Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

Là quốc gia ven biển, Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260 km, với trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển và nguồn tài nguyên phong phú, có nhiều tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển. Thế kỷ XXI được coi là “thế kỷ của đại dương”, phát triển kinh tế biển trở thành xu thế tất yếu của Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới để đảm bảo các nhu cầu về nguyên, nhiên liệu, năng lượng, thực phẩm cũng như không gian sinh tồn cho con người.
Lập Ủy ban quốc gia thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt NamKinh tế biển xanh – Đòn bẩy cho phát triển bền vững: Tầm nhìn chiến lượcPhát triển kinh tế miền Trung: 'Ngay bây giờ hoặc không bao giờ'

Chuyển từ tiềm năng thành hiện thực

Theo số liệu của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, vùng biển Việt Nam có diện tích rộng, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền, đường bờ biển dài trên 3.260 km (đứng thứ 27 về chiều dài bờ biển trong số 157 quốc gia ven biển, đảo quốc trên thế giới) và tỉ lệ mặt tiền hướng biển gấp 6 lần thế giới. Nước ta có lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế biển và giao lưu, hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó Biển Đông đóng vai trò “cầu nối” quan trọng, là cửa mở với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

doi moi de phat trien ben vung kinh te bien viet nam

Phát triển kinh tế biển trở thành xu thế tất yếu của Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới để đảm bảocác nhu cầu về nguyên, nhiên liệu, năng lượng, thực phẩm cũng như không gian sinh tồn cho con người. (Ảnh: CITT)

So với các vùng khác trong nội địa, vùng ven biển gồm hầu hết các đô thị lớn có kết cấu hạ tầng khá tốt; có các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước đang được đầu tư phát triển mạnh; có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, trong đó một số loại có giá trị làm mũi nhọn để phát triển; có nguồn lao động dồi dào và hệ thống giao thông đường sắt, thủy, bộ thuận tiện… là điều kiện hết sức thuận lợi để tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, tiếp thu công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý hiện đại của nước ngoài, từ đó lan tỏa ra các vùng khác trong nội địa.

Các ngành công nghiệp khác vùng ven biển được quan tâm đầu tư, xây dựng. Nhiều khu, cụm công nghiệp nằm rải rác trên địa bàn các tỉnh, thành phố ven biển có độ lấp đầy cao. Hiện nay, cả nước có 17 khu kinh tế ven biển được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước 845.000 ha. Mới đây, Thủ tướng vừa phê duyệt bổ sung quy hoạch khu kinh tế ven biển Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) với quy mô 13.303 ha vào Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển ở Việt Nam đến năm 2020. Năm 2018, các khu kinh tế ven biển đạt tổng doanh thu 14,3 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu hơn 7,2 tỉ USD, đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 40.000 tỉ đồng.

Trên vùng biển Việt Nam, các nhà môi trường phát hiện khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau; phát hiện khoảng 1.300 loài trên các hải đảo. Đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái đã cung cấp nguồn lợi hải sản to lớn cho nền kinh tế. Số liệu từ Tổng cụ Thống kê cho biết, sản lượng thủy sản khai thác năm 2019 ước tính đạt 3.768,3 nghìn tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước (quý IV/2019 đạt 915,9 nghìn tấn, tăng 4,2%). Dự báo tăng trưởng kinh tế ngành thủy sản năm 2020 sẽ tăng trưởng trên 7% so với năm 2019 (sai số dự báo ±5%).

Biển Việt Nam có khoảng 35 loại hình khoáng sản với trữ lượng khai thác khác nhau. Trong đó dầu khí là tài nguyên lớn nhất ở thềm lục địa, có tầm chiến lược quan trọng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từng bước phát triển, lớn mạnh, xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác – phát triển công nghiệp khí – điện – chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng đất nước. Tập đoàn có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Tổng doanh thu lũy kế toàn Tập đoàn PVN đã đạt trên 160 tỉ USD, luôn ở mức tăng trưởng cao gần 20%/năm. Sản lượng khai thác năm 2019 đạt 4,45 triệu tấn quy dầu, bằng 103% kế hoạch năm, trong đó khai thác dầu đạt 3,13 triệu, đạt 103% kế hoạch năm; khai thác khí đạt 1.320 triệu m3, đạt 103% kế hoạch năm.

Để chuyển từ tiềm năng thành hiện thực, phát triển kinh tế biển bền vững, cân bằng sinh thái, giữ biển trong lành và an toàn cho nhiều thế hệ mai sau là bài toán lớn cần có lời giải đồng hành với việc tổ chức thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam.

Thúc đẩy liên kết trong phát triển kinh tế biển

doi moi de phat trien ben vung kinh te bien viet nam

Việt Nam được coi là cường quốc mạnh về nuôi trồng và chế biến thủy sản của thế giới. (Ảnh minh họa)

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đưa ra nhiều chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế biển. Ngày 9/2/2007, Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua Nghị quyết 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu quan trọng nhất là phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảm bảo vững chắc quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09, Hội nghị lần thứ Tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (tháng 10/2018) đã tổng kết, đánh giá toàn diện về việc thực hiện Chiến lược biển và công bố Nghị quyết số 36/NQ-TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là chủ trương lớn, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam trong việc khai thác hợp lý các nguồn lực từ biển để phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Để góp phần thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp mà Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết 26 của Chính phủ, trong đó tập trung 5 lĩnh vực quan trọng, đó là: Tập trung rà soát, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; Coi khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao là phương tiện thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, thực hiện tốt Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; Nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.

doi moi de phat trien ben vung kinh te bien viet nam
Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên biển vô cùng phong phú. (Ảnh minh họa)

Phát triển bền vững kinh tế biển; bảo đảm hài hoà giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước. Để đạt được mục tiêu đó, cần hệ thống các giải pháp, trong đó, chú trọng tăng cường vai trò quản lý Nhà nước để nâng cao tính liên kết ngành, liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển.

Mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp đưa ra phải hướng đến sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đồng hành với quá trình đẩy nhanh các hoạt động kinh tế biển, gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền và quyền chủ quyền biển đảo của nước ta.

Đẩy mạnh điều tra, khảo sát, nghiên cứu để hiểu hơn về biển, cũng cố thông tin về tài nguyên và môi trường biển, tiến tới hiểu rõ về tài nguyên dưới đáy biển, tiềm năng băng cháy, khả năng ứng dụng năng lượng thủy triều, sóng biển…; bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển; bố trí không gian và phát triển các vùng biển phù hợp với sinh thái của từng vùng; phát triển các ngành kinh tế biển bền vững; kiểm soát các nguồn ô nhiễm từ đất liền; phòng ngừa ô nhiễm từ các hoạt động trên biển và ô nhiễm xuyên biên giới; phòng chống thiên tai, ứng phó với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng,..

Các chuyên gia cho rằng, phát triển kinh tế biển trong điều kiện hiện nay cần phải đặt trong mối liên hệ tổng thể của cả nền kinh tế, không chỉ giới hạn ở liên kết vùng, giữa các địa phương mà còn liên kết từ trong nhận thức, từ chủ trương, chính sách, liên kết giữa các vùng, địa phương, ngành cho đến mọi người dân. Các hoạt động đều vì mục tiêu chung, nhằm đảm bảo hài hòa trong khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Chủ đề Ngày Đại dương Thế giới (8/6) năm 2020 do Liên hợp quốc lựa chọn là “Đổi mới vì một đại dương bền vững”, nhằm làm nổi bật những đổi mới trong các lĩnh vực liên quan đến đại dương như công nghệ, hệ thống cơ sở hạ tầng, quản lý tài nguyên, sản phẩm, khoa học công nghệ mới. Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) lựa chọn chủ đề hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2020 là “Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”.

Năm 2020, Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới diễn ra trong bối cảnh toàn cầu đang phải chống đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sớm chủ động xây dựng các phương án và ban hành những văn bản hướng dẫn, định hướng các cấp, ngành và địa phương xây dựng các kế hoạch truyền thông, tuyên truyền cho Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới và phát động Tháng hành động vì môi trường, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2020 tập trung vào các hình thức truyền thông trực tuyến và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tiết kiệm, hiệu quả).

Tường Vy
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường