đáp ứng đủ vốn theo các chuẩn mực an toàn vốn của Basel II.

Trong các kỳ họp Đại hội cổ đông 3 năm gần đây, Hội đồng quản trị Vietcombank, Vietinbank, BIDV… cũng đã trình Đại hội cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ. Đáng chú ý, lãnh đạo các nhà băng bày tỏ nguyện vọng muốn được giữ lại lợi nhuận hàng năm, không chia cổ tức để tăng vốn, hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành tăng vốn…

co can thiet tang von gap cho 4 ong lon ngan hang quoc doanh

4 ngân hàng quốc doanh Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank liên tục “kêu cứu” xin tăng vốn điều lệ

Đơn cử, năm 2018 Vietcombank đã phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 6.180 tỉ đồng để nâng vốn lên mức 37.089 tỉ đồng. Nhưng so với kế hoạch đã đề ra thì nhu cầu tăng vốn của Vietcombank vẫn còn khá lớn. Từ ĐHCĐ thường niên năm 2016 ngân hàng đã mục tiêu tăng vốn lên 40.000 tỉ đồng, song không thực hiện được.

Đến nay, Vietcombank vẫn theo đuổi kế hoạch tăng vốn điều lệ lên mức 57.201 tỉ đồng vào năm 2020 (tăng trưởng bình quân 10,5% mỗi năm). Theo kế hoạch, ngân hàng sẽ đạt mức tổng tài sản 1,3 triệu tỉ đồng vào năm 2020; huy động vốn vượt 1 triệu tỉ đồng; dư nợ tín dụng 870,6 nghìn tỉ đồng… Nhưng đến hiện giờ, mức vốn điều lệ mới đạt 35.978 tỉ đồng, tổng tài sản đạt 1,072 triệu tỉ đồng nên dư nợ tín dụng chỉ dừng ở mức 640.314 tỉ đồng…

Đến cuối năm 2018, nguồn tăng vốn của Vietcombank đang rất dư dả với 20.2029 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, 5.056 tỉ đồng thặng dư vốn cổ phần… Do đó, lãnh đạo ngân hàng muốn sử dụng nguồn này để tiếp tục phát hành riêng lẻ, hay lựa chọn cách chia cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Tuy nhiên, cho đến nay vấn đề tăng vốn điều lệ của Vietcombank, hay Vietinbank và BIDV đều đang gặp vướng mắc, chưa được thông qua.

Theo các báo cáo, hiện nay, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) bình quân của 4 ngân hàng quốc doanh theo chuẩn mực vốn Basel I ở mức 9,4%, đã sát mức tối thiểu theo quy định, thấp hơn so với mức bình quân chung của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước (13%).

Do đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, nếu các ngân hàng này không nhanh chóng tăng được vốn điều lệ thì có thể ảnh hưởng đến sự an toàn hoạt động. Nhất là ảnh hưởng tới khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thậm chí có ngân hàng phải giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, từ đó có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, giảm thu ngân sách từ thuế.

Nhưng việc tăng vốn điều lệ của 4 ngân hàng này không chỉ dựa vào sự cố gắng tự thân mà rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc thực hiện phương án nâng vốn điều lệ mà các ngân hàng đã đề xuất.

Như trường hợp Vietinbank, việc tăng vốn điều lệ là cấp bách khi từ năm 2014 đến nay, ngân hàng không tăng được vốn khiến cho kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu. Năm 2018, dư nợ tín dụng của Vietinbank chỉ tăng trưởng 6% - là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Từ đầu năm 2019 tới nay, tín dụng của ngân hàng này thậm chí không tăng, ảnh hưởng tới khả năng “bơm” vốn cho hoạt động kinh tế, và hiệu quả kinh doanh giảm sút…

Hiệp hội Ngân hàng đánh giá, 4 ngân hàng thương mại quốc doanh hiện đang có tổng tài sản và dư nợ tín dụng chiếm thị phần trên dưới 50% toàn hệ thống ngân hàng nên có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, theo kiến nghị của Vietcombank, tỷ lệ sở hữu nước ngoại tại các ngân hàng nên được tăng lên để thu hút nhà đầu tư và tăng vốn để đảm bảo các tiêu chuẩn Basel II… Lãnh đạo Vietcombank cũng đưa đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng một phần Quỹ hỗ trợ sắp xếp DNNN để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước, đáp ứng vốn an toàn tối thiểu theo Basel II và có thêm nguồn lực để mở rộng tín dụng.

Do đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị Nhà nước cho phép 4 ngân hàng thương mại nhà nước được giữ lại lợi nhuận hàng năm hoặc chia phần cổ tức của Nhà nước bằng cổ phiếu để thực hiện tăng vốn điều lệ, nhằm giải quyết phần nào những khó khăn, vướng mắc của các ngân hàng.

Kim Anh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường