Bên cạnh những kết quả tích cực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương thì nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã lợi dụng chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển điện năng lượng mặt trời để trục lợi.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Đắk Nông diễn ra mới đây, các đại biểu cho rằng, hai năm trở lại đây, số lượng đầu tư, phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời trên địa bàn đã bùng phát với tốc độ chóng mặt. Tuy vậy, cơ quan chức năng ở tỉnh đã lơ là trong việc giám sát, kiểm tra việc thực hiện đấu nối một số công trình điện mặt trời.
Trả lời chất vấn, ông Lê Văn Thị, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông thông tin, hiện toàn tỉnh có gần 450 công trình điện mặt trời áp mái với tổng công suất trên 70 MWP.
Thừa nhận sự bất cập trong việc để xảy ra lỗ hổng trong cấp quyền đấu nối điện mặt trời áp mái, ông Lê Văn Thị cho biết: "Địa phương còn quản lý chưa chặt chẽ, đặc biệt là ở các thôn, khi sang nhượng, mua bán, đội lốt chuyển nhượng đất đai để trở thành trang trại nên nảy sinh vấn đề. UBND tỉnh tiếp tục có chỉ đạo, Sở phối hợp với các ngành liên quan như Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp, Sở Tài nguyên Môi trường tiếp tục triển khai, kiểm tra, thanh tra, đưa ra những vấn đề cốt lõi để chỉ đạo xử lý".
Tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 16, khóa XI của HĐND Gia Lai, vấn đề phát triển nóng các dự án năng lượng và xử lý lượng pin sau khi hết hạn sử dụng cũng trở thành vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Giải trình về vấn đề này, ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết, hiện nay, tỉnh có trên 2.000 công trình điện mặt trời mái nhà với tổng công suất khoảng 206 MWp. Ngoài ra, có 2 dự án điện mặt trời công suất 84 MWp đang vận hành và hàng chục dự án khác với tổng quy mô hơn 1.000 MWp đang trong quá trình triển khai.
Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai nhận định vấn đề nổi cộm hiện nay là làm sao kiểm soát các dự án núp bóng điện mặt trời áp mái để hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Thậm chí nhiều nhà đầu tư đề xuất làm trang trại nông nghiệp nhưng mục đích chính lại là để lắp điện mặt trời để bán điện cho EVN nhằm kiếm lời. Theo tính toán, để đầu tư 1 MW điện mặt trời mái nhà, chi phí là khoảng 15 đến 16 tỉ đồng. Với giá bán hơn 1.900 đồng/kWh, nếu thực hiện dự án ở Gia Lai, thì nhà đầu tư có thể hoàn vốn được trong vòng năm đến sáu năm.
Tại Đắk Lắk, chỉ trong 2 năm qua đã có tới 2.000 công trình điện mặt trời trên mái nhà, với tổng công suất hơn 120.000 kWp được đấu nối. Điện mặt trời “bùng nổ” khiến lưới điện nhiều vùng ở tỉnh Đắk Lắk đã đầy và quá tải.
Ông Hà Văn Chương, Phó Giám đốc Điện lực Đắk Lắk cho biết, đầu 2020 đến nay, toàn tỉnh đã có thêm 1.500 công trình điện mặt trời áp mái với tổng công suất gần 100.000 kWp hòa lưới điện, tăng gấp 5 lần so với năm trước.
Trước những tồn tại, bất cập trong việc lắp đặt, xây dựng ĐMTMN tháng 12/2020, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có chỉ đạo yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kiểm tra, rà soát, cung cấp thông tin về phát triển ĐMTMN mô hình trang trại, nhà xưởng trên địa bàn quản lý.
Qua quá trình kiểm tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk đã phát hiện hàng loạt dự án làm nông nghiệp kết hợp ĐMTMN chưa có giấy chứng nhận kinh tế trang trại, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thậm chí chưa thi công xong đã được công ty điện lực cho đấu nối vào hệ thống điện.
Cụ thể, tại TP.Buôn Ma Thuột, đoàn kiểm tra 7 trang trại trồng trọt thì có tới 4 trại xây dựng chưa hoàn thiện các hạng mục sản xuất. Chủ trang trại chủ yếu tập trung lắp hệ thống ĐMTMN và đã được Công ty Điện lực Đắk Lắk cho thỏa thuận đấu nối vào lưới điện.
Huyện Buôn Đôn có 29 trang trại thì 21 trại chưa có xác nhận trang trại, chỉ mới có chủ trương cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, nhưng đã được Cty điện lực Đắk Lắk thỏa thuận, đấu nối vào lưới điện. Cụ thể, đoàn kiểm tra thực tế 5 trang trại thì 4 công trình chưa hoàn thiện thủ tục xác nhận trang trại, chưa trồng, nuôi con gì, đang trong giai đoạn thi công (chủ yếu lắp đặt hệ thống ĐMTMN) nhưng đã được phép đấu nối vào hệ thống điện.
Tình trạng trên cũng xảy ra tại huyện Cư Kuin. Trong 20 trang trại (16 trồng trọt, 3 chăn nuôi và 1 hỗn hợp) lắp đặt hệ thống ĐMTMN, mới có 4 dự án được xác nhận là trang trại, 1 trang trại không đủ tiêu chí, 15 trang trại còn lại chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, đến nay, 14 trang trại đã được ngành điện lực cho đấu nối vào hệ thống điện, và 6 trại đã có thỏa thuận đấu nối.
Từng trao đổi với báo CAND về vấn đề này, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, tình trạng các nhà đầu tư lợi dụng chính sách để hưởng lợi từ cơ chế điện mặt trời mái nhà cần được chấn chỉnh gấp, nhằm tránh tình trạng tại một địa điểm, có nhiều chủ đầu tư cùng lắp đặt dự án dưới 1 MW. Từ đó, hình thành tổng công suất lớn hơn 1 MW với 1 điểm đấu nối. Ngoài ra, việc khống chế công suất dự án dưới 1 MW và có tấm pin lắp đặt trên mái nhà được coi là điện mặt trời mái nhà. Đặc biệt, cũng cần bổ sung quy định kiểm soát hộ gia đình đăng ký theo hộ khẩu tại địa phương, diện tích lắp đặt cụ thể…
“Điện mặt trời áp mái là điện của từng hộ gia đình có mái nhà, có hộ khẩu, có sổ đỏ nhà đất được Nhà nước cấp phép. Mục đích của điện mặt trời áp mái là người sản xuất sử dụng thừa trong gia đình rồi mới bán điện cho Nhà nước. Còn ngụy tạo, tự tạo, tự diễn mà không được cấp phép thì đó là trái luật. Những trường hợp nào làm trái như vậy thì đương nhiên không được chấp nhận. Đối với những trường hợp này Bộ Công Thương không cho phép Tập đoàn Điện lực mua bán điện. Khi mà Tập đoàn Điện lực không mua thì những trường hợp này sẽ không bán cho ai được cả”, ông Trần Viết Ngãi khẳng định.
Một giả thiết khác, trong thời gian tới, đối với hàng trăm dự án điện mặt trời tự phát trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên được các cơ quan chức năng xác định là điện mặt đất nối lưới. Như vậy, các dự án điện mặt trời nối lưới được xây dựng trước đây đều chưa được Bộ Công Thương quy hoạch điện lực, đánh giá tác động môi trường… Xét một cách toàn diện, việc phát triển ồ ạt các dự án điện mặt trời sẽ tạo ra không ít lo toan về vấn đề đối với môi trường.