Công suất điện than toàn cầu sụt giảm kỷ lục trong lịch sử

Theo Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu, nửa đầu năm 2020, công suất điện than toàn cầu lần đầu tiên sụt giảm ở mức kỷ lục 2,9 gigawatt (GW) trong bối cảnh ngày càng nhiều nhà máy dừng hoạt động và đại dịch Covid-19 khiến việc triển khai các dự án mới bị ngưng trệ.
Liên hợp quốc kêu gọi các nước ngừng tài trợ cho các dự án than đáCông suất các nhà máy điện than sẽ giảm còn 8.760 MW vào năm 2025Kiến nghị dừng triển khai xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới ở Việt Nam

Cụ thể, từ ngày 1/1 – 30/6/2020, các dự án điện than mới đưa vào vận hành có tổng công suất là 18,3 gigawatt (GW), trong khi số dự án bị đóng cửa, ngừng hoạt động tương đương 21,2 GW. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, công suất điện than toàn cầu sụt giảm ròng 2,9 GW.

Công suất điện than toàn cầu sụt giảm ròng 2,9 GW trong nửa đầu năm 2020. (Ảnh: LEAG)

Báo cáo trên của Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (Global Energy Monitor - GEM) vừa được hoàn thành vào tháng 7/2020 cho thấy số lượng nhà máy điện than đóng cửa, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu đã vượt qua số lượng mở mới.

Trong nửa đầu năm 2020, Trung Quốc đi đầu về phát triển nhà máy điện than, chiếm 90% công suất được đề xuất bổ sung (tương đương 53,2GW trên tổng 59,4GW), 86% công suất được bắt đầu xây dựng (12,8GW trong 15GW) và 62% công suất đưa vào vận hành (11,4 GW trong 18,3 GW).

Việc xây dựng thêm các nhà máy điện than quy mô lớn sẽ chỉ làm trầm trọng hơn nữa cuộc khủng hoảng dư thừa điện than của quốc gia này, hạ thấp công suất vận hành trung bình trong thực tế của các nhà máy điện than của Trung Quốc từ dưới 50% như hiện nay xuống còn dưới 45% vào năm 2025, theo một báo cáo được Đại học Maryland công bố mới đây.

Công suất điện than toàn cầu suy giảm chủ yếu nhờ châu Âu cho​​ ngừng hoạt động 8,3GW điện than vào năm 2020. Với kế hoạch cho ngừng hoạt động thêm 6GW điện than trong năm nay, châu Âu đang trên đường xác lập một năm giảm kỷ lục nguồn năng lượng này.

“Đại dịch Covid-19 đã khiến những dự án nhà máy điện than mới trên khắp thế giới bị tê liệt, mang lại cơ hội hiếm hoi cho các quốc gia đánh giá lại kế hoạch năng lượng tương lai của mình và lựa chọn giải pháp tối ưu hóa chi phí, trong đó thay thế điện than bằng năng lượng sạch" - Christine Shearer, Giám đốc phụ trách mảng điện than tại GEM.

Ở khu vực Đông Nam Á, chỉ có 1GW công suất điện than được đề xuất bổ sung và 0,8GW công suất được bắt đầu xây dựng trong nửa đầu năm 2020, giảm 70% so với mức trung bình của khu vực với 2,9GW đề xuất bổ sung và 2,7GW xây mới sau mỗi 6 tháng kể từ năm 2015.

Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí. (Ảnh minh họa)

Tại Việt Nam, Quy hoạch điện VIII sắp tới đang đề xuất loại bỏ 9,5GW công suất điện than đã phê duyệt và đẩy lùi thêm 7,6GW đến sau năm 2030. So với quy hoạch 7 điều chỉnh, mức giảm này sẽ loại bỏ gần một nửa (48%) công suất nhiệt điện than được​​ quy hoạch bổ sung đến năm 2030, từ 35,5GW xuống còn 18,4GW.

Dù Liên Hợp Quốc (UN) kêu gọi các quốc gia thành viên ra lệnh cấm xây dựng nhà máy điện than mới vào năm 2020 nhằm đạt được các mục tiêu trong Hiệp định khí hậu Paris, các nhà máy với công suất khoảng 190 GW vẫn đang được xây dựng trên thế giới và 331,9 GW khác đang trong giai đoạn lập kế hoạch tiền xây dựng.

Từ nay đến 2030, sản xuất điện than toàn cầu cần tiếp tục giảm 50% - 75% so với dưới mức hiện tại để hạn chế nhiệt độ trái đất ấm lên ở mức dưới 2°C, theo phân tích của GEM dựa trên các kịch bản của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) trong báo cáo SR1.5.

Theo GEM, tốc độ xây dựng nhà máy điện than tại châu Á đang giảm dần, khi các quốc gia như Bangladesh và Việt Nam cân nhắc hạn chế hoặc trì hoãn các dự án mới. Báo cáo của GEM dẫn nghiên cứu của Đại học Maryland cho thấy việc ồ ạt mở các nhà máy điện than tại Trung Quốc có thể làm trầm trọng tình trạng thừa cung.

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế phát triển tại châu Âu và Bắc Mỹ có xu hướng chuyển đổi sang năng lượng sạch, các công ty khai thác than đang tìm đến các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á nhằm đáp ứng nhu cầu lớn đối với năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch.

Tuy nhiên, theo dự báo của Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu than trên thế giới sẽ ghi nhận mức giảm năm lớn nhất kể từ Thế chiến thứ II do các hoạt động kinh tế co hẹp khi các chính phủ đồng loạt áp dụng biện pháp phong tỏa hoặc hạn chế để phòng dịch Covid-19.

Ở Việt Nam, năm 2019, tổng công suất điện cả nước đạt 54.880 MW, trong đó nhiệt điện than là 20.200 MW (chiếm 36,1%) nhưng có giá trị rất cao về sản xuất ra điện lượng.

Trong bối cảnh áp lực tăng trưởng điện tới năm 2030 vẫn còn rất lớn, các nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo chưa đáp ứng được nhu cầu, thì vai trò của nhiệt điện than là nguồn “cứu cánh” để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Tuy nhiên, để phát triển nhiệt điện than, cần ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, hiện đại, có các thông số lò hơi (siêu tới hạn) và (siêu siêu tới hạn) để nâng cao hiệu suất của lò hơi, giảm tiêu thụ nhiên liệu cũng như giảm phát thải khí nhà kính nhằm bảo vệ môi trường.

Nguyễn Luận
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết