Để phố không ngập như sông, TP.HCM cần có giải pháp căn cơ

Nhiều nhà khoa học cho rằng, TP.HCM cần có giải pháp căn cơ, tổng thể thì mới mong hạn chế được cảnh phố thành sông mỗi khi triều cường.
Lũ, triều cường dâng cao gây nhiều thiệt hại tại các địa phươngTriều cường cao kỷ lục ở TP.HCM, người dân vật lộn với ngập sâuCác quốc gia trên thế giới bảo vệ môi trường như thế nào?

Tình trạng triều cường, ngập nước ở TP.HCM ngày càng có xu hướng nghiêm trọng khi ngoài yếu tố con người thì biến đổi khí hậu mang tính cực đoan cũng khiến tình trạng này thêm trầm trọng. Nhiều nhà khoa học cho rằng, TP.HCM cần có giải pháp căn cơ, tổng thể thì mới mong hạn chế được cảnh phố thành sông mỗi khi triều cường.

de pho khong ngap nhu song tphcm can co giai phap can co
Hệ thống thoát nước không thoát nước kịp mỗi khi mưa lớn làm ngập nhiều tuyến đường

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Vân Thanh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thì hiện nay tình trạng ngập nước do triều cường ở TP.HCM diễn biến rất phức tạp, năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2017 đỉnh triều cường tại trạm Phú An là 1,72m, thì trong ngày 30/9 vừa qua đã lập một kỷ lục mới là 1,75m. Và tại trạm Nhà Bè là 1,8m khiến hàng trăm hộ dân ở: Quận 8, Tân Bình, quận 2… phải sống trong cảnh ngập nước.

Lý giải về hiện tượng trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Vân Thanh cho rằng, do quá trình đô thị hóa đã làm giảm không gian chứa nước, giảm khả năng thoát nước, mặt đất nền đang bị lún dần và việc triển khai các công trình chống ngập còn quá chậm so với yêu cầu. Song song đó, người dân còn chưa ý thức trong xả rác dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn các đầu cống thoát nước. Đặc biệt là biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra phức tạp và không thể kiểm soát đã làm cho tình trạng ngập lụt, triều cường ngày càng tăng cao.

Bởi vậy, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Vân Thanh, trong lúc chờ đợi các công trình chống ngập hoàn thành thì TP.HCM phải xây dựng được bản đồ ngập lụt và bản đồ quản lý rủi ro do ngập, từ đó để có biện pháp phòng tránh. Đồng thời với đó là tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân.

“Những biện pháp công trình này chúng ta vẫn đang làm, chưa hoàn thiện và hiệu quả chưa cao, vấn đề ta phải làm là xây dựng được các biện pháp phi công trình. Đó là xây dựng được các bản đồ ngập lụt và bản đồ quản lý rủi ro do ngập, để có biện pháp phòng tránh khi ngập lụt. Đó là cái quan trọng nhất, thứ 2 là tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân trong việc không xả rác bừa bãi làm tắc cống thoát nước cũng như kênh rạch”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Vân Thanh nói.

de pho khong ngap nhu song tphcm can co giai phap can co
Mưa lớn cộng với triều cường làm nhiều tuyến đường trên TP.HCM bị ngập.

Đồng quan điểm với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Vân Thanh, Giáo sư, TS Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, việc bê tông hóa ở TP.HCM đang khiến nước không thể thẩm thấu nên làm gia tăng hiện tượng ngập lụt. Bên cạnh đó, các hồ trữ nước tự nhiên đã bị thu hẹp dần không đủ sức chứa.

Theo Giáo sư, TS Trần Đình Hòa, TP.HCM phải có một nghiên cứu tổng thể về vấn đề này: “Chúng ta phải có các giải pháp làm sao khi mưa xuống là phải thẩm thấu được xuống mặt đất và phải có không gian để trữ nước đó là vấn đề chống ngập đối với các thành phố nói chung còn riêng về TP.HCM phải có một nghiên cứu tổng thể chứ không thể nghiên cứu rời rạc được”.

Còn theo ông Đinh Công Sản - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống thiên tai (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), các giải pháp như chuyển nước và làm hồ điều hòa chỉ mang tính tức thời. Biện pháp mang tính căn cơ là xây dựng hệ thống kè ngăn triều cường xâm nhập vào TP; còn nếu làm hồ điều hòa thì phải nằm ở khu vực hạ du mới giảm được ngập lụt.

“Về các giải pháp công trình, chúng tôi nghiên cứu rất nhiều giải pháp nhưng thấy không hiệu quả và chỉ có giải pháp sau cùng mà chúng tôi muốn đề xuất là dùng kè IPT tức là kè làm giảm xâm nhập triều vào từ phía biển vào hoặc là làm hồ điều hòa ở phía hạ du để giảm tình trạng ngập lụt cho TP”.

Hiện nay, tác động của biến đổi khí hậu đến nước ta nói chung và TP.HCM nói riêng đang đi theo chiều hướng cực đoan dẫn đến mưa nhiều hơn, triều cường ngày càng lên cao và ngập lụt ngày càng nghiêm trọng. Cho nên ngoài các biện pháp mang tính chiến lược lâu dài, thì việc nâng cao ý thức của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường cũng góp phần giúp TP hạn chế được tình trạng mỗi khu phố là một con sông khi triều cường lên hay mưa lớn bất chợt.

Theo (Xuân Ngà/VOV)