Hiện nay, chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có khoảng 100 trường sử dụng dịch vụ xe buýt đưa đón học sinh. Vì vậy có thể nói đây là phương tiện đi học khá phổ biến với học sinh Hà Nội nói riêng và học sinh các thành phố lớn nói chung.
Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày, việc người lớn bỏ quên trẻ trên xe ô tô gia đình cũng rất dễ xảy ra. Việc trang bị kiến thức và kỹ năng thoát hiểm cho trẻ khi bị bỏ quên trên xe ô tô là rất cần thiết. Đặc biệt, các trường học cũng cần thường xuyên giáo dục học sinh về kỹ năng này.
Dạy kỹ năng thoát hiểm cho trẻ khi bị bỏ quên trên xe ô tô là rất cần thiết - Ảnh minh họa. |
Thay vì hốt hoảng, sợ hãi, các bé nên được nhà trường, phụ huynh dạy về các kỹ năng cần thiết dưới đây để tăng khả năng thoát khỏi trường hợp khẩn cấp khi bị mắc kẹt trên ô tô.
Giữ bình tĩnh
Dạy trẻ cố giữ bình tĩnh để không bị mất sức - Ảnh minh họa. |
Vì vậy nếu không may rơi vào trường hợp bị kẹt trong ô tô, phụ huynh nên khuyên trẻ cần bình tĩnh, tìm cách tự thoát ra hoặc báo hiệu cho người xung quanh về tình trạng của mình.
Việc gào thét, khóc lóc có thể khiến trẻ nhanh chóng mệt mỏi, kiệt sức từ đó bỏ qua những cơ hội tăng khả năng thoát ra.
Bấm còi xe trên vô lăng
Hãy chỉ cho con cách bấm còi xe. Có một sự thật ít người biết rằng còi xe ô tô luôn hoạt động kể cả khi xe không khởi động. Còi xe vẫn luôn hoạt động do sử dụng nguồn điện trực tiếp từ Accu.
Vị trí còi tre trên vô lăng rất dễ để trẻ có thể nhận biết - Ảnh minh họa. |
Hãy dạy con, nếu bị bỏ quên trên xe, trẻ cần đến vị trí vô lăng xe, tìm kiếm hình ký hiệu còi xe và nhấn liên tục để thu hút sự chú ý từ những người xung quanh.
Vị trí còi xe ở tất cả các xe đều giống nhau và dễ tìm, do vậy, trẻ từ 3 tuổi có thể thực hiện và ghi nhớ nếu có sự hướng dẫn của người lớn.
Bật đèn khẩn cấp (Đèn Hazard)
Tương tự còi, đèn Hazard được thiết kế nguồn điện riêng để nó lúc nào cũng sẵn sàng hoạt động.
Đèn khẩn cấp trên xe ô tô thường có hình tam giác - Ảnh minh họa. |
Hãy chỉ cho con nút bật cái đèn này có hình tam giác và rất dễ thấy trên tablo buồng lái. Bấm nó để bật gây sự chú ý, kết hợp với bấm còi.
Hãy thử mở các cửa ô tô
Các xe hơi đều thiết kế luôn có lẫy mở khoá cửa từ bên trong tại mỗi cửa lên xuống. Hãy bớt chút thời gian, dạy con cách bật lẫy này để mở cửa trong trường hợp khẩn cấp.
Hãy dạy trẻ cách mở cửa ô tô từ bên trong - Ảnh minh họa. |
Khi chẳng may bị bỏ quên một mình trên xe ô tô, hãy dạy trẻ thử mở các cửa xe xem có được không. Biết đâu trẻ có thể tự mìn thoát thân trong trường hợp này.
Liên lạc bằng thiết bị thông minh
Hiện nay nhiều bậc phụ huynh đều trang bị cho con, em mình các thiết bị di động, đồng hồ thông minh. Do đó, hãy dạy bé kỹ năng liên lạc với cha mẹ hay người ngoài để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Nên trang bị cho trẻ một chiếc đồng hồ định vị để liên lạc trong trường hợp cấp bách nếu có thể - Ảnh minh họa. |
Ngoài các số điện thoại lưu trực tiếp trên điện thoại, cha mẹ cũng cần dạy các em gọi đến các số điện thoại của cảnh sát, cứu thương khi gặp phải sự cố.
Với trẻ đã đến tuổi đến trường (khoảng từ 6 tuổi trở lên), trang bị cho trẻ một chiếc đồng hồ định vị để liên lạc trong trường hợp cấp bách vô cùng cần thiết.
Đập mạnh vào cửa để gây sự chú ý
Với trẻ nhỏ không có điện thoại cá nhân hoặc đồng hồ định vị, việc trẻ cần làm lúc này là dùng hết sức hoặc bất cứ vật gì nặng trên xe đập cửa thật mạnh, hét thật to để người bên ngoài biết tìm cách giải cứu.
Đứng ở phần kính trước vô lăng để vẫy người phía ngoài
Có thể các cửa sổ của xe có màu tối (nâu hoặc đen) để hạn chế ánh nắng chiếu nhưng phía kính trước vô lăng luôn là kính trong để tài xế quan sát đường.
Do đó, trẻ có thể tới phần kính đó, tìm cách báo cho người bên ngoài biết mình đang ở trong xe bằng cách vẫy tay, hoặc cầm các đồ vật rồi vẫy để thu hút người phía ngoài.
Tìm cách phá kính ô tô
Trong trường hợp bất khả kháng, khi không thể tự mở cửa xe hay kêu gọi sự trợ giúp từ bên ngoài, trẻ có thể tìm các dụng cụ phá kính ô tô trong xe.
Nếu trên xe không có dụng cụ phá kính, hãy dạy trẻ tìm các dụng cụ, đồ vật khác để tìm cách phá kính và thoát ra. Nếu không, việc phá kính cũng giúp cho không khí trong xe bớt ngột ngạt, hoặc người ngoài có thể dễ dàng nghe thấy tiếng trẻ kêu cứu.
Trong trường hợp khẩn cấp, nếu không có cách nào khác hãy phá cửa kính ô tô - Ảnh minh họa. |
Trong trường hợp trẻ thường xuyên di chuyển cùng bố mẹ bằng xe gia đình, bố mẹ hãy luôn để dụng cụ phá kính ô tô trong xe và không quên dạy trẻ cách đập vỡ cửa sổ kính trên ô tô để tự thoát thân nếu chẳng may bị bỏ quên trong xe.