Công dụng tuyệt vời từ hoa atiso đỏ

Hoa atiso đỏ hay còn gọi là hoa bụp giấm. Đây là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe con người, có tác dụng trị ho, viêm phế quản, lợi tiểu, giải nhiệt. Có nhiều cách sử dụng hoa atiso, ở nước ta người dân thường làm mứt, ngâm đường, ngâm rượu...
Bài thuốc hay từ cây rau máNhót - thứ quả nhiều công dụng được Trung Quốc bán giá cao

Cây atiso có chiều cao khoảng 1,5 - 2m, phân nhánh gần gốc, màu tím nhạt, lá hình trứng, mép lá có răng. Hoa đơn độc, mọc ở nách, gần như không có cuống. Tràng hoa màu vàng hồng hay tía, có khi trắng. Quả nang hình trứng, có lông thô mang đài màu đỏ bao quanh quả. Cây ra hoa từ tháng 7 đến tháng 10.

cong dung tuyet voi tu hoa atiso do
Hoa atiso đỏ rất tốt cho sức khỏe con người - Ảnh minh họa

Vậy, hoa atiso đỏ có những công dụng gì?

Chữa ho, kháng viêm: Cả lá, đài hoa atiso đỏ giàu về acid và protein. Các Acid chính tan trong nước là acid citric, acid malic, acid tartric, acid hibiscus. Chúng cũng chứa gossypetin và clorid Hibiscin là những chất có tính kháng sinh. Do đó, nó được dân gian dùng như một phương thuốc thảo dược trị ho, viêm họng bằng cách lấy đài hoa atiso đỏ chưng lẫn đường phèn, mật ong, lấy nước uống vài lần/ngày. Sử dụng hoa atio đỏ thường xuyên cũng là cách ngăn ngừa ho, cảm cúm.

Ngừa ung thư: Hoa atiso đỏ rất giàu dinh dưỡng, thành phần chứa các acid và protein, vitamin C cùng những chất có tính kháng sinh khác. Hạt atiso đỏ chứa 7,6% nước, 22,3% dầu, 24% protein, 13,5% chất xơ và 7% chất khoáng. Theo nghiên cứu của Malaysia, nước ép từ đài tươi hoa atiso đỏ có tác dụng ngăn ngừa ung thư.

Giảm cân: Atiso đỏ có tác dụng ức chế men amylase, một enzym có thể phá hủy nhanh lượng tinh bột thừa trong cơ thể. Thường xuyên uống trà atiso đỏ sẽ ngăn chặn được sự hấp thu quá nhiều carbohydrate vào cơ thể.

Atioso đỏ cũng chứa nhiều bioflavonoids, một chất chống ô xy hóa ngăn cản quá trình ô xy hóa lipoprotein, giúp hạ huyết áp. Nhiều người bị huyết áp cao thường uống trà chế từ hoa atiso đỏ mỗi ngày để giảm huyết áp. Chống ô xy hóa

Một số công dụng khác: Đài hoa Atiso đỏ có tác dụng chống co thắt cơ trơn, làm thư giãn cơ trơn tử cung, làm hạ huyết áp và có tính kháng sinh, trị ho, viêm họng. Kinh nghiệm dân gian là nhai ngậm đài hoa bụp giấm để trị viêm họng, ho.

cong dung tuyet voi tu hoa atiso do
Đài hoa atiso được dùng làm thuốc chữa bệnh - Ảnh minh họa

Đài và lá cũng được dùng làm thuốc nhuận gan, lợi tiểu. Dịch chiết từ nước đài hoa atiso đỏ tiêm vào mèo thí nghiệm (không gây mê) cho thấy có tác dụng hạ huyết áp. Tác dụng này bị ngăn cản bởi Atropin. Một chiết đoạn Polysaccharit nụ hoa atiso đỏ tan trong nước có tính chất như Pectin polysacharit làm chậm sự phát triển của khối u Sarcoma 180 cấy ghép trên chuột.

Nước hãm đài hoa chứa nhiều Acid hữu cơ có tác dụng lợi tiểu, lợi mật, lọc máu, giảm áp suất mạch và kích thích nhu động ruột, lại có tác dụng kháng khuẩn và nhuận tràng. Lá cũng có tác dụng lợi tiểu, an thần và làm mát.

Lá có vị chua chua, dùng làm rau ăn. Người ta thường dùng đài hoa có vị chua làm gia vị thay giấm, chế nước giải khát, làm mứt. Có nơi dùng chế xiro. Người ta có thể cho xiro đó lên men. Lá dùng như chất thơm và cùng với đài hoa, quả để trị bệnh scorbut. Toàn cây có thể chế rượu vang: rượu có màu đỏ, vị chát, chua dịu, dáng dấp của vang Bordeaux.

