Đại dương và địa cực đang 'trả giá' cho sự nóng lên toàn cầu

Theo các chuyên gia về khí hậu, đại dương và địa cực của thế giới đang chịu tác động lớn do sự nóng lên toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Và nếu mọi người không thay đổi hành vi thì hàng trăm triệu người sẽ bị ảnh hưởng do mực nước biển dâng, thiên tai và thiếu lương thực…
IPCC: Tình trạng nóng lên toàn cầu đang hủy hoại các đại dươngThiên tai hoành hành, châu Á gánh chịu thiệt hại lớnNắng nóng khốc liệt bởi biến đổi khí hậu "hoành hành" trên toàn thế giới
dai duong va dia cuc dang tra gia cho su nong len toan cau
Đầm phá Jokulsarlon ở Iceland được hình thành tự nhiên từ nước sông băng tan chảy và đang phát triển không ngừng. Ảnh: UN News/Laura Quiñones.

Báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết: Các đại đương đang nóng lên, tính axit tăng và kém năng suất hơn. Các sông băng và tảng băng tan chảy là nguyên nhân dẫn tới mực nước biển dâng cao, và các hiện tượng cực đoan vùng bờ biển đang trở nên nghiêm trọng hơn. Sự nóng lên toàn cầu đã lên tới 1 độ C so với thời kì tiền công nghiệp.

Bà Ko Barrett - phó chủ tịch của IPCC cho biết: "Đại dương và băng quyển đã “hấp thu nhiệt” từ biến đổi khí hậu trong nhiều thập kỷ. Điều này sẽ dẫn tới hậu quả là hệ sinh thái biển bị tàn phá, mực nước biển dâng cao hơn và các cơn bão cũng ngày càng mạnh hơn".

Có tổng cộng, 670 triệu người sống ở các vùng núi cao của thế giới và cũng bằng đó số người ở các khu vực ven biển, phụ thuộc trực tiếp vào các đại dương và nguồn tài nguyên bị đóng băng trên trái đất. IPCC kêu gọi đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu "ở mức độ thấp nhất có thể", để bảo vệ mọi người, môi trường xung quanh và sinh kế của họ.

Hoesung Lee, Chủ tịch của IPCC cho biết, “Mặc dù chúng ta đã giảm mạnh lượng khí thải, nhưng hậu quả đối với người dân và sự sống của họ vẫn còn rất nhiều”.

"Những vùng biển như Bắc Cực, Nam Cực và những ngọn núi cao có thể cách xa nhiều người. Nhưng chúng ta phụ thuộc và chịu ảnh hưởng của chúng theo nhiều cách khác nhau”, ông Lee cho biết thêm.

Theo IPCC, mực nước biển hiện nay đang dâng trung bình là 3,6mm mỗi năm. Con số này nhanh hơn gấp đôi so với thế kỷ trước và mức độ có thể tăng hơn 1m vào năm 2100 nếu khí thải nhà kính tiếp tục tăng mạnh. Điều này làm tăng rủi ro cho nhiều thành phố ven biển và các hòn đảo nhỏ. Các khu vực trũng thấp có nguy cơ lũ lụt leo thang, và một số quốc đảo có thể bị nhấn chìm.

Sông băng có thể thu hẹp 80% vào năm 2100

Báo cáo của IPCC nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc cần hành động khẩn cấp để giảm thiểu tác động của sự nóng lên toàn cầu. IPCC cũng cảnh báo các sông băng nhỏ ở châu Âu, miền Đông châu Phi, vùng nhiệt đới Andes và Indonesia có thể mất hơn 80% khối lượng vào năm 2100. Điều này có thể gây ra những hiện tượng như lở đất, tuyết lở, đá lở và lũ lụt, ảnh hưởng nặng nề đến người nông dân và các nhà máy sản xuất thủy điện ở hạ lưu.

Bên cạnh đó, tốc độ băng tan ở Bắc Cực hiện nay là rất cao, cứ mỗi giây trôi qua là mất đi 10.000 tấn băng. Báo cáo cũng lưu ý băng từ 4 năm tuổi trở lên hiện chỉ còn chiếm khoảng 1,2% tổng diện tích phủ băng của Bắc Cực. Theo dự báo, đến năm 2035, Bắc Cực sẽ không còn băng vào mùa hè.

Hậu quả của tình trạng băng tan nhanh ở Bắc Cực không chỉ là biến đổi hệ sinh thái các loài ở Bắc Cực, trong đó có những loài cá thương phẩm cũng như nguồn thức ăn của gấu Bắc Cực, mà nghiêm trọng hơn nó làm cho hiện tượng nước biển dâng diễn ra nhanh hơn và nặng nề hơn.

Băng vĩnh cửu “nóng lên và tan chảy”

Về băng vĩnh cửu - tầng đất bị đóng băng trong nhiều năm - IPCC cho rằng trong thế kỷ 21, tan băng sẽ lan rộng. Ngay cả khi sự nóng lên toàn cầu được giới hạn ở dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp, khoảng 1/4 băng vĩnh cửu sẽ tan, giảm độ sâu 3-4 m vào năm 2100. Nếu phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng mạnh, có khả năng khoảng 70% lớp băng vĩnh cửu bị mất.

Báo cáo của IPCC được thực hiện bởi hơn 100 tác giả đến từ 36 quốc gia. Từ các tài liệu khoa học mới nhất về đại dương và các địa cực, cùng những nghiên cứu đăng tải trên 7.000 ấn phẩm khoa học, những con số đáng báo động về tình trạng nóng lên toàn cầu đã được công bố.

Đây sẽ là thông tin cung cấp cho các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận trong các cuộc đàm phán về khí hậu và môi trường sắp tới, như Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP25) được tổ chức ở Chile vào tháng 12.

Quang Huy
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết