Đã uống rượu bia, không lái xe: Xuân này có khác hẳn những xuân qua?

Gần một tháng sau khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực, những thắc mắc, hoài nghi ban đầu về quy định mức phạt này của người dân đã được đại diện các cơ quan có thẩm quyền giải thích cặn kẽ. Và người dân dường như đã quen dần với mức xử phạt mới về các lỗi vi phạm, nhất là các lỗi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đặc biệt là lỗi vi phạm nồng độ cồn.
Cảnh sát giao thông sẽ xử lý vi phạm nồng độ cồn trong 7 ngày TếtNhững lỗi người đi xe máy thường bị cảnh sát 'tuýt còi' nhiều nhất, cần lưu ý trong Tết Canh TýSẽ kiểm tra nhanh nồng độ cồn tất cả tài xế vào cao tốc
da uong ruou bia khong lai xe xuan nay co khac han nhung xuan qua
Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm nồng độ cồn. (Ảnh: Giang Ngọc)

Sợ… vì phạt, mừng… vì phạt

Đây là hai đáp án mà đại đa số câu trả lời người viết nhận được khi thực hiện khảo sát nhỏ về Nghị định 100. Và không bất ngờ, câu trả lời “sợ vì phạt” là câu trả lời của đa phần những đấng mày râu và “mừng vì phạt” là câu trả lời của đa số chị em phụ nữ, những người làm vợ, làm mẹ.

Anh Nguyễn Trường Giang, lái xe taxi cho biết: “Tôi làm nghề lái xe, nuôi sống cả gia đình, bây giờ mà vi phạm nồng độ cồn, bị treo bằng 24 tháng thì chỉ có mà giải nghệ, bán xe, lấy gì mà nuôi vợ, con. Vì vậy, chắc chắn tôi sẽ chấp hành nghiêm quy định đã uống rượu bia thì không lái xe, nếu có uống rượu, bia buổi tối thì cũng phải uống chừng mực để hôm sau nồng độ cồn đã được chuyển hóa hết, lái xe đi làm bình thường”.

Cùng suy nghĩ như anh Giang, anh Nguyễn Văn Toàn, nhân viên văn phòng cũng thú nhận, trước khi Nghị định 100 được ban hành, vẫn có những lúc anh lái xe sau khi đã uống rượu, bia nhưng sau khi Nghị định 100 được ban hành, anh Toàn thôi hẳn ý định điều khiển xe đi uống rượu, bia mà thay vào đó là gọi xe ôm hay taxi. Khi được hỏi đâu là nguyên nhân chính khiến anh không lái xe đi uống rượu, bia nữa, là vì anh sợ bị phạt hay do sợ nguy hiểm đến an toàn của bản thân. Anh Toàn trả lời: “Là vì cả hai nhưng sợ bị phạt nhiều hơn”.

Anh Nguyễn Trung Hiếu (Hoàng Mai, Hà Nội), là người thường xuyên phải đi nhậu vì công việc, cho biết: “Trước khi có Nghị định 100, tôi vẫn lái xe sau khi sử dụng rượu, bia nhưng tôi không bao giờ uống quá say đến mức không biết gì, chỉ hơi “phê phê” là dừng?! Nhưng sau khi có Nghị định 100 thì tôi luôn đi xe máy về nhà rồi mới đi bộ đi nhậu hoặc hôm nào có liên hoan ở cơ quan thì để xe ở lại cơ quan rồi hôm sau bắt xe đi làm”.

“Nghị định này lẽ ra phải có từ 20 năm trước”, “Nghị định 100 là nghị định hay nhất của Việt Nam từ trước tới giờ mà tôi được biết”, “Tôi ủng hộ nghị định này 1000%”, là một số trong nhiều câu trả lời của chị em phụ nữ khi được cho ý kiến về Nghị định 100.

Chị Trần Lan Anh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Tôi ủng hộ và rất thích Nghị định này. Từ khi có Nghị định mới, chồng tôi chấp hành tốt vì sợ không đủ tiền phạt, cả tốn tiền đi taxi nữa. Nhà tôi một lần suýt bị tai nạn nghiêm trọng vì rượu, bia rồi nên có phạt nặng hơn nữa, tốn tiền taxi hơn nữa tôi vẫn rất thích và rất ủng hộ”.

“Tôi vui ra mặt nhưng nhiều khi cũng thấy tội ông chồng vì không được đi nhậu nữa”, chị Lan Anh vừa cười, vừa nói.

Cũng đồng quan điểm với chị Lan Anh, chị Nguyễn Minh Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, chị vô cùng ủng hộ quy định xử phạt mới về vi phạm nồng độ cồn. Chồng chị thường xuyên phải đi nhậu do công việc, nhậu nhiều rồi thành quen. Chị khuyên nhủ nhiều nhưng chồng vẫn không từ bỏ được thói quen này, lại còn thường xuyên điều khiển xe từ chỗ nhậu về nhà.

“Mỗi lần chồng tôi đi nhậu là tôi lo lắng từ lúc chồng tôi bước ra khỏi nhà cho đến khi chồng tôi về đến nhà, rồi lại say mèm, không biết gì. Từ khi có Nghị định 100, tôi yên tâm hơn nhiều, dù để thay đổi thói quen không phải một sớm một chiều nhưng tôi hy vọng chồng tôi từ đó sẽ điều chỉnh được”, chị Hiền nói.

da uong ruou bia khong lai xe xuan nay co khac han nhung xuan qua
Nhiều quán nhậu vắng khách sau khi Nghị định 100 có hiệu lực. (Ảnh: Giang Ngọc)

Sẽ phạt nghiêm, không có vùng cấm

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 100 ngày 31/12/2019, Cục Cảnh sát giao thông đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an có Điện số 1020/HT cùng ngày chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện ngay Nghị định.

Ngày 16/1, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị, trong đó, yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông theo quy định tại Nghị định số 100; đặc biệt là trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Canh Tý và các lễ hội xuân, duy trì thực hiện nghiêm trong suốt năm 2020; lưu ý xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và các hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm minh, không nể nang (không có vùng cấm) đối với các hành vi vi phạm; tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến các hành vi tiêu cực trong thực thi công vụ.

Ngoài tăng nặng mức phạt về vi phạm nồng độ cồn, Nghị định 100 còn tăng nặng mức xử phạt đối với nhiều lỗi vi phạm gây nguy hại tới sự an toàn của người tham gia giao thông như: đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc, đi sai làn, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, sử dụng thiết bị âm thanh, điện thoại (ô dù với người đi xe máy), không thắt dây an toàn (với người đi ô tô).

Theo Cục Cảnh sát giao thông, sau hai tuần triển khai thực hiện theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100, lực lượng cảnh sát giao thông cả nước đã kiểm tra, xử lý 54.892 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền 49 tỉ 738 triệu đồng. Đối với vi phạm nồng độ cồn, cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 6.279 trường hợp, phạt tiền 21 tỉ 013 triệu đồng. Trong đó, có hơn 1.300 lái xe vi phạm nồng độ đồn ở mức cao nhất, ba địa phương đã xử phạt người điều khiển xe đạp, xe máy điện vi phạm nồng độ cồn, kể cả người nước ngoài.

Nhiều công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn cũng bị cảnh sát giao thông xử lý. Tại Thái Bình, cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã xử phạt một Phó Giám đốc bệnh viện 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày. Tại Quảng Bình, đã xử phạt một Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày và Phòng Giáo dục và Đào tạo đã xem xét kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền đối với trường hợp vi phạm này.

Tốt cho mình, sao chờ phạt?

Trả lời tại cuộc Toạ đàm Những quy định mới trong phòng chống tác hại của rượu, bia và tăng nặng mức phạt vi phạm giao thông”, do Báo Giao thông tổ chức mới đây (ngày 9/1), bà Trần Thị Xuân Hằng, chuyên viên chính Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, thư ký dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia cho biết: Rượu, bia là nguyên nhân của 30 bệnh và là cấu thành của 200 mã bệnh. Cùng đó là tác hại về kinh tế, xã hội. Riêng về giao thông, theo thống kê của WHO, 36,2% tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia trong những vụ do nam giới gây ra. Đó là chưa nói đến thiệt hại về xã hội, mối quan hệ xã hội, bạo lực gia đình… Thiệt hại mà rượu bia gây ra lên tới 1% GDP, gần tương đương mức đóng góp của ngành kinh doanh rượu bia mang lại.

Để xử lý một trường hợp nồng độ cồn, cảnh sát giao thông phải bố trí năm chiến sĩ tham gia. Do đó, để xử lý được những trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong 2 tuần, lực lượng cảnh sát giao thông đã phải bố trí khoảng 1 triệu lượt cán bộ chiến sĩ tham gia.

Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, năm 2019 cả nước có 17.626 vụ tai nạn giao thông đường bộ, nguyên nhân dẫn đến tai nạn do lái xe sử dụng rượu, bia chiếm 1,46%. Trong đó, có nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm, người dân bị thiệt mạng một cách oan uổng do hành vi uống rượu, bia khi lái xe như: Vụ lái xe container sử dụng rượu, bia và ma túy đâm vào hàng loạt người dân đang chờ đèn đỏ tại Long An vào đầu năm 2019; vụ lái xe sử dụng rượu, bia đâm vào xe máy làm hai người chết tại hầm Kim Liên (Hà Nội); vụ người chồng say rượu tự đâm vào dải phân cách làm vợ và hai con tử vong tại Bắc Giang...

Sau 2 tuần triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100, các quán nhậu vắng khách và các bệnh viện cũng giảm số ca bệnh nhân cấp cứu do tai nạn giao thông, nhất là các tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn.

Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông từ ngày 1/1 đến ngày 15/1, cho thấy, toàn quốc xảy ra 322 vụ tai nạn, làm chết 249 người, bị thương 158 người. So với thời gian trước liền kề giảm 31 vụ (-8,8%), giảm 38 người chết (-13,2%), giảm 57 người bị thương (-26,5%).

Như vậy, so với nửa tháng trước khi có Nghị định 100, chưa rõ chắc chắn có phải nhờ những quy định mới của Nghị định, nhất là quy định về vi phạm nồng độ cồn mà tỷ lệ tai nạn giao thông giảm. Tuy nhiên, có một thực tế chắc chắn rằng, dù nhờ nhân tố nào đi chăng nữa, đã có ít nhất 38 gia đình không phải chịu nỗi đau mất đi người thân, ít nhất có 38 gia đình không phải đón Tết trong không khí tang tóc.

Trao đổi với Nhân Dân điện tử một số vấn đề liên quan đến Nghị định 100, TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thành viên Ban soạn thảo Nghị định khẳng định: “Chưa bao giờ chúng ta làm Nghị định xử phạt với mục tiêu lấy tiền vào ngân sách mà mục tiêu xử phạt là để giáo dục và răn đe. Pháp luật không cấm người dân sử dụng rượu, bia một cách hợp pháp. Pháp luật chỉ cấm không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” không có mục tiêu nào khác là bảo vệ sự an toàn của chính người dân, trong đó có những người mà chúng ta yêu thương nhất”.

Chưa xét ở phạm vi rộng đối với kinh tế, xã hội của quốc gia hay thế giới, rõ ràng, cứ mỗi một người không lái xe sau khi uống rượu bia là thêm một vụ tai nạn giao thông tiềm tàng được loại bỏ; ít nhất bản thân người đó không bị thương vong; ít nhất thêm một gia đình không phải chịu cảnh người thân bị đau hay bị mất. Cứ một người không lái xe đi uống rượu, bia là thêm một người vợ, một người mẹ hay một người con,… bớt được lo lắng, thấp thỏm mỗi khi chồng, con hay cha mình đi nhậu. Cứ một người uống rượu, bia có trách nhiệm, ở mức độ cho phép là có thêm một người giảm được nguy cơ mắc các bệnh về rượu, bia; bớt đi nguy cơ các vụ ẩu đả, bạo lực gia đình do rượu, bia,… và thêm được tất cả những hiệu quả kể trên.

Tốt cho mình như thế, sao phải chờ phạt?

Theo Bông Mai/Nhân Dân