Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã: FLC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2019 với doanh thu vẫn tăng mạnh, song lợi nhuận lại ở mức rất thấp.
Cụ thể, đến hết tháng 6/2019, Tập đoàn FLC ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 7.275 tỉ đồng, tăng trưởng 31% so với nửa đầu năm trước. Nhưng lợi nhuận trước thuế luỹ kế 6 tháng qua chỉ đạt 151 tỉ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.
Năm 2019, Tập đoàn FLC đặt mục tiêu doanh thu 20.000 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 720 tỉ đồng, nhưng hiện mới chỉ hoàn thành được 36,4% và 21% kế hoạch cả năm.
Lợi nhuận trước thuế luỹ kế 6 tháng qua của Tập đoàn FLC chỉ đạt 151 tỉ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ |
Riêng trong quý 2, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của FLC đạt 3.255 tỉ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng do giá vốn tăng tới 25% lên tới hơn 3.306 tỉ đồng nên lợi nhuận gộp bị âm gần 51 tỉ đồng và luỹ kế lợi nhuận gộp 6 tháng qua chỉ đạt 33,5 tỉ đồng, chỉ bằng 6% so với cùng kỳ năm trước. Do các khoản chi phí tăng mạnh trong kỳ này, nhất là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 113%, chi phí khác tăng gấp 4 lần, lãi vay tăng 100%… nên lợi nhuận trước thuế quý 2 chỉ đạt 79,2 tỉ đồng và lãi sau thuế còn 13,2 tỉ đồng.
Đáng chú ý, trong quý 2, doanh thu hoạt động tài chính của FLC đột biến lên tới 728,6 tỉ đồng, tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ quý 2/2018. Nhờ đó doanh thu tài chính trong nửa đầu năm nay lên tới 1.040 tỉ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mảng “kéo” lợi nhuận của FLC lên mức khá hơn đạt 151 tỉ đồng, chỉ còn giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, tập đoàn này đã phải ghi nhận số chi phí thuế TNDN rất lớn trong kỳ này, khiến cho lợi nhuận sau thuế nửa năm nay chỉ còn vỏn vẹn… 21 tỉ đồng. Mức lợi nhuận này chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù các báo cáo không thuyết minh chi tiết, song qua các số liệu cho thấy, mảng kinh doanh vận tải hàng không của FLC hiện vẫn đang bị lỗ và Tập đoàn FLC đang phải bù lỗ. Bởi kết quả kinh doanh của Công ty mẹ - FLC vẫn ghi nhận đà tăng trưởng mạnh với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng hơn 80%.
Về mảng kinh doanh hàng không mới gia nhập từ năm 2018 , ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cũng thừa nhận giai đoạn đầu khai thác Bamboo Airways gặp khó khăn, vẫn bị lỗ lớn do tập đoàn phải đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng như: sắm máy bay mới, xây dựng đội ngũ nhân sự, hệ thống vận hành… Hiện, FLC mới vận hành khai thác 10 tàu bay, nhưng vẫn phải đảm bảo bộ máy vận hành cho việc khai thác tới 30 tàu bay trong thời gian tới. Trong khi doanh thu và lợi nhuận của Bamboo Airways còn hạn chế nên đã ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh hợp nhất của tập đoàn.
Với việc liên tục mở rộng đầu tư hàng loạt dự án lớn, quy mô nợ của FLC cũng tăng lên rất nhanh. Đến cuối tháng 6/2019, tổng nợ phải trả của FLC lên tới 18.462 tỉ đồng, chủ yếu ở nợ vay và thuê tài chính, nợ tiền người bán, tiền nhận trước của khách hàng, chi phí… Trong đó, có hơn 80,5% là nợ ngắn hạn, cho thấy áp lực lớn về điều chuyển vốn và cân đối tài chính để đảm bảo trả nợ đến hạn của Tập đoàn FLC.
Tại thời điểm 30/6/2019, tổng tài sản của Tập đoàn FLC tiếp tục tăng thêm 1.608 tỉ đồng, lên tới 27.497 tỉ đồng (tương đương gần 1,2 tỉ USD). Vốn điều lệ công ty hiện vẫn duy trì ở mức gần 7.100 tỉ đồng và chưa rõ khi nào FLC thực hiện kế hoạch phát hành tăng vốn thêm 3.000 tỉ đồng theo phương án đã được ĐHCĐ thường niên 2019 thông qua.