Sau hai ngày chạy lọc ảo, đại diện một số trường đại học cho hay vẫn chưa định hình được mức điểm chuẩn. So với mức dự kiến công bố trước đó điểm chuẩn chính thức có thể sẽ có thay đổi.
Điểm chuẩn của các trường năm nay có nhiều biến động khó lường - Ảnh minh họa. |
Đại học Bách khoa Hà Nội
Qua quá trình lọc nguyện vọng ảo trong 2 ngày qua, PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nhiều khả năng điểm chuẩn của các ngành thuộc Trường đại học Bách khoa Hà Nội sẽ không khác là bao so với dự đoán điểm chuẩn mà nhà trường đưa ra trước khi thí sinh thay đổi nguyện vọng.
Với những ngành được dự đoán điểm chuẩn ở mức cao (khoảng 24 điểm trở lên), điểm chuẩn sẽ khá sát với dự báo trước đó. Không có ngành nào tăng đến 3 điểm so với năm 2018. Nhóm ngành điểm chuẩn tăng cao nhất (công nghệ thông tin) cũng chỉ tăng từ 2 - 2,5 điểm.
Đối với những ngành được dự đoán điểm chuẩn thấp hơn, điểm chuẩn các ngành nhìn chung sẽ nằm ở ngưỡng trên trong khung dự đoán (ví dụ nếu đã được dự đoán ở mức 21 - 22 thì xác suất cao là điểm chuẩn các ngành trong khung này sẽ nằm sát ngưỡng 22). Nhóm ngành khoa học vật liệu, vật lý kỹ thuật... dự kiến khoảng 21 điểm, hoặc hơn 21 điểm.
Đặc biệt, có một số ngành, trường dự đoán điểm chuẩn ở mức 19 - 20 thì nay có thể mạnh dạn khẳng định, sẽ không có ngành nào điểm chuẩn nằm dưới mức 20 điểm. “Cũng sẽ có rất ít ngành điểm chuẩn 20, với lượng chỉ tiêu không đáng kể so với con số 6.600 chỉ tiêu của trường”, PGS Tớp nói.
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho hay, sau hai lần lọc ảo điểm chuẩn của trường có xu hướng giảm so với mức điểm chuẩn dự kiến đã công bố trước đó. Theo ông Dũng, mức giảm từ 0,5 đến 1 điểm tùy từng ngành.
Đại học Thương mại Hà Nội
GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại cho biết, tuy các kết quả lọc ảo hiện chỉ ở dạng nháp, chưa đủ độ tin cậy nhưng qua đó cũng cho thấy điểm chuẩn các ngành vào trường nhiều khả năng sẽ tăng mạnh so với năm ngoái.
Chuyên ngành tăng ít nhất sẽ tăng khoảng 2,5 điểm, chuyên ngành tăng nhiều nhất là 5 điểm. Ngành có mức điểm chuẩn cao nhất sẽ là 24 điểm và không có ngành nào 20 - 21 điểm.
Đại học Kinh tế TP.HCM
Ông Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM lại cho hay mọi vấn đề về điểm chuẩn vẫn rất khó nói.
"Quá trình lọc ảo vẫn đang chạy tùm lum. Nếu chúng tôi đẩy điểm chuẩn lên một chút thì mất rất nhiều thí sinh, nhưng nếu hạ xuống một chút thì lại dư quá. Năm nay số lượng thí sinh có số điểm gần nhau nhiều quá, chỉ cần xê dịch 0,01-0,02 điểm cũng ảnh hưởng nhiều lắm. Đẩy điểm ngành này thì ảnh hưởng tới ngành khác"- ông Đương nói.
Ông Đương khẳng định, dù vậy điểm chuẩn Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ có ngành trên 25 điểm.
ĐH Bách khoa TP.HCM
Ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thông tin trường đã định hình được điểm chuẩn và điểm chuẩn của các ngành gần như mức mà trường đã dự đoán trước đó.
"Có những ngành chúng tôi dự đoán tăng từ 1,5 điểm trở lên thì nay vẫn tăng ở mức như vậy. Một số ngành có thể có điểm chuẩn tăng hơn 1,5 điểm như Ô tô, Điện điện tử, Máy tính, Cơ điện tử. Nhiều ngảnh chỉ lên 1 điểm so với năm ngoái, còn 1 số ngành chỉ tăng hơn một chút so với năm ngoái".
Ông Thắng cho hay, thống kê sơ bộ mức điểm 23,5 có nhiều thí sinh nộp hồ sơ nhất. Nếu tính cả điểm ưu tiên thì có nhiều thí sinh nộp hồ sơ mức đạt trên 29.
ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết điểm chuẩn các ngành được cập nhật sau ngày lọc ảo thứ 2 nằm trong khoảng 18 - 23,7 điểm (trừ ngành trí tuệ nhân tạo 25,2 điểm).
Theo ông Dũng, so với ngày đầu tiên, điểm chuẩn ở ngày thứ 2 đã giảm 0,5 - 1 điểm ở một số ngành. “Sự thay đổi này là do tác động trong việc giảm điểm chuẩn, nói nôm na là “mở van” khá lớn của các trường tốp trên trong quá trình lọc ảo xéđt tuyển thí sinh”, ông Dũng cho hay.