Cổ phiếu rớt thảm mất 93%, AMD lên kế hoạch lãi 60 tỉ năm nay

Năm 2019, CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD (mã: AMD) đặt kế hoạch doanh thu chỉ xấp xỉ năm trước là 2.670 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến 60 tỉ đồng. Giá cổ phiếu AMD hiện giao dịch ở vùng đáy 1.660 đồng/CP.

Ngày 11/6, CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD sẽ tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm 2019 tại trụ sở toà nhà FLC Landmark số 5 Lê Đức Thọ, Hà Nội.

Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên vừa công bố, năm 2019, AMD đặt kế hoạch doanh thu gần 2.670 tỉ đồng, chỉ tăng 2 tỉ đồng so với kết quả của năm trước. Lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức 60 tỉ đồng, cũng chỉ tăng 1 tỉ đồng… Hai chỉ tiêu này hầu không có sự tăng trưởng so với thực hiện của năm 2018.

co phieu rot tham mat 93 amd len ke hoach lai 60 ti nam nay
Lợi nhuận trước thuế của công ty Khoáng sản AMD năm 2019 dự kiến ở mức 60 tỉ đồng

Lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 48 tỉ đồng, công ty dự định giữ lại toàn bộ để tập trung "đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh", không trả cổ tức. Và năm 2019, công ty dự tính sẽ không chia cổ tức.

Được biết, kết quả kinh doanh năm 2018 của AMD có sự tăng trưởng khả quan với doanh thu đạt 2.665 tỉ đồng, tăng hơn 27% so với năm trước và vượt gần 16% kế hoạch đề ra. Theo báo cáo, năm qua AMD đã đẩy mạnh hoạt động khai thác sản xuất, ký kết được nhiều hợp đồng xây dựng công trình lớn song chủ yếu vẫn là các dự án của bên liên quan là Tập đoàn FLC.

Lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt hơn 59 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so năm 2017 và chỉ hoàn thành được 85% kế hoạch và lãi sau thuế 48 tỉ đồng. Nguyên nhân là do công ty huy động đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, mở rộng nhà xưởng tại các dự án khai thác mỏ, chi phí khảo sát, thăm dò để xin cấp phép thêm mỏ mới… làm tăng chi phí tài chính, giảm lợi nhuận.

Trong năm qua, công ty đã đầu tư xây dựng và mở rộng một số dự án lớn như mỏ đá và nhà máy tại Núi Loáng, mỏ đá và nhà máy tại Núi Bền, mỏ đá Núi Ác Sơn, đầu tư xây dựng showroom và phát triển hệ thống đại lý phân phối, Khu nhà nghỉ sinh thái, nhà hàng sinh thái và kinh doanh thương mại tại trung tâm của huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc…

Cập nhật kết quả kinh doanh trong quý 1/2019, AMD ghi nhận doanh thu thuần hơn 389 tỉ đồng, lãi ròng hơn 8,7 tỉ đồng.

Tại thời điểm 31/3/2019, tổng tài sản của AMD tiếp tục tăng lên mức 2.734 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn chiếm hơn 2.034 tỉ đồng. Tuy nhiên, tổng nợ phải trả của công ty cũng tăng lên 858 tỉ đồng, chủ yếu là nợ phải trả ngắn hạn…

Theo kế hoạch, AMD sẽ đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng các mỏ và hoàn thiện lắp đặt dây chuyền sản xuất đá tự nhiên tại Thanh Hóa nhằm tăng công suất khai thác, sản xuất và đầu tư và phát triển hệ thống phân phối đá tự nhiên FLCStone thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngày 11/6 tới công ty cũng trình ĐHCĐ về việc đổi tên công ty thành FLC Stone và đẩy mạnh phát triểnthương hiệu FLC Stone.

Mặc dù kết quả kinh doanh có tăng trưởng tích cực song giá cổ phiếu AMD trên sàn chứng khoán đã sụt giảm thảm hại kể từ sau khi công ty này tăng vốn điều lệ lên lên 1.635 tỉ đồng vào năm 2017. Từ mức giá 13.000 đồng/CP, sau khi FLC tăng mua cổ phần trở thành cổ đông lớn, giá cổ phiếu AMD đã tăng mạnh lên 28.000 đồng/CP (trước chia tách) trong những phiên tăng trần không rõ lý do. Nhưng sau đó cổ phiếu AMD lập tức “đổ đèo” rớt mạnh về vùng đáy.

Hiện, AMD đang giao dịch quanh mức 1.660 đồng/CP, tức giảm tới 93% so với giá đỉnh 24.000 đồng/CP (sau chia tách) của năm 2017 và “bốc hơi” 60% trong vòng 1 năm qua trong xu hướng “downtrend” mạnh. Đây cũng là mức giá thấp kỷ lục trong lịch sử hơn 5 năm lên sàn chứng khoán của AMD. Chưa rõ ban lãnh đạo công ty sẽ có giải pháp gì để cải thiện kết quả lợi nhuận tăng trưởng tích cực hơn, cũng như hỗ trợ hồi phục giá cổ phiếu trên sàn, bù đắp thiệt hại cho những nhà đầu tư, cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu AMD, trong đó có Tập đoàn FLC.

Nam Dương
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường