Tín hiệu tích cực
Năm 2021 ghi nhận xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Tiếp đà tăng trưởng, những tháng đầu năm 2022, nhiều đơn hàng dồn dập đã khiến các ngành xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam gấp rút trở lại cuộc đua.
Để phát huy tinh thần ấy mạnh mẽ hơn nữa, cộng đồng doanh nghiệp cần đến sự hỗ trợ cụ thể từ các nguồn lực để trở lại “đường đua” với kỳ vọng bứt phá dựa trên các đơn hàng đã ký đến nửa đầu năm 2022.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2022, cả nước có 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 192,3 nghìn tỷ đồng; tăng 15,9% về số doanh nghiệp, tăng 22,6% về vốn đăng ký so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, tăng 28,9% về số doanh nghiệp, tăng 24% về vốn đăng ký.
Không chỉ tăng mạnh về số doanh nghiệp thành lập mới mà vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng 5,8%, đạt mức 14,8 tỷ đồng/doanh nghiệp. Nếu tính cả 343,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 5,6 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1/2022 là 536,1 nghìn tỷ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, còn có 19,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 352,8% so với tháng 12/2021 và tăng 194% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 1/2022 lên 32,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 93,6% so với cùng kỳ.
Đánh giá về tình hình trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, đây là kết quả khả quan, tiếp đà bứt phá từ cuối năm 2021. Trong năm qua, sự trợ giúp liên tục và hiệu quả của Chính phủ, cơ quan chức năng đã tạo nền tảng cho sự phục hồi của doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2030 đã đề ra quan điểm phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.
Bên cạnh đó, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 cũng đề ra nhiệm vụ xây dựng và phát triển các định chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hỗ trợ chuyển đổi hộ sản xuất kinh doanh thành doanh nghiệp; thúc đẩy chuyển đổi số, liên doanh, liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cơ hội mới để “bứt phá”
Kỳ vọng vào những chính sách hỗ trợ phục hồi của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá những chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay, sẽ là trợ lực quan trọng để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2022 có thể mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nếu có sự linh hoạt, có khả năng ứng phó tốt. Do đó, cần phải nắm bắt được thời cơ, dự báo, đoán định được những diễn biến cung – cầu của thị trường; đây sẽ là tiền đề giúp các doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong năm nay và những năm tiếp theo.
Theo đánh giá của Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn Đại biểu TP.Hà Nội), "trong bối cảnh hiện nay, tôi nhất trí với quan điểm của Chính phủ là đưa ra những chính sách linh hoạt nhưng thận trọng. Tôi cũng nhất trí với việc tích hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ để đưa ra một gói giải pháp hỗ trợ về lãi suất cho doanh nghiệp với lãi suất 2%, mức này tôi cho là phù hợp. Nếu chúng ta thực hiện được gói này sẽ có thể thúc đẩy được một dòng tín dụng đến hàng triệu tỷ đồng Việt Nam cho nền kinh tế và điều đó sẽ có tác động rất lớn đối với các doanh nghiệp. Quan trọng là dòng tiền này phải được chảy vào các doanh nghiệp, các lĩnh vực có năng lực cạnh tranh nhưng đang gặp khó khăn tạm thời và có khả năng phục hồi nhanh. Việc đó sẽ quyết định thành bại của chính sách tín dụng".
Tuy nhiên, muốn gói hỗ trợ này đảm bảo thực hiện thành công phải thúc đẩy những biện pháp toàn diện, những giải pháp phi tài chính như biện pháp về mở cửa thị trường một cách kiên định theo lộ trình chủ động. Đồng thời, đẩy mạnh những cắt giảm thể chế, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư. Cùng với đó, nhiều chương trình xúc tiến của các bộ, ngành, địa phương đang có nguồn cần đẩy mạnh trong giai đoạn này, để có thể hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Bởi năng lực hấp thụ của doanh nghiệp tùy thuộc rất lớn vào năng lực của doanh nghiệp và phụ thuộc vào các biện pháp hỗ trợ đó của Nhà nước.
Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp biết nắm bắt, thích ứng linh hoạt thì cơ hội sẽ nhiều hơn khó khăn. "Các doanh nghiệp vẫn đang phải dựa vào xuất khẩu rất nhiều, do đó, khi chúng ta nắm bắt được cơ hội và đoán định, dự báo được những diễn biến cung - cầu trên thế giới và xác định được vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu một cách phù hợp, thì chúng ta có cơ hội bùng nổ phát triển.
Tôi cho rằng năm 2022 nếu chúng ta nắm bắt tốt cơ hội, cơ hội vẫn nhiều hơn khó khăn, và các doanh nghiệp có thể đặt nền móng cho những tham vọng phát triển cho giai đoạn tiếp theo hoàn thành các mục tiêu của nhiệm kỳ 5 năm. Tôi tin với tinh thần đoàn kết sáng tạo các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có một khí thế để khó khăn nào cũng vượt qua và hoàn thành các mục tiêu của năm 2022".