'Đỉnh dịch' sốt xuất huyết, số ca mắc tăng gấp ba lần

Tính đến ngày 27/10, cả nước có khoảng 200 nghìn ca mắc sốt xuất huyết, 50 trường hợp tử vong. Dịch sốt xuất huyết đã chững lại nhưng số mắc vẫn rất cao, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Hà Nội: Dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạpLại thêm 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết ở Đắk LắkSở Y tế Hà Nội: Thận trọng với sốt xuất huyết khi vào mùa cao điểm
dinh dich sot xuat huyet so ca mac tang gap ba lan
Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Số bệnh nhân nhập viện có chiều hướng tăng

ThS, BS Phạm Hùng, Trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện 63 tỉnh thành phố đều có bệnh nhân sốt xuất huyết, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn. Mặc dù ngành y tế đã tuyên truyền rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền bằng rất nhiều hình thức, nhưng hiện nay người dân vẫn còn rất chủ quan đối với căn bệnh nguy hiểm này.

TS, BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus – Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 bệnh nhân nhập viện vì mắc sốt xuất huyết (SXH). Năm 2019, đợt dịch SXH bắt đầu từ khoảng tháng 7,8. Từ vài tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhân nhập BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã cao hơn năm ngoái, tuy chưa bằng vụ dịch năm 2017 nhưng cũng là điều đáng báo động.

Trong số 30 ca nhập viện mỗi ngày, có nhiều ca mắc SXH có dấu hiệu cảnh báo. Đặc biệt, có những gia đình đến 5 người đều mắc SXH phải nhập viện. Những người này thường có dấu hiệu cảnh báo từ ngày thứ 4 SXH hoặc những người sau khi khỏi sốt chủ quan nghĩ đã hết bệnh.

Mới đây, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị có tiếp nhận 3 bệnh nhân bị biến chứng nặng do SXH. Theo BSCK II Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Hữu Nghị, trong số 3 bệnh nhân biến chứng nặng thì có 2 ca biến chứng xuất huyết tràn dịch đa màng, đe dọa sốc nguy kịch. Đến nay, sau quá trình điều trị tích cực kịp thời, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định và được xuất viện. Ngoài ra, có nhiều người bệnh mắc SXH có bệnh lý mạn tính nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch…

Với những trường hợp bệnh nhân suy tim, bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông nếu không may bị mắc SXH thì dễ xảy ra biến chứng nặng nề. Chính vì vậy, việc điều trị cho những đối tượng này hết sức phức tạp và cân nhắc kỹ lưỡng.

Chia sẻ về số lượng bệnh nhân đến khám vì sốt xuất huyết gia tăng, BS Khiêm cho biết, do hiểu biết của người dân về bệnh SXH đã tốt hơn trước rất nhiều nên khi thấy có dấu hiệu sốt đã đi kiểm tra kịp thời. Vì thế, tình trạng nhập viện không ồ ạt như mọi năm. Những ca nhập viện điều trị hầu hết đều ở tình trạng tiểu cầu rất thấp nên được theo dõi chỉ số tiểu cầu thường xuyên, tránh tình trạng nguy hiểm như xuất huyết não.

Phòng tránh trước đỉnh dịch sốt xuất huyết

Tại TP Hà Nội, tính đến hết tháng 9, toàn thành phố ghi nhận 5.305 trường hợp mắc SXH, chưa ghi nhận tử vong. Bệnh nhân có ở 465/584 xã, phường, thị trấn (chiếm 79%). Một số quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc như Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thường Tín, Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Oai, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội dự báo những tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, thất thường, số mắc có thể tăng cao do đúng vào chu kỳ của đỉnh dịch vào tháng 10 và 11. “Điều kiện vệ sinh môi trường hạn chế, mật độ dân cư cao, một số khu vực thiếu nước sạch, người dân phải tích trữ nước để sinh hoạt; nhiều khu vực bãi đất trống, tiếp giáp, xen kẹt, khu nhà chưa có người tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sản và phát triển”, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cảnh báo.

Theo ông Hùng, hiện nay tốc độ đô thị hóa rất nhanh, người dân xây nhà riêng, kín cổng cao tường, việc kiểm soát vũng nước đọng, nơi có chứa nước - môi trường sống của muỗi sốt xuất huyết rất khó khăn. Đáng lo ngại, ở một số nơi, người dân có thái độ không hợp tác với ngành y tế để phun thuốc diệt muỗi, hoặc khi có đoàn kiểm tra, nhiều gia đình không muốn cho cán bộ y tế đến kiểm ra môi trường sống, tìm diệt ổ loăng quăng.

"Từ tháng 4 đến nay, Bộ trưởng Y tế trực tiếp chỉ đạo yêu cầu Sở Y tế các tỉnh vào cuộc khẩn trương, không được lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Đến nay, dịch sốt xuất huyết đã chững lại nhưng số mắc vẫn rất cao, cao gấp ba lần năm 2018, chúng tôi rất lo ngại", ông Phạm Hùng nói.

Trước thực tế chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc tự phòng bệnh để giảm nguy cơ bùng phát bệnh là diệt các ổ loăng quăng, bọ gậy. Nếu làm tốt, sẽ không có muỗi truyền bệnh, sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh ra cộng đồng. Dịch bệnh sẽ bùng phát nếu không có sự chung tay, vào cuộc của người dân. Ngành y tế, chính quyền đều không làm thay được vài trò của người dân.

Vì thế, ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch. Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Theo Thiên Lam/Nhân dân