Theo tìm hiểu của Kinh tế Môi trường, dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate (trước đây có tên gọi là Khu đô thị và dịch vụ phía Tây Quốc Oai) nằm sát Đại lộ Thăng Long trên địa bàn xã Ngọc Mỹ và thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) có quy mô khoảng 44,4ha.
Năm 2008, dự án này được UBND tỉnh Hà Tây cũ (nay đã sáp nhập với Hà Nội) giao cho Công ty CP Tài chính và Phát triển doanh nghiệp làm chủ đầu tư.
Đến năm 2013, sau khi tỉnh Hà Tây sáp nhập với TP Hà Nội thì Hà Nội tiếp tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH liên doanh Hà Nội Westgate (liên doanh giữa Công ty CP Tài chính và Phát triển doanh nghiệp và Công ty Keppel Land Ivestment (Hanoi) Pte.Lte) đầu tư dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate, thời hạn triển khai là 5 năm.
Dự án KĐT Westgate Hà Nội bao gồm: Trung tâm trưng bày, một tòa nhà văn phòng và căn hộ cho thuê, khu sinh thái và dịch vụ nghỉ dưỡng, khách sạn, 2 trường dạy nghề, 1 khu thể thao. (Ảnh Xuân Đoàn) |
Mặc dù, tiến độ thực hiện dự án được quy định rõ là 5 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nhưng không hiểu vì sao dự án này vẫn bị bỏ hoang và chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm.
Đến tháng 10/2018, ngay sau khi hết thời hạn 5 năm lần thứ 2, UBND TP Hà Nội đã lập tức có văn bản thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hà Nội Westgate.
Trong đó, thống nhất điều chỉnh 4 nội dung chủ trương đầu tư, gồm: Điều chỉnh nhà đầu tư; diện tích thực hiện dự án là 45,2ha (tăng hơn so với ban đầu là 44,4ha); tăng tổng vốn đầu tư từ 2.970 tỉ đồng lên 2.995 tỉ đồng (trong đó chủ đầu tư góp vốn 742 tỉ đồng, vốn huy động/vốn vay tăng từ 2.228 tỉ đồng lên 2.256 tỉ đồng); thời gian thực hiện là quý IV/2018 và đưa công trình vào sử dụng từ quý IV/2023.
Bên trong đại dự án này vẫn chỉ là bãi đất hoang, được quay tôn để giữ đất. (Ảnh Xuân Đoàn) |
Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, theo ghi nhận của PV, dự án này vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm được quây tôn tạm bợ. Phía trong dự án, một phần rất nhỏ diện tích được đổ đất, san nền nhưng không thấy có máy móc hay bất cứ hoạt động xây dựng nào khiến không ít người xót xa khi hàng chục ha đất có vị trí thuận lợi nhưng sau nhiều năm vẫn ì ạch, không được triển khai.
Dư luận đang đặt câu hỏi, Công ty TNHH Liên doanh Hà Nội Westgate thực sự có năng lực hay không? Vai trò, trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu trong việc kiểm tra, rà soát đối với dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate? Có hay không việc chủ đầu tư cố tình ôm "đất vàng"? Sau bao nhiêu năm chậm triển khai mà dự án Hà Nội Westgate không bị thu hồi, phải chăng có sự hậu thuẫn từ phía TP Hà Nội? Rất mong các câu hỏi của dư luận được chính quyền sớm làm rõ, tránh tình trạng lãng phí tài nguyên đất, gây hiểu lầm trong dư luận.
Được biết, Công ty CP Tài chính và Phát triển doanh nghiệp là một chi nhánh của Gami Group do ông Nguyễn Tiến Dũng làm chủ tịch và tập đoàn này được biết tới là nhà phân phối xe hơi của nhiều thương hiệu lớn tại Việt Nam, lĩnh vực ngân hàng và bất động sản.
Ngoài dự án Hà Nội Westgate, Gami Group được biết đến với các dự án như: Khu đô thị Ecoriver Park Đà Nẵng, với quy mô gần 60ha, tổng vốn đầu tư 250 triệu USD; Dự án Resort Phú Quốc, với quy mô 34,9ha tại Bãi Trường; Dự án khu phố mới Hoa Lư, TP Pleiku, Gia Lai với quy mô 15,6ha; Dự án đô thị mới Hùng Vương, TP Tuy Hòa, Phú Yên với quy mô 10,4ha; Dự án Tuần Châu (Quảng Ninh)…
Mặc dù sở hữu hàng chục dự án bất động sản, với tổng đầu tư lên đến hàng tỉ USD. Tuy nhiên, ở lĩnh vực bất động sản, cái tên Gami Group vẫn không được nhiều người biết đến. Theo tìm hiểu, hầu hết các dự án lớn của Gami Group làm chủ đầu tư đến nay vẫn chưa được triển khai và không có nhiều thông tin được công bố về các dự án này.
Theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai sửa đổi, thì Nhà nước sẽ thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai như sau: 1. Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: a) Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao,cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm; b) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; c) Đất được giao, cho thuê khôngđúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền; d) Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho; đ) Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm; e) Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm; g) Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành; h) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục; i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng. |