Công bố kết quả cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

Tính đến thời điểm 0h ngày 1/4/2019, tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người. Đây là thông tin đáng chú ý tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố kết quả sơ bộ của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, diễn ra chiều 11/7 tại Hà Nội.
Ngày Dân số thế giới 11/7: Không để ai bị bỏ rơi ở phía sauDân số Việt Nam vượt 96 triệu người, đông dân thứ 15 trên thế giới

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương.

cong bo ket qua cuoc tong dieu tra dan so va nha o nam 2019
Lãnh đạo Chính phủ và đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hội nghị. Ảnh:VGP/Thành Chung.

Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới

Tổng số dân của Việt Nam tại thời điểm 0h ngày 1/4/2019 là 96.208.984 người, trong đó dân số nam là 47.881.061 người (chiếm 49,8%) và dân số nữ là 48.327.923 người (chiếm 50,2%). Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới, tụt 2 bậc so với cách đây 10 năm và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines).

Sau 10 năm, kể từ năm 2009 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 10 năm trước (1,18%/năm).

Kết quả tổng điều tra 2019 cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Năm 2019, mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2 (tăng 31 người/km2 so với năm 2009).

Phân bố dân cư giữa các vùng kinh tế-xã hội có sự khác biệt đáng kể, vùng đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất của cả nước với 22,5 triệu người (chiếm gần 23,4%); tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 20,2 triệu người (chiếm 21,0%). Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với tổng dân số là 5,8 triệu người (chiếm 6,1% dân số cả nước).

Trong 10 năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã tác động làm gia tăng dân số ở khu vực thành thị. Dân số khu vực thành thị ở Việt Nam năm 2019 là 33.059.735 người (chiếm 34,4%); ở khu vực nông thôn là 63.149.249 người (chiếm 65,6%). Từ năm 2009 đến nay, tỷ trọng dân số khu vực thành thị tăng 4,8 điểm phần trăm.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, tương ứng là 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2.

Số dân trên 15 tuổi biết chữ chiếm 95,8%

Theo kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số, toàn quốc có khoảng 91,7% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học. Tỷ lệ này của nữ cao hơn so với nam, tương ứng là 92,5% và 90,8%. Trong vòng 20 năm qua, tỷ trọng dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện không đi học (chưa bao giờ đi học hoặc đã thôi học) giảm đáng kể, từ 20,9% năm 1999 xuống còn 16,4% năm 2009 và còn 8,3% năm 2019.

Tỷ lệ đi học chung của bậc tiểu học là 101,0%, bậc THCS là 92,8%, bậc THPT là 72,3%. Ở cấp tiểu học, không có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn về tỷ lệ đi học chung (100,9% so với 101,0%). Cấp học càng cao thì khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ đi học chung giữa thành thị và nông thôn càng lớn, cụ thể: ở cấp THCS, tỷ lệ đi học chung của khu vực thành thị cao hơn tỷ lệ đi học chung của khu vực nông thôn là 3,4 điểm phần trăm; mức chênh lệch này ở cấp THPT là 13,0 điểm phần trăm.

Cả nước có 95,8% người dân từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết (tăng 1,8 điểm phần trăm so với năm 2009). Tỷ lệ nam giới biết đọc biết viết đạt 97,0%, cao hơn 2,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ này ở nữ giới.

Trong 20 năm qua, tỷ lệ biết đọc, biết viết của nữ tăng 7,7 điểm phần trăm; khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ biết đọc biết viết giữa nam và nữ được thu hẹp đáng kể. Năm 1999, tỷ lệ biết đọc biết viết của nam là 93,9%, cao hơn tỷ lệ này của nữ 7,0 điểm phần trăm; đến năm 2019, tỷ lệ đọc biết viết của nam đạt 97,0%, cao hơn tỷ lệ của nữ 2,4 điểm phầm trăm.

Nguyễn Luận
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường