[eMagazine] Kinh tế tuần hoàn nhìn từ KCN Nam Cầu Kiền: Từ lý thuyết đến thực tiễn (Kỳ 1)

Trong loạt bài này chúng tôi chỉ muốn tiếp cận Kinh tế tuần hoàn (KTTH) ở quy mô khu công nghiệp (KCN) trên cơ sở phân tích một KCN cụ thể: Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền của TP.Hải Phòng.
[eMagazine] Hiểm họa 'cơn sóng thần' rác thải điện tử (Kỳ 1)[eMagazine] Rác thải điện tử: Nghịch lý sản phẩm mới hôm nay - rác của ngày mai (Kỳ 2)[eMagazine] Xử lý rác thải điện tử: Chìa khóa để bảo vệ môi trường (Kỳ 3)
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt

Tài liệu của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi thấy có đoạn viết: “Khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất” [1]; điều đó chứng tỏ Đảng ta đã rất nhanh nhạy nắm bắt và thực hiện mô hình kinh tế hiện đại, đảm bảo cho phát triển bền vững.

Cách đây hơn 20 năm (tính đến cuối 2020), tôi được Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội phân công soạn giáo trình Kinh tế môi trường. Tôi đã tham khảo cuốn Economics of Natural Resources and the Environment (tạm dịch là Kinh tế Tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường) của hai tác giả David W. Peace và R. Kerry Turner, The John Hopkins University Press, 1990. Khi đó tôi đã biết thuật ngữ Kinh tế tuần hoàn (KTTH) nhưng thú thực là tôi không hiểu nhiều về nội hàm của mô hình.

Tuy nhiên, tôi lại có liên tưởng tới một báo cáo về Mô hình VAC của Việt Nam, coi như mô hình truyền thống của nông dân với đặc trưng là rất ít phát thải ra môi trường, trước bạn bè của hơn 15 nước đang phát triển trong khóa học do UNEP-UNESCO mở ở Dresden, CHLB Đức năm 1990 - 1991. Trong báo cáo này tôi có đề cập tới chất thải của một thành phần trong mô hình lại được sử dụng như đầu vào của thành phần khác và được các bạn quốc tế rất quan tâm. Và tôi tự hỏi, đây có thể coi như một dạng kinh tế tuần hoàn thu nhỏ không? Nhưng rồi tôi không chú ý nhiều tới vấn đề này cho mãi tới gần đây, khi có nhiều bài viết liên quan đến Kinh tế tuần hoàn, tôi mới tìm hiểu lại gần như từ đầu.

tm-img-alt

Thật khó mà đưa ra định nghĩa, khái niệm về KTTH một cách ngắn gọn và cũng đã có nhiều tài liệu tiếng Việt trình bày các khái niệm này. Ở đây, chúng tôi xin trích dẫn hai định nghĩa/khái niệm dưới đây:

“KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường” (Luật Bảo vệ môi trường) [2].

tm-img-alt

“Kinh tế tuần hoàn (tiếng Anh: circular economy) là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Các hệ thống tuần hoàn áp dụng các quy trình tái sử dụng (Reuse) thông qua chia sẻ (Sharing), sửa chữa (Repair), tân trang (Refurbishment), tái sản xuất (Remanufacturing) và tái chế (Recycling) nhằm tạo ra các vòng lặp kín (close-loops) cho tài nguyên sử dụng trong hệ thống kinh tế nhằm giảm đến mức tối thiểu số lượng tài nguyên sử dụng đầu vào và số lượng phế thải tạo ra, cũng như mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải.

Mục đích của KTTH là nhằm kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm, trang bị và cơ sở hạ tầng nhằm tăng năng suất của các tài nguyên này. Tất cả các "phế thải" của một quy trình sản xuất tiêu dùng đều nên được xem như nguyên vật liệu của các quy trình sản xuất tiêu dùng khác, bất kể đó là sản phẩm phụ hay tài nguyên được thu hồi từ một quy trình công nghiệp khác hay tài nguyên được tái sinh cho môi trường tự nhiên (ví dụ như thông qua quá trình ủ phân chất thải hữu cơ). 

tm-img-alt

Cách tiếp cận này là tương phản với mô hình mô hình kinh tế tuyến tính (tiếng Anh: linear economy) đang được phổ biến rộng rãi. Trong mô hình kinh tế tuyến tính, các tài nguyên chỉ di chuyển theo một chiều, từ khai thác tài nguyên, sản xuất, đến vất bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc lãng phí tài nguyên và tạo ra một lượng phế thải khổng lồ” (Wikipedia tiếng Việt) [3].

Qua hai khái niệm này cho thấy, có thể viết ngắn gọn như định nghĩa thứ nhất mà vẫn trình bày được nội hàm chính của KTTH nhưng người mới đọc khó hình dung cụ thể. Khái niệm thứ hai tuy hơi dài nhưng giúp người đọc, nhất là người lần đầu tiếp cận hiểu rõ hơn những nội dung, cách tiếp cận của KTTH. Và, còn nhiều định nghĩa, cắt nghĩa khác về KTTH mà chúng ta có thể đọc trong nhiều bài viết gần đây.

tm-img-alt

Theo ước tính, nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên cho các hoạt động kinh tế của con người hiện nay đã gấp 1,7 lần khả năng đáp ứng của Trái đất. Vì thế, nếu không thay đổi cách thức phát triển, việc cạn kiệt tài nguyên, ngay cả với các tài nguyên có thể tái tạo, là không thể tránh khỏi.

Sơ đồ về mối quan hệ giữa hệ thống kinh tế và hệ thống môi trường được trình bày trong sách giáo khoa kinh tế môi trường cho thấy hình ảnh về cả hai mô hình kinh tế này (xem hình 1). Theo hình này thì từ tài nguyên được khai thác (R) đưa vào quá trình sản xuất (P) sẽ cho sản phẩm để con người tiêu thụ (C) và có được phúc lợi (U) là hiện thân của kinh tế tuyến tính. Giai đoạn đầu của phát triển kinh tế công nghiệp, khi mà tài nguyên thiên nhiên vẫn còn dồi dào và chất lượng môi trường còn tốt (sức chịu tải của môi trường còn ở mức cao) thì người ta chưa xem xét nhiều đến tác động của kinh tế tuyến tính.

Nhưng rồi, do khai thác quá mức, tài nguyên dần cạn kiệt, chất thải ra môi trường ngày một nhiều gây hậu quả to lớn, thành những vấn đề môi trường nghiêm trọng thì con người lại phải xem xét, giải quyết. Trên hình vẽ đã chỉ ra lượng chất thải (r) được sử dụng như nguồn tài nguyên nhưng trong kinh tế tuyến tính lượng r còn rất nhỏ so với tổng lượng thải của hệ kinh tế (W). Với KTTH, người ta muốn từng bước nâng cao tỉ số r/W và khi r = W thì ta có KTTH tuyệt đối. Thật ra chỉ cần hiệu W-r đủ nhỏ, nghĩa là hiệu này nhỏ hơn mức đồng hóa (có thể gọi là sức chịu tải) của môi trường là đủ.

Có hai vấn đề đặt ra, một là làm thế nào để giảm mức tiêu thụ nguyên nhiên liệu đầu vào trên một đơn vị sản xuất và hai là làm thế nào để phần lớn chất thải (đầu ra) lại trở thành đầu vào của quá trình sản xuất. Cả hai vấn đề này đã được công nghệ kỹ thuật hiện đại giải quyết bằng cách thay thế nguyên liệu đầu vào, áp dụng công nghệ hiện đại hơn, sạch hơn và công nghệ tái chế, xử lý chất thải để chúng thành đầu vào cho hệ sản xuất. Thực tế cho thấy, chúng ta đã có công nghệ sản xuất điện gió, điện mặt trời thay điện than, đã tái sử dụng chai thủy tinh đựng nước uống, tái sử dụng lại một số chất thải nhựa, kim loại,... Và, phải luôn nhớ rằng, không thể hoàn toàn biến W thành R được, hay nói cách khác không có KTTH tuyệt đối.

tm-img-alt
Quan hệ giữa hệ thống kinh tế và môi trường.

Theo các mục tiêu của KTTH thì có thể tiếp cận, thực hiện theo nhiều quy mô khác nhau và đã được thực hiện đâu đó ở Việt Nam cả trong quá khứ và hiện tại. Nếu xét về quy mô KTTH thì có cả quy mô lớn, quy mô toàn cầu, điển hình là cố gắng của Liên Hợp Quốc trong việc kêu gọi mọi quốc gia, khu vực, tổ chức, cộng đồng và cả cá nhân chung tay giảm thiểu phát thải khí nhà kính để ngăn chặn khả năng nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu và những hệ lụy khó lường của nó. Ở quy mô quốc gia, với những chính sách phát triển tốt sẽ tạo điều kiện để KTTH có thể phát huy ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế, ở nhiều địa phương, ở nhiều khu công nghiệp (KCN), cơ sở sản xuất và ở nhiều đối tượng khác.

tm-img-alt

Kinh tế tuyến tính bắt đầu từ Khai thác tài nguyên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế, rồi Sản xuất, Phân phối, Tiêu dùng và cuối cùng là Thải loại. Một cách ngắn gọn, có thể nói đây chính là quá trình biến tài nguyên thành chất thải, do đó tất yếu sẽ dẫn tới cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

tm-img-alt

Ở Việt Nam, KTTH đã được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng, được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường, đã có cơ sở nghiên cứu chuyên sâu như Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM được thành lập và đã có nhiều công trình nghiên cứu, bài viết được đăng tải, nhiều hội thảo được tổ chức. Đó là những tín hiệu vui cho sự phát triển KTTH trong tương lai gần. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều việc phải làm, phải nghiên cứu chuẩn bị để biến chủ trương, kế hoạch thành hiện thực trong điều kiện Việt Nam.

tm-img-alt

Các vấn đề sau đây rất cần được đặt ra và từng bước giải quyết:

  • Ai, cơ quan nào sẽ là những người tổ chức, thực hiện KTTH, vai trò của cơ quan, tổ chức, của các cá nhân sẽ được xác định ra sao để KTTH có tính khả thi trong điều kiện Việt Nam hiện nay.
  • Liệu chúng ta đã có đủ nguồn lực để huy động xây dựng KTTH chưa hay phải tiến hành đào tạo nhân lực, phát triển khoa học công nghệ, xây dựng cơ chế quản lý, vận hành nền kinh tế hướng tới KTTH.
  • Bắt tay vào xây dựng phát triển KTTH nhưng liệu có cần phát triển cơ sở khoa học, tiêu chí đánh giá mức độ đạt được của KTTH hay không cũng là điều phải tính đến.

Một số vấn đề này sẽ được phân tích kỹ hơn trong Kỳ 2 (Phác họa chân dung Eco-Industrial Park) khi chỉ xét KTTH trong phạm vi KCN ở Việt Nam và có thể coi đây là bước có tính đột phá, tập trung, có tính lan tỏa và cho hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường cao.

tm-img-alt

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Thiết kế: Hoàng Việt

Xem thêm

Liên kết