Dịch Covid-19 đã giáng đòn mạnh vào các hãng hàng không Việt. |
Dịch viêm phổi cấp do virut SARS-CoV-2 gây ra đã xuất hiện ở 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, ghi nhận 788.039 ca nhiễm và 37.877 ca tử vong (tính đến 16h chiều 31/3). Sau Trung Quốc, các nước châu Âu, châu Mỹ đã bùng phát các ổ dịch lớn ở Italy, Tây Ban Nha, Đức, Iran, Pháp, Vương Quốc Anh… gây ra những thiệt hại vô cùng nặng nề. Nhiều quốc gia buộc phải thắt chặt xuất nhập cảnh khiến ngành hàng không gần như tê liệt.
Sau các biện pháp cắt giảm chuyến bay đi tới các vùng dịch, dừng miễn thị thực vẫn không “cản bước” Covid-19 xâm nhập và số ca nhiễm tại Việt Nam tăng nhanh, ngày 25/3, Vietnam Airlines đã phải dừng toàn bộ các chuyến bay quốc tế. Các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài cũng dừng đón khách quốc tế về Việt Nam.
Tương tự, hãng hàng không Vietjet Air cũng dừng khai thác các đường bay đi/đến các nước trong khu vực ASEAN từ ngày 20/3, tiếp đó dừng bay đến Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Hãng chỉ mở bán chặng Hà Nội- Tokyo vào đầu tháng 4.
Còn Jetstar Pacific tạm đóng hết các đường bay quốc tế cho tới ngày 30/4, Bamboo Airways cũng dừng đường bay quốc tế duy nhất đến Hàn Quốc và hoãn mở các đường bay quốc tế mới. Các hãng hàng không Việt đều tăng cường phun khử trùng, phòng dịch các tàu bay có người nghi nhiễm, kiểm soát gắt gao hành khách trên các chuyến bay nội địa.
Dịch Covid-19 đã giáng đòn mạnh vào các hãng hàng không Việt, với thiệt hại ước tính lên tới 10.000 tỉ đồng, và nâng lên mức 30.000 tỉ đồng khi dịch bệnh bùng phát ở châu Âu, Mỹ hồi đầu tháng 2. Từ đầu tháng 3 đến nay, tình hình dịch bệnh còn tồi tệ hơn khiến giao thông đường hàng không bị hạn chế tối đa.
Vietnam Airlines sở hữu đội tàu bay lớn nhất, liên tục báo lãi kỷ lục trong 4-5 năm qua nhưng chỉ sau 3 tháng bùng phát dịch Covid-19, hãng dự kiến Công ty mẹ có thể giảm doanh thu đến 12.500 tỉ đồng (tương đương 16% kế hoạch năm) và lợi nhuận đến 5.880 tỉ đồng, qua đó ghi nhận lỗ 4.300 tỉ đồng (kế hoạch lãi 1.580 tỉ đồng). Đây là tính toán vào thời điểm cuối tháng 2/2020, do đó số lỗ có thể sẽ lớn hơn nữa, khi 65% máy bay đang bị “đắp chiếu”, hơn 20.000 lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tình hình kinh doanh quý 1 của Vietjet dự báo cũng kém khả quan do sụt giảm hành khách, ngừng chuyến, huỷ chuyến… Công ty vẫn phải chi trả các khoản phí lớn để duy trì đội tàu bay, nhân viên, phí khai thác dịch vụ cảng… Trước đó, trong quý 4/2019 doanh thu thuần của Vietjet bị giảm tới 25% so với cùng kỳ năm 2018, chỉ đạt 13.925 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 65%, đạt 539 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế cả năm 2019 đã giảm 21%, đạt hơn 4.219 tỉ đồng.
Do việc mở rộng đầu tư tài sản cố định, mua sắm tàu bay ồ ạt với quy mô lớn đã khiến cho tổng nợ phải trả của Vietjet tăng 29%, ở mức 32.293 tỉ đồng vào cuối năm 2019. Gánh nặng tài chính sẽ càng tăng thêm trong tình cảnh ngừng bay kéo dài, giảm doanh thu, còn khoản phải thu tăng mạnh lên tới 32.926 tỉ đồng. Hoạt động kinh doanh đi xuống, cộng thêm thiệt hại từ dịch bệnh khiến cho cổ phiếu VJC giảm sâu tới 36% trong hơn 2 tháng qua. Còn cổ phiếu HVN “bốc hơi” 46% so với đầu tháng 1.
Dù quy mô đội tàu bay còn hạn chế, Bamboo Airways cũng hứng chịu thiệt hại đáng kể khi lượng khách vận chuyển trong mùa dịch Covid-19 sụt giảm rõ rệt, sau đó, phải ngừng bay, bị đối tác thúc đòi nợ hơn 205 tỉ đồng (các phí khai thác cảng, dịch vụ sân bay). Trong 2 tháng qua, cổ phiếu FLC của công ty mẹ Bamboo Airways đã giảm 35% và vẫn chưa thấy đáy.
Tình cảnh bi đát của các hãng hàng không Việt Nam cũng như thế giới khiến cho nguy cơ phá sản như dự báo của CAPA là hoàn toàn có thể xảy ra. Doanh thu sụt giảm thê thảm nhưng các hãng bay vẫn phải “è cổ” trả hàng loạt chi tài chính, vay nợ, các loại phí dịch vụ sân bay, nhiên liệu, thuế…