Dân kêu trời vì đất công bị "nhăm nhe" chiếm dụng

Từ hơn 3 năm nay, một phần đất công dành cho việc xây dựng các công trình phúc lợi của thôn Xâm Dương 2 (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội) đang bị chiếm dụng, cá nhân hóa khiến người dân bức xúc.
Hoán đổi 20.000 m2 đất để bỏ nhà cao tầng các dự án ven sông HànĐất Xanh Group phải nộp phạt 0,04% lãi suất nếu chậm sang tênNghệ An: 34 hộ dân sống “màn trời chiếu đất” sau khi thủy điện xả lũ

Từ nhiều năm trước đây, trên đất thôn Xâm Dương 2 vẫn tồn tại một khu vực ao lớn với diện tích khoảng 16.000 m2 do người dân trong thôn tự quản lý và sử dụng vào mục đích chung.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã Ninh Sở đã bàn giao diện tích đất ao này cho thôn Xâm Dương 2 với chủ trương xây dựng các công trình phúc lợi: Nhà văn hóa thôn, khu sân bóng - thể thao nói chung và đặc biệt là hệ thống cấp thoát nước phục vụ nhân dân.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Hấn (83 tuổi, người thôn Xâm Dương 2) cho biết: Dãy ao của thôn đã có từ rất lâu. Trước đây, do UBND xã quản lý, đến khoảng năm 2015 thì bàn giao lại cho thôn trên tinh thần sử dụng diện tích đó để xây nhà văn hóa, hệ thống cấp thoát nước và các công trình phục vụ nhu cầu thể thao văn hóa của nhân dân.

Do điều kiện kinh tế chưa cho phép, thôn không thể cùng lúc xây dựng được tất cả các công trình. Đến năm 2015, ông Trần Văn Tiến - Bí thư thôn Xâm Dương 2 cùng ông Phạm Văn Thuật - trưởng thôn có tổ chức họp thôn và đề xuất san lấp ao.

Theo ông Hấn, tại cuộc họp thôn năm 2015 đã nêu rõ, kinh phí san lấp ao sẽ do một số doanh nghiệp tư nhân cho người dân vay trước. Sau khi hoàn thành và bàn giao đất lại cho thôn thì người dân sẽ trả lại tiền. Ở thời điểm đó, tất cả nhân dân đều đồng ý chấp thuận phương án này.

dan keu troi vi dat cong bi nham nhe chiem dung
Khu đất này trước đây là ao làng nay đã được san lấp.

Ông Phạm Văn Bảy, một người cao tuổi trong thôn Xâm Dương 2 chia sẻ thêm: "Những điều ông Hấn nói đều hoàn toàn chính xác, người dân trong thôn đều có thể xác nhận. Nhưng từ năm 2015 đến nay, sau khi đã san lấp ao xong thì họ không bàn giao đất cho thôn mà lại cùng nhau chiếm dụng, phân chia nhau diện tích đất đó. Thực tế là, từ trước đã có nhiều hộ dân lấn chiếm ao, sau đó thôn dành ra 2000m2 đất để xây nhà văn hóa, 600m2 làm sân bóng nên hiện tại chỉ còn khoảng 10.000m2 đất trống. Về hệ thống cống thoát nước, do họ giữ đất, không bàn giao nên thôn cũng không làm được".

dan keu troi vi dat cong bi nham nhe chiem dung
Hiện toàn bộ khu đất đã phân lô, bị một số cá nhân chiếm dụng.

Do không thể thực hiện được hệ thống cống thoát nước nên xảy ra tính trạng úng lụt ở một số khu vực trong thôn mỗi khi trời mưa. Bà Vụ, một người dân sống trong khu vực hay xảy ra úng lụt, bức xúc cho hay: "Ngoài gia đình tôi thì còn khoảng 7-8 hộ nữa cũng rơi vào cảnh cứ trời mưa là nước tràn vào nhà. Bây giờ, khu vực ao đó cao hơn nền nhà chúng tôi mà không có hệ thống thoát nước nên nước thải và chất bẩn chảy ngược vào trong thôn, tràn vào nhà chúng tôi gây rất nhiều bất tiện, môi trường sống bị ô nhiễm. Nhà tôi đã phải đôn nền cao lên, vài nhà cũng phải thế. Chúng tôi rất bức xúc, rõ ràng là có đất thôn để xây cống mà không được xây. Tôi không hiểu những người đó lấy quyền gì mà lại giữ đất của thôn, không cho thôn làm cống".

dan keu troi vi dat cong bi nham nhe chiem dung
Cọc bê tông được dựng lên để "đánh dấu lãnh thổ.

Kinh tế Môi trường đã tìm gặp anh Phạm Văn Thắng (56 tuổi), người có mặt tại cuộc họp thôn năm 2015 và là một trong những người trực tiếp theo dõi quá trình san lấp ao. Anh Thắng cho biết, trước năm 2015, xã và thôn đã san lấp một phần ao để xây dựng nhà văn hóa thôn. Phần ao còn lại, các ông trưởng thôn và bí thư thôn tổ chức cuộc họp thôn rất "hoành tráng" và giới thiệu, tiến cử một số doanh nghiệp sẽ đứng ra cho dân vay tiền lấp ao. Sau 2 năm dân mới phải hoàn trả và không chịu lãi suất.

"Tôi là một trong những người do dân bầu ra theo dõi quá trình lấp ao. Hơn 30 đêm, các thuyền chở cát đến và hút cát từ thuyền lên bơm thẳng vào ao để san lấp. Quá trình này chỉ thực hiện ban đêm, không làm ban ngày. Nhưng từ khi lấp ao xong đến nay, chẳng có ai bàn giao đất cho thôn chúng tôi. Các ông già bà cả, thanh thiếu niên trong xóm thì mong chờ các công trình phúc lợi để có chỗ vui chơi, tập thể dục… nhưng đến bây giờ thì ai đi qua khu đất này cũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Đất công mà giờ bị chia lô, mỗi người giữ một phần" - anh Thắng nói.

dan keu troi vi dat cong bi nham nhe chiem dung
Một số cá nhân "chia đất", mõi lô đất được đánh dấu bằng hàng rào, cột bê tông.

Để có thông tin khách quan và đa chiều, PV đã liên hệ với ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch xã Ninh Sở. Ông Bảo xác nhận: "Thực trạng khu đất này trước kia là đất ao do thôn quản lý. Tại đây, đã từng xảy ra hiện tượng các hộ liền kề đó thường xuyên xâm lấn ao và rất khó quản lý tình trạng này. Năm 2010, UBND xã đã lập biên bản các vi phạm này, sau đó giao cho thôn Xâm Dương 2 quản lý".

Theo Chủ tịch xã Ninh Sở, về bản đồ địa chính khu vực này rộng hơn 10.000m2 nhưng thực tế trải qua nhiều thời gian biến động, do xâm lấn, bồi đắp nên thực tế đo đạc thì khu này còn khoảng 7.000m2. Năm 2015, thôn san lấp ao và có báo cáo với xã.

dan keu troi vi dat cong bi nham nhe chiem dung
Một lô đất đã được cổng kiên cố và đang chuẩn bị xây dựng tiếp.

Ngoài ra, một số hộ dân phản ánh bị xảy ra hiện tượng ngập úng là có cơ sở, nhưng rất ít vì xã đã cho xây dựng hệ thống thoát nước đi qua giữa làng và chảy thẳng ra sông Hồng. Còn về việc diện tich đất ao có dấu hiệu bị cá nhân chiếm dụng là do thôn chưa có phương án trả tiền cho các cá nhân đã đứng ra san lấp ao, nên xảy ra hiện tượng những người này giữ đất, chưa bàn giao cho thôn.

Về vấn đề này xã sẽ có báo cáo với các cấp cao hơn để tìm hướng giải quyết, còn hiện tại thì mảnh đất đó vẫn giữ nguyên hiện trạng, không có hiện tượng xây dựng (?). Xã cũng sẽ tổ chức họp dân và có các cá nhân đó để tìm tiếng nói chung, Chủ tịch xã Ninh Sở khẳng định.

Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...!

Nhóm PV
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường