Dự án nước sạch sông Đuống: Có tình trạng 'vừa đá bóng vừa thổi còi'?

Đại diện nhà băng cho biết, việc ủy thác đã kết thúc, VietinBank Capital không liên quan đến Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống và Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống.
Trước sự cố dầu thải, nước sạch Sông Đà có thực sự sạch?Sự cố nước sạch sông Đà: Ai chịu trách nhiệm?Cháy hàng nước đóng bình sau sự cố nước sinh hoạt nhiễm dầu

Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án được phê duyệt đầu tư theo quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/03/2013 và quyết định chủ trương đầu tư số 2869/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ngày 03/6/2016.

Nhà máy Nhà máy nước mặt sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne là dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc đã khánh thành giai đoạn I. Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng của Hà Nội nhằm xây dựng một hệ thống cấp nước liên vùng, liên tỉnh mang tính ổn định, bền vững lâu dài cho thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên; Góp phần quản lý, khai thác bền vững, ổn định và bảo vệ nguồn tài nguyên nước; Góp phần cải thiện điều kiện sống của nhân dân thành phố Hà Nội, các tỉnh lân cận…

Dự án được đánh giá là sẽ đạt mức kinh tế cao có mức tổng đầu tư lên đến 5.000 tỉ đồng. Trong đó vốn tự có của chủ đầu tư là 1.000 tỉ đồng, 4.000 tỉ còn lại là do Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho vay. Dự án này từng bị đặt nhiều hoài nghi về câu chuyện Vietinbank “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khi Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank Capital) nắm tới 58% cổ phần ở Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống.

du an nuoc sach song duongco tinh trang vua da bong vua thoi coi

Tuy nhiên, phóng viên đã được đại diện khẳng định rằng thông tin Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam vừa đầu tư, vừa cho vay là không đúng.

“Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống do Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống làm chủ đầu tư, VietinBank không tham gia đầu tư dự án này. Ngoài ra, việc VietinBank xem xét, quyết định cho vay đối với Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống được thực hiện phù hợp theo các quy định của Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng” – đại diện VietinBank cho biết.

Đối với vai trò của VietinBank Capital tại Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống, đại diện VietinBank cho hay, hoạt động được thực hiện trên cơ sở nhận ủy thác của nhà đầu tư (tiền đầu tư góp vốn không phải tiền của VietinBank Capital và cũng không phải của VietinBank). Đây là hoạt động nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư của công ty quản lý quỹ phù hợp với quy định tại Thông tư 212/2012/TT-BTC ngày 05/12/2012 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Hướng dẫn về thành lập, tổ chức và hoạt động công ty quản lý quỹ.

Hiện việc ủy thác đã kết thúc, VietinBank Capital không liên quan đến Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống và Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống. Việc VietinBank Capital nhận ủy thác để đầu tư góp vốn tại Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống là hoạt động nghiệp vụ, kinh doanh của VietinBank Capital và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Trở lại với cuộc chiến về đầu tư dự án cung cấp nước sạch, sở dĩ ngành này được ví là ngành siêu lợi nhuận bởi với đặc thù nguyên liệu đầu vào không mất phí, chỉ đầu tư hạ tầng và công nghệ xử lý. Tuy bỏ ra số đầu tư không lớn nhưng trên đây mặt hàng là không cầu kỳ trong đầu tư vào, đầu ra ổn định và ngày càng tăng trưởng.

Cuộc đua kinh doanh nước sạch, cũng được chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm cho rằng, tuy Nhà nước mở ra cuộc đua cho các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch nhưng lại không sòng phẳng với người tiêu dùng. “Trong quy hoạch nước sạch của Hà Nội, nhà máy nước bề mặt sẽ phân phối cho cả vùng rộng lớn các quận, huyện ngoại thành. Vùng phân phối thậm chí rộng hơn các tỉnh có dân cư trung bình. Tuy nhiên, người dân thì sẽ không được phép lựa chọn dùng nước sinh hoạt của nhà máy nước nào. Đây là điều không sòng phẳng”, ông Kiêm nói.

Dự án cung cấp nước mặt sông Đuống cũng vốn dĩ là để cung cấp nước sạch cho cư dân thủ đô, nhưng giá nước từ Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống lại cao nhiều so với mặt bằng chung. Tất nhiên người dân sống trong khu vực cung cấp nước của công ty này không có quyền lựa chọn và buộc phải đặt câu hỏi vì sao họ lại phải chịu mức giá cao hơn, liệu công ty này có đang được "ưu ái"?

Để giải đáp, phóng viên đã liên hệ với đại diện Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống và sẽ gửi tới bạn đọc trong bài viết tiếp theo.

Theo (MTĐT)