Cổ phiếu hồi phục 280%, Ngân hàng ACB sẽ phát hành tăng vốn 3.740 tỉ đồng

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc tăng vốn điều lệ bằng cách chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu. Hiện, giá cổ phiếu ACB giao dịch ở 29.200 đồng/CP, tăng khoảng 280% so với mức giá vùng đáy hồi năm 2013-2014.
Nhân viên ACB sắp được mua 6,2 triệu cổ phiếu quỹ rẻ bằng 55% thị trườngVì sao Ngân hàng ACB chưa thu hồi 400 tỷ gửi ở VNCB?

Theo văn bản chấp thuận, ACB sẽ được tăng vốn điều lệ từ 12.886 tỉ đồng lên 16.627 tỉ đồng theo Phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 thông qua. Quyết định này có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký.

Phương án được đưa ra trước đó là ngân hàng sẽ phát hành tối đa hơn 374 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng phần vốn tăng thêm là 3.741 tỉ đồng. Nhờ đó, ACB sẽ nâng vốn điều lệ lên mức 16.627 tỉ đồng.

Đợt phát hành cổ phiếu này nhằm chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 30% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 3 cổ phiếu).

co phieu hoi phuc 280 ngan hang acb se phat hanh tang von 3740 ti dong
Giá cổ phiếu ACB giao dịch ở 29.200 đồng/CP, tăng khoảng 280% so với mức giá vùng đáy hồi năm 2013-2014

ACB cho biết phương án sử dụng vốn tăng thêm như sau: dùng 2.035 tỉ đồng để cho vay, đầu tư trái phiếu chính phủ, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động và bổ sung nguồn vốn trung dài hạn. Số còn lại hơn 1.700 tỉ đồng sẽ mua sắm thêm tài sản cố định, xây dựng cơ bản, đầu tư hoạt động của các chi nhánh…

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ACB thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật, tuân thủ quy định của pháp luật về giới hạn sở hữu cổ phần của các cổ đông theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng; giám sát việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông nước ngoài, để đảm bảo ACB và các cổ đông nước ngoài tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định.

Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu ACB biến động khá ít trong biên độ trên dưới 15%. Hiện, giá ACB giao dịch quanh mốc 29.200 đồng/CP, giảm 15,4% so với đỉnh gần nhất hồi tháng 9/2018. Nhưng mức giá ACB hiện tại đã tăng gấp 3 lần so với vùng giá đáy hồi năm 2012 - 2014 khi nhà băng này gặp khủng hoảng sự cố dàn lãnh đạo HĐQT, Tổng giám đốc bị khởi tố, bắt giam, kéo theo đó là hoạt động kinh doanh bị sa sút nghiêm trọng. Đặc biệt là ACB khó xử lý khối nợ hàng nghìn tỉ đồng cho vay nhóm 6 công ty liên quan tới ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB.

Trong một động thái được cho là hỗ trợ “đỡ giá” cổ phiếu hồi năm 2013, HĐQT ngân hàng ACB đã quyết định mua lại tối đa 55,478 triệu cổ phiếu ACB (chiếm 5,92% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) để làm cổ phiếu quỹ. Vùng giá mua vào khi ấy là từ 12.000 -19.000 đồng/CP. Nguồn vốn mua cổ phiếu quỹ là từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của ngân hàng (tính đến 31/3/2013, tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối có 972,15 tỷ đồng).

Sau chừng 6 năm qua, hoạt động kinh doanh của ACB đã hồi phục trở lại tích cực, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng cao từ mức 951 tỉ đồng năm 2015 đến cuối năm 2018 đạt 2.118 tỉ đồng, tăng gấp đôi. Giá cổ phiếu ACB trên sàn cũng tăng gấp 3 lần so với thời kỳ khủng hoảng “bầu Kiên”, nhờ đó giá trị khoản đầu tư cổ phiếu quỹ cũng đem lại lợi nhuận ước tính hơn 1.300 tỉ đồng cho ngân hàng.

Năm 2019, ngân hàng ACB đặt kế hoạch tăng trưởng tài sản 15% so với năm 2018. Tín dụng tăng trưởng 13% theo hạn mức được giao, huy động tiền gửi khách hàng tăng 15%, tỉ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. ACB dự kiến mức lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 7.279 tỉ đồng, tăng xấp xỉ 14% so với năm 2018 (6.388 tỉ đồng) và lợi nhuận sau thuế đạt 5.823 tỉ đồng.

Tính đến hết quý I/2019, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.706 tỉ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hải Hà
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường