Học sinh tham gia thả rùa con về biển tại Vườn Quốc gia Núi Chúa ở tỉnh Ninh Thuận là hoạt động có ý nghĩa giáo dục lòng yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ rùa biển. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN |
Từ đầu năm đến cuối tháng 10 vừa qua, tại Vườn Quốc gia Núi Chúa ở tỉnh Ninh Thuận đã có 41 lượt rùa biển lên bãi đẻ; trong đó có 20 tổ rùa đẻ thành công với 1.972 trứng, số rùa con thả về biển 1.535 con, tăng 36% so với năm 2018.
Ban Quản lý Vườn đã cứu hộ 4 cá thể rùa biển trưởng thành thả về biển an toàn. Các cá thể này thuộc bộ rùa biển gồm rùa xanh, đồi mồi và quản đồng thuộc danh sách các loài nguy cấp, được ưu tiên bảo vệ.
Ông Trần Văn Tiếp, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa, cho biết Núi Chúa hiện là một trong số ít khu vực hiếm hoi trên đất liền ở Việt Nam có rùa biển lên đẻ trứng hằng năm.
Mùa rùa biển lên đẻ trứng thường kéo dài từ tháng 3-10 vừa qua, cao điểm khoảng tháng 6 đến tháng Bảy vừa qua.
Năm 2019, thời tiết tương đối thuận lợi tạo độ ẩm thích hợp ở các bãi biển nên số lượng rùa lên đào tổ đẻ thành công cũng như số trứng, rùa con thả về biển đều tăng so với những năm trước.
Để bảo vệ rùa biển, trứng và rùa con không cho các loài thiên địch phá hoại và bị săn trộm, các khu vực có rùa biển lên bãi cát đào tổ được bảo vệ nghiêm ngặt.
Trong thời gian rùa lên bãi đẻ trứng, nhân viên của Vườn Quốc gia phối hợp cùng các tình nguyện viên thường xuyên tuần tra, theo dõi, ghi nhận các thông tin về rùa biển lên bãi đẻ trứng, di dời các tổ trứng có nguy cơ ngập nước do thủy triều, tiến hành cứu hộ và thả rùa con về biển an toàn.
Theo thống kê, số lượng cá thể rùa biển ở Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực đang bị suy giảm nhanh do nhiều nguyên nhân gây ra như đánh bắt, buôn bán trái phép, sử dụng các sản phẩm làm từ rùa, tình trạng suy thoái chất lượng rạn san hô, thảm cỏ biển, ô nhiễm nguồn nước, nguồn thức ăn bị thu hẹp.
Quá trình biến đổi khí hậu, ô nhiễm rác thải nhựa ở các bãi biển, đại dương cũng là một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực đến môi trường sống, sức khỏe của các loài rùa biển.
Để góp phần bảo tồn các loài rùa biển quý hiếm, Vườn Quốc gia Núi Chúa phối hợp với nhiều tổ chức trong, ngoài nước như Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Viện Hải dương học triển khai các dự án điều tra về các loài rùa trong khu vực biển Vườn Quốc gia để xây dựng các phương án bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng cùng các loài thủy sinh nguy cấp, quý hiếm khác.
Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Núi Chúa đẩy mạnh phát triển khu vực cứu hộ sinh vật biển để tiếp nhận, cứu hộ, chữa trị, nuôi huấn luyện rùa bị nuôi nhốt, đánh bắt, đảm bảo đủ điều kiện để rùa tự sinh sống được trước khi thả ra môi trường tự nhiên; xây dựng trạm bảo tồn rùa, thành lập các tổ tình nguyện viên cùng tham gia bảo vệ rùa biển trong khu vực.
Đồng thời, Vườn Quốc gia Núi Chúa cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân địa phương khi gặp rùa lên bãi đẻ hoặc đi biển thấy rùa bị nạn lập tức báo ngay cho lực lượng cứu hộ.
Theo Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, Vườn Quốc gia Núi Chúa là một trong những khu vực ưu tiên bảo vệ, phục hồi sinh cảnh, bãi đẻ cho các loài rùa biển.
Để bảo tồn các rùa biển ở địa phương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu các Sở, ngành đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra và xử lý các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép các loài rùa nguy cấp.
Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu ngành du lịch phối hợp Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa đảm bảo việc tham quan của du khách tại các bãi đẻ của rùa biển ở vườn không gây ảnh hưởng đến hoạt động bảo tồn rùa biển.
Cùng với đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến thông tin quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về quản lý, bảo vệ, bảo tồn rùa biển.