Du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học: Song hành để phát triển

Việt Nam có hệ sinh thái với các cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, sự phong phú các loài động, thực vật đã đóng góp rất lớn cho ngành du lịch. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển du lịch mà vẫn bảo tồn được sự đa dạng sinh học đang là bài toán nan giải.
tm-img-alt
Hang Sơn Đoòng, Quảng Bình. (Ảnh: Internet)

Với tổng diện tích tự nhiên trên đất liền là hơn 329 nghìn km2, trong đó 75% diện tích là đồi núi. Vùng biển có bờ biển dài khoảng 3.260 km, với vùng đặc quyền kinh tế khoảng một triệu km2 gồm hàng nghìn đảo lớn nhỏ ven biển. Với sự đa dạng về địa hình, kiểu đất, cảnh quan và khí hậu đã giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao trên thế giới.

Hiện cả nước có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2.500 ha, gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan (tăng 07 khu bảo tồn so với năm 2015 với tổng diện tích tăng thêm gần 73.260 ha).

Đến nay, nước ta có 9 khu Ramsar với tổng diện tích hơn 120.000 ha; có 10 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích gần 188.000 ha; có 09 khu vực được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích hơn 4,2 triệu ha.

Trong năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng hồ sơ đề cử và được Ban Thư ký ASEAN công nhận thêm 04 Vườn di sản ASEAN, nâng tổng số vườn di sản ASEAN của Việt Nam thành 10 khu.

Các hệ sinh thái với các cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, sự phong phú và đa dạng của rừng, rạn san hô, thảm cỏ biển, các vùng đất ngập nước, các loài động, thực vật... đã và đang mang lại các dịch vụ về văn hóa, là nền tảng cho phát triển du lịch bền vững.

tm-img-alt
Những loài cây ở Hoàng Liên Sơn đang bị đe dọa nghiêm trọng. (Ảnh: Internet)

Ngược lại, các hoạt động du lịch bền vững góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị hệ sinh thái, giúp bảo vệ môi trường sống của con người, bảo đảm sự hài hòa về môi trường sống cho các loài động, thực vật. Ðồng thời, du lịch bền vững cũng giúp phát triển kinh tế, cung cấp những lợi ích kinh tế - xã hội, dịch vụ cho cộng đồng địa phương, cung cấp công ăn việc làm và góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Phát triển du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách khoa học, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn ÐDSH và môi trường. Hiện nay đã có hơn 30% các khu bảo tồn thiên nhiên có quy hoạch và triển khai du lịch sinh thái. Ví dụ như tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, hằng năm đã thu hút được gần 800 nghìn lượt du khách đến tham quan du lịch, đóng góp cho ngân sách nhà nước được khoảng 2,2 triệu USD/năm.

Qua việc phát triển du lịch tạo sinh kế cho người dân trong khu vực bằng việc người dân tham gia các hoạt động phục vụ du lịch, phục vụ du khách, giảm được áp lực từ khai thác lâm sản, săn bắt động vật…, qua đó góp phần bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay hoạt động du lịch dựa vào thiên nhiên ở nước ta đã và đang gây áp lực lên ÐDSH do sự phát triển nhanh chóng ở một số khu vực, dẫn đến vượt quá sức chịu tải của môi trường, như việc thay đổi mục đích sử dụng đất gây suy giảm diện tích rừng, chia cắt sinh cảnh, phá hủy các rạn san hô,…; tình trạng ô nhiễm môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch… ảnh hưởng đến các loài động, thực vật, làm mất môi trường sống cũng như làm suy giảm các giá trị ÐDSH.

Đó là những gì đang diễn ra ở Sapa (Lào Cai), Bà Nà và Sơn Trà của Đà Nẵng, Cát Bà (Hải Phòng), Phú Quốc (Kiên Giang)… và hàng loạt bãi biển, thắng cảnh khác.

Sa Pa là một ví dụ điển hình, sau khi hệ thống cao tốc Hà Nội - Lào Cai và dự án cáp treo Fansipan đi vào hoạt động từ cuối năm 2015, lượng khách đến Sa Pa tăng đột biến. Nếu như năm 2013, tổng lượng khách đến Sa Pa mới đạt 720.000 lượt người, doanh thu du lịch khoảng 576 tỉ đồng, thì đến hết năm 2018, Sa Pa đã đón 2,5 triệu lượt khách, doanh thu tương ứng 3.900 tỉ đồng.

tm-img-alt
Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng bị "băm nát" trong nhiều năm qua. (Ảnh: Báo Thanh niên)

Tuy nhiên, tốc độ phát triển của cơ sở hạ tầng không theo kịp với sự gia tăng của du khách khiến cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái rừng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo báo cáo của UBND huyện Sa Pa (năm 2019), diện tích rừng nguyên sinh của Vườn Quốc gia chỉ còn khoảng 30%. Trong khi đó, tốc độ suy thoái rừng quá nhanh, phần lớn do sự can thiệp sâu và không có kế hoạch của con người.

James Fahn - Giám đốc Điều hành Earth Journalism Network (Mạng lưới Báo chí Trái Đất, trực thuộc dự án Interviews) và là một chuyên gia về môi trường, đã thốt lên: “Với tình trạng này - nếu con người và nhiệt độ tiếp tục tăng, chẳng bao lâu nữa, những loài cây ở Hoàng Liên Sơn sẽ hết đất để sinh tồn”.

Hay như bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng là một trong những khu vực rừng tự nhiên có giá trị đa dạng sinh học cao hiếm hoi còn lại ở khu vực đô thị. Tuy nhiên, những năm qua hàng loạt các dự án mang danh “du lịch sinh thái” đã khiến cảnh quan của bán đảo Sơn Trà bị “băm nát”.

Cho đến nay, số phận của hệ sinh thái tự nhiên ở Sơn Trà với hơn 985 loài thực vật và 378 loài động vật, đặc biệt là quần thể loài chà vá chân nâu quý hiếm, đang ở trên bàn cân giữa phát triển du lịch với bảo tồn thiên nhiên.

Hay như tại Khu Bảo tồn biển Hòn Mun, Khánh Hòa là nơi có rạn san hô đẹp nhất với 350 loài san hô. Thế nhưng, san hô nơi đây cũng chịu áp lực nhiều từ lượng du khách trên 6,3 triệu lượt mỗi năm đến Khánh Hòa, trong đó tour đảo, lặn ngắm san hô luôn được nhiều du khách lựa chọn. Nhiều hướng dẫn viên lặn biển phản ánh khá nhiều rạn san hô bị hư hại, đứt gãy, mắc đầy rác thải.

tm-img-alt
Khu Bảo tồn biển Hòn Mun - nơi có rạn san hô đẹp nhất với 350 loài san hô đang chịu nhiều áp lực từ phát triển du lịch. (Ảnh: Internet)

TS Adam Smith, đồng Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu san hô Reef Ecologic từng cho rằng, Hòn Mun đang đối mặt với sự tác động của con người và những sinh vật có hại. "San hô nơi đây đang bị tác động rất lớn từ con người, như xả rác, giẫm đạp và khai thác hải sản bừa bãi. Nếu không có cách bảo tồn phù hợp thì chẳng mấy chốc rạn san hô ở đây sẽ biến mất. Để có được một rạn san hô đẹp phải mất đến 30 triệu năm nhưng để phá nó chỉ mất nửa năm".

Từ thực tế trên có thể thấy, phát triển du lịch bền vững gắn với công tác bảo tồn ĐDSH đang đối mặt với nhiều thách thức. Cần có những giải pháp, sáng kiến, hành động quyết liệt hơn nữa để làm chậm lại và thậm chí đảo ngược những dấu chân sinh học mà chúng ta để lại lên môi trường tự nhiên.

Đại dịch Covid-19 chính là bài học cho thấy, con người không thể phụ thuộc hoàn toàn vào du lịch mà làm mất bản sắc chính mình. Bản chất của du lịch bền vững chính là bảo tồn lưu giữ được những giá trị vốn có của tự nhiên.

Bảo My
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường