Do hoàn cảnh chiến tranh, Việt Nam chỉ thực sự có điều kiện ban hành quy định pháp lý về biển kể năm 1977 với Tuyên bố về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Từ đó đến nay, Nhà nước Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biển, đảo, làm tiền đề củng cố an ninh và thực hiện các chiến lược biển của đất nước.
Tuân thủ quy định quốc tế
Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam dọc theo bờ biển phía Đông – Đông Nam và Tây Nam. Bởi vậy, Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo Tổ quốc cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Không chỉ cung cấp nguồn lợi thủy, hải sản, đây còn là cửa ngõ để Việt Nam phát triển các ngành kinh tế có quan hệ trực tiếp với các miền đất nước, giao thương với thị trường khi vực và quốc tế, là nơi trao đổi và hội nhập với nhiều nền văn hóa.
Năm 1977, lần đầu tiên Việt Nam đưa ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, trở thành quốc gia tiên phong ở Đông Nam Á thiết lập vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Việt Nam cũng là một trong những nước đi đầu tham gia “Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982” (Công ước Luật Biển), vào tháng 6/1994.
Việc Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Biển Việt Nam vào năm 2012 đã đánh dấu mốc quan trọng: Nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Luật Biển. Theo Bộ Ngoại giao, cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, Việt Nam đã chuyển một thông điệp quan trọng tới thế giới: Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982; thể hiện quyết tâm của Nhà nước Việt Nam phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới.
Lập trường này được thể hiện trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biển, hải đảo cũng như các tuyên bố chính thức khác của Việt Nam sau này, đặc biệt là quá trình đàm phán để từng bước bước giải quyết, ký kết các hiệp định phân định ranh giới vùng biển chồng lấn với một số nước láng giềng như Thái lan, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a.
Nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động khai thác, quản lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nhiều luật chuyên ngành về biển và các lĩnh vực kinh tế biển đã được ban hành.
Trong đó, đáng chú ý là Luật Dầu khí sửa đổi năm 2008; Luật Bảo vệ môi trường 2014; Luật Biên giới quốc gia 2003; Luật Thủy sản 2017; Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2015; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015; Luật Quy hoạch 2017; Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018. Các luật, bộ luật và hệ thống nghị định, quy định, quy chế liên quan đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của mình.
Phát huy nguồn lực biển khơi
Thế kỷ 21 là “Thế kỷ của đại dương” và thập kỷ 2021-2030 được chọn là “Thập kỷ của Liên hợp quốc về khoa học biển vì sự phát triển bền vững”. Là một quốc gia ven biển, Việt Nam có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển, đồng thời cũng đứng trước những thách thức trong công cuộc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, an ninh quốc phòng, giao thông thương mại, khai thác và bảo vệ tài nguyên, bảo đảm thi hành pháp luật trên biển.
Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và hiện nay là triển khai là Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đều xác định nội hàm bao quát đầy đủ các vấn đề của biển và đại dương. Trong đó, Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển đã xác định lấy phát triển kinh tế, phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học làm trụ cột, đòn bẩy để từ đó nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng xã hội gắn bó, thân thiện với biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Với sự tham mưu của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam – Bộ Tài nguyên và Môi trường, một loạt các Kế hoạch, Đề án, Chương trình trọng điểm đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt để thực hiện Chiến lược bao gồm: Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Đề án Hợp tác quốc tế phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030; Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; Đề án tăng cường năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo đến năm 2030; và 2 Nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ sớm trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt.
Để thực hiện Chiến lược, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định thành lập Uỷ ban chỉ đạo quốc gia thực hiện Chiến lược, một cơ quan có quy mô rộng rãi và có thẩm quyền để quyết định các vấn đề về phát triển bền vững kinh tế biển, thể hiện quyết tâm của Chính phủ và là ưu tiên thực hiện trong thời gian tới.
Trong năm nay, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam triển khai các hoạt động chuẩn bị và năm 2021, Tổng cục sẽ tham mưu với Bộ TN&MT tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Trên cơ sở đó sẽ đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây sẽ là cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm tính thống nhất, khả thi, phù hợp với chuẩn mực luật pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.