Đeo khẩu trang là điều kiện cần, nhưng có thể không đủ để ngăn bụi mịn

Các chuyên gia y tế lưu ý, khẩu trang y tế và khẩu trang thông thường không đủ để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí và bụi mịn nguy hiểm.
Chất lượng không khí hôm nay (2/10): Ô nhiễm Hà Nội giảm nhưng vẫn số 1 thế giớiVì sao không khí ở khu vực Tây Hồ ô nhiễm nhất Hà Nội?Ác mộng ô nhiễm môi trường mang tên lốp xe

Hà Nội trong nhiều ngày qua đã liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới trên tổng số 10.000 thành phố được quan trắc của ứng dụng AirVisual (Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới). TP.HCM cũng đứng trong top 10 này.

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ngày 1/10 đã lý giải tình trạng chất lượng không khí Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong tháng 9/2019, với nhận định rằng đây là hiện tượng thường gặp trong thời gian này do đang là giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu tác động rất nhiều của các yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn ô nhiễm vốn có.

deo khau trang la dieu kien can nhung co the khong du de ngan bui min
Chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội ở mức "rất có hại cho sức khỏe" trên AirVisual. (Ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên, báo cáo của Tổng cục Môi trường cũng cho thấy, trong thời gian từ ngày 12-29/9, chất lượng không khí tại Hà Nội liên tục có những ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt ngưỡng cho phép. Điều này khiến không ít người dân lo lắng. Nhiều người đã đeo khẩu trang như biện pháp bảo vệ cơ bản nhất mỗi khi ra đường.

Tại cổng trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) hầu hết học sinh khi đến đường và tan học đều đeo khẩu trang. Chị Trần Thị Thanh Huyền có con trai học lớp 4 tại đây cho biết: “Bình thường cháu không chịu đeo khẩu trang vì vướng, nhưng những tuần gần đây tôi phải bắt cháu phải đeo. Nhà trường cũng có khuyến cáo tới phụ huynh và học sinh việc đeo khẩu trang khi tới trường để đảm bảo sức khỏe”.

Bạn Nguyễn Phương Nhi, lớp 9A3, trường THCS-THPT Lương Thế Vinh cũng tự ý thức được mối nguy hại của ô nhiễm không khí với sức khỏe và đã chủ động đeo khẩu trang dù trước đây không bao giờ dùng đến: “Bây giờ cứ khi nào ra đường là em đeo khẩu trang. Bạn bè em cũng như vậy vì đi học buổi sáng có thể nhìn rõ lớp bụi mù bao phủ khắp nơi”.

Phó Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lương Thế Vinh Văn Thùy Dương cho biết, trước các thông tin về chỉ số không khí ở Hà Nội đang ở mức kém, những ngày qua, nhà trường đã nhắc nhở học sinh đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe.

“Ngoài cách đó ra chúng tôi không biết làm thế nào, vì học sớm thì không được phép mà nghỉ học thì sau đó học sinh phải chạy đua với chương trình cũng mệt. Qua sự việc lần này, tôi xin đóng góp ý kiến với Sở làm sao để các trường có thể học và dàn kiến thức, để những lúc có sự cố như bão lũ, ô nhiễm không khí... học sinh có thể được nghỉ học mà không bị ép tiến độ”, bà Dương nói.

Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, chuyên gia khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài, đặc biệt là nhóm đối tượng trẻ em, người già và những người mắc bệnh về hô hấp. Nếu có việc phải ra ngoài, cần đeo khẩu trang có chức năng lọc khí để tránh khói, bụi. Khi đi ra ngoài về, nên rửa mũi, họng bằng nước muối sinh lý.

Các chuyên gia y tế lưu ý, khẩu trang y tế và khẩu trang thông thường không đủ để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí và bụi mịn nguy hiểm. Do vậy, việc nhiều người dân đeo khẩu trang mỗi khi ra đường chỉ là “biện pháp tâm lý” giúp họ cảm thấy yên tâm chứ không thực sự ngăn chặn được bụi mịn xâm nhập vào cơ thể. Theo bác sĩ Nguyễn Phượng Hoàng, Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện phổi Hà Nội, các loại khẩu trang cotton hoạt tính, khẩu trang y tế chỉ có tác dụng ngăn bụi thô kích thước lớn, không thể ngăn bụi mịn dưới 2,5 micromet, loại bụi mà mắt thường không thể nhìn thấy và có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

“Nguyên tắc khi sử dụng khẩu trang chống bụi, vi khuẩn, virus là không được giặt, nếu bẩn thì loại bỏ và dùng cái khác, bởi giặt sẽ làm phá vỡ cấu trúc màng lọc của khẩu trang, khi đó khẩu trang không còn chức năng lọc nữa. Để bảo an toàn, người dân nên mua ở những công ty vật tư y tế có thương hiệu, uy tín. Sản phẩm phải có ký hiệu N95 hay N99 hoặc FFP2; chữ in phải sắc nét, không bị mờ, nhòe”, bác sĩ Hoàng khuyến cáo.

Theo Hoàng Lê/VOV
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường