Đồ dầu thải vào nước là một tội ác, cần xử lý thật nghiêm

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, “Cá nhân, tổ chức nào đổ dầu, chất thải bẩn vào nguồn nước cần phải coi đây là một tội ác, cần xử lý thật nghiêm.
Ai thực sự đứng sau vụ đổ dầu thải vào nguồn nước Sông Đà?Vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà: Khởi tố vụ án hình sự tội gây ô nhiễm môi trườngVì sao sau một ngày nhận tin, địa phương mới có mặt tại điểm đổ dầu?

Sáng 18/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc làm việc giữa đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội với Thường trực HĐND, UBND, UB Mặt trận Tổ quốc, TAND, VKSND, Công an TP Hà Nội trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm nguồn nước, báo cáo của UBND TP Hà Nội cho biết, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội đã điều chỉnh nguồn cấp nước từ Nhà máy nước mặt sông Đuống và các nhà máy nước ngầm khác để cung cấp cho khu vực các phường: Đại Kim, Định Công, Thịnh Liệt, Hoàng Liệt (Hoàng Mai), Thanh Xuân Nam, Kim Giang, một phần phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) và các hộ dận dọc đường Nguyễn Trãi với sản lượng ngày 15/10 là 35.000m3/ngày đêm; ngày 16 và 17/10 là 60.000 m3/ngày đêm, các khu vực này người dân có thể dùng nước để sinh hoạt ăn uống bình thường.

Hiện nay váng dầu đã được ngăn chặn, không chảy vào nguồn nước Nhà máy nước mặt sông Đà, đồng thời công ty đã đóng nguồn cấp nước, tiến hành súc xả toàn bộ đường ống, các bể bơm tăng áp trên toàn tuyến truyền dẫn, các công việc này đã hoàn thành vào chiều 16/10.

do dau thai vao nuoc la mot toi ac can xu ly that nghiem

“Trên cơ sở các công việc đã và đang được xử lý, kết hợp với kết quả xét nghiệm mẫu nước lấy ngày 14/10 tại điểm đầu nguồn vào Nhà máy nước sông Đà, có 107/107 chỉ tiêu đều đạt quy chuẩn, trong đó chỉ tiêu styren có kết quả thấp hơn quy chuẩn cho phép” – báo cáo nêu rõ.

UBND TP Hà Nội cho biết, đến chiều 16/10 khu vực Nhà máy nước mặt sông Đà đã đảm bảo an toàn. Tối cùng ngày, Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà đã cho vận hành cấp lại nước vào hệ thống, đến chiều tối 17/10, người dân có thể tiếp tục dùng nước để tắm giặt. “Hiện nay trên toàn hệ thống sản xuất tại nhà máy không còn vết dầu”.

Để đáp ứng nhu cầu dùng nước sạch ăn uống của người dân, hiện nay công ty nước sạch Hà Nội tiếp tục dùng xe téc để cấp nước sạch miễn phí, đồng thời cấp nước bằng các bình nhựa 20l cho các trường mầm non, tiểu học trong khu vực bị ảnh hưởng.

Để khắc phục các hậu quả của nguồn nước cấp từ Nhà máy cho các vùng thuộc Hà Nội, UBND TP Hà Nội yêu cầu toàn bộ vùng cấp nước của nhà máy nước mặt sông Đà trên địa bàn các quận bị ảnh hưởng tập trung thau rửa toàn bộ bể ngầm, bể nước chứa trên nóc, đến ngày 20/10 phải hoàn thành.

Bên cạnh đó, Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà sẽ cung cấp nước, không thu tiền đối với các công ty cung cấp bán lẻ sử dụng nguồn nước sông Đà cho đến khi việc súc xả làm sạch bể và các tuyến đường ống, mạng cấp nước ở các khu dân cư, sau đó được kiểm tra, xét nghiệm đảm bảo an toàn.

Ghi nhận sự vào cuộc của các cơ quan chức năng của TP Hà Nội sau sự cố nguồn nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu, song, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, thành phố cần triển khai các biện pháp đồng bộ, quyết liệt để đảm bảo cung cấp đủ nước sạch, ổn định tâm lý cho nhân dân.

“Cá nhân, tổ chức nào đổ dầu, chất thải bẩn vào nguồn nước cần phải coi đây là một tội ác, cần xử lý thật nghiêm. Đồng thời xem xét trách nhiệm, kỷ luật nghiêm của những cá nhân trong Công ty cấp nước sông Đà và các đơn vị có liên quan” – ông Trí nói.

Theo vị đại biểu Quốc hội, một yếu tố cũng rất quan trọng là cần xem xét lại an ninh an toàn nguồn nước, đầu vào của nhà máy nước sông Đà. Ông cũng cho rằng, khai thác nước từ nguồn lộ thiên mà không có bảo vệ thì không an toàn, đồng thời cần làm đường ống kín để lấy nước từ lòng hồ thủy điện sông Đà, qua các bước xử lý để cung cấp nước cho người dân.

Nhắc lại một số vấn đề mà các ĐBQH trong đoàn quan tâm như: ô nhiễm hóa chất từ vụ cháy tại Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông, ô nhiễm bụi mịn trong không khí, hay mới đây nhất là vụ ô nhiễm nguồn nước của công ty nước sạch sông Đà… đồng chí Hoàng Trung Hải đề nghị thành phố rà soát lại các cơ chế chính sách, phương pháp về quản lý nhà nước để làm sao kiểm soát tốt hơn những sự cố, thảm họa có thể xảy ra.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, năm 2017, Thành phố đã ban hành Đề án về ứng phó với các thảm hoạ, sự cố có thể xảy ra với thành phố. Đây là dịp để thành phố rà soát lại các phương án để củng cố, nâng cao chất lượng công tác quản lý.

“Đặc biệt, qua các sự việc xảy ra, thành phố cần rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tính kịp thời trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình, thông tin đến người dân khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc xử lý các sự cố xảy ra” – đồng chí Hoàng Trung Hải nói.

Theo Môi trường và Đô thị