Đài của hoa bụp giấm chín rất nhanh và chỉ được thu hái trong vòng 15-20 ngày sau khi hoa nở khi chúng còn mềm, không nhăn héo và có mầu đỏ xẫm. Đài để tươi, rửa sạch ép lấy nước, pha thêm đường và nước lọc làm đồ uống giải khát.

Sắc đài hoa mọng nước lấy nước uống hay hãm uống giúp cho tiêu hoá và trị các bệnh về mắt. Nó cũng dùng để trị bệnh tim và thần kinh, huyết áp cao, xơ cứng động mạch. Ở Thái Lan, đài atiso phơi khô sắc uống chữa sỏi thận và lợi tiểu. Ở Myanma dùng hạt atiso đỏ chữa suy nhược cơ thể, còn ở Đài loan hạt được dùng để nhuận tràng nhẹ, bổ và lợi tiểu. Ở Philippin, rễ atiso đỏ làm chất bổ và kích thích tiêu hoá.

Cách chế biến hoa atiso:

Hoa atiso đỏ chứa rất nhiều protein, chất xơ và khoáng chất. Có rất nhiều cách chế biến loại hoa này. Dưới đây là những cách chế biến đơn giản nhất:

Ngâm hoa atiso với đường để làm nước giải khát

cong dung tuyet voi tu hoa atiso do
Nước uống giải nhiệt từ hoa atiso đỏ ngâm đường - Ảnh minh họa

Hoa atiso đỏ sau khi mua về, tách đài hoa và hạt. Sau khi tách xong, rửa sạch, ngâm với nước muối loãng, để ráo. Rồi ngâm hoa atiso vào bình thủy tinh theo tỉ lệ 1:1 (Cứ 1kg hoa ngâm với 1kg đường). Sau khi ngâm 3 đến 4 tuần là có thể dùng được. Mỗi khi dùng pha thêm nước lọc và cho thêm đá vào để làm nước giải khát.

Hoặc khi bị viêm họng, nhấm nháp một chút nước nguyên chất, ngậm nước siro một lúc bạn sẽ thấy cổ họng dịu đi giống như uống chanh đào.

Bông hoa atiso đỏ ngâm với đường và mật ong có tác dụng mát gan, giải nhiệt cho cơ thể trong những ngày hè nóng bức. Có thể phòng rôm sảy, mụn nhọt, táo bón... cho trẻ trong những ngày hè bằng cách cho trẻ uống hoa atiso ngâm đường hàng ngày. Các bé rất thích vị chua chua ngọt ngọt của loại nước giải khát này. Hoa Atiso đỏ sau khi ngâm có vị ngọt ngọt, chua chua và đặc biệt rất giòn.

Hoa atiso ngâm rượu làm thuốc chữa bệnh

Rửa sạch hoa, để ráo nước, rồi dùng dao cắt bỏ cuống. Sau đó, cho hoa vào bình thủy tinh rồi đổ rượu vào theo tỉ lệ 1 kg hoa là 4 lít rượu trắng. Đạy nắp kín trong quá trình ngâm, hơn 4 tháng có thể uống được.

Làm mứt hoa atiso

Làm mứt hoa atiso cũng tương tự như ngâm đường để làm nước giải khát. Tuy nhiên, thay vì ngâm 4 tuần, bạn chỉ cần ngâm 5 ngày, khi thấy hoa đã ngấm hết đường, bạn đổ vào chảo sâu lòng, rồi sao với lửa nhỏ, đến khi thấy hoa giòn, quắp lại, loại mứt này có tên là mứt hoa hồng. Miếng mứt dai, mềm, ngọt lịm, thanh mát. Bạn cũng có thể dùng mứt hoa hồng ăn kèm với bánh mì.

cong dung tuyet voi tu hoa atiso do
Mứt làm từ hoa atiso cũng rất ngon và đẹp mắt - Ảnh minh họa

Những lưu ý khi sử dụng hoa atiso

Đài hoa atiso được xem là “thuốc chữa bệnh”, tuy nhiên nó chỉ có công dụng tạm thời và người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng khi sử dụng. Không nên dung nạp sản phẩm này quá nhiều vào cơ thể, ngon bổ nhưng dùng phải có liều lượng. Lạm dụng quá loại hoa này sẽ có cảm giác căng chướng, tức bụng.

Uống siro atiso quá nhiều làm cho gan, mật phải làm việc quá tải nên vô tình lại gây hại chứ không có tác dụng trị bệnh.

Bên cạnh đó, hoa atiso đỏ có tính hàn nên không thích hợp với người ăn uống khó tiêu. Phụ nữ có thai không nên dùng loại hoa này, loài hoa này làm giảm cholesterol máu, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Diệu Nguyên
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường