EVN đề xuất tăng giá điện: Câu chuyện của sự độc quyền

Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Nguyễn Hồng Nga - Trưởng bộ môn Kinh tế học (Khoa Kinh tế, ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM) liên quan đến việc EVN đề xuất tăng giá điện.
Bộ Công Thương nói gì về việc tăng giá điện?Chính phủ đồng ý phương án hỗ trợ giảm giá điện đợt 3Giảm 10% giá điện cho người dân và doanh nghiệp từ tháng 4/2020EVN đề xuất miễn, giảm giá điện cho đối tượng ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Phóng viên: Trong giai đoạn 2022-2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến lỗ luỹ kế lên tới 93.000 tỉ đồng. Chính vì thế, EVN đã đề xuất Chính phủ phương án tăng giá điện để bù đắp các chi phí và các hợp đồng tín dụng tránh bị liệt vào diện nợ xấu. Đề xuất này ngay lập tức nhận được rất nhiều sự quan tâm từ dư luận. Xin ông cho biết quan điểm của mình về đề xuất tăng giá điện của EVN?

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: Việc EVN kêu lỗ là bài ca muôn thủa. Hơn nữa trong mấy năm qua, lạm phát đã xảy ra khắp thế giới và Việt Nam không nằm ngoài quĩ đạo. Do vậy, việc EVN đề xuất phương án tăng giá điện cũng là điều không khó dự đoán.

Từ năm 2009 đến 2019 giá điện đã điều chỉnh 10 lần với sự gia tăng bình quân 7% một năm. Từ năm 2020 đến nay chúng ta chưa điều chỉnh giá điện dù lạm phát đã xảy ra khắp thế giới trong và đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.

EVN đề xuất tăng giá điện: Câu chuyện độc quyền và vai trò quản lý của Nhà nước - Ảnh 1
PGS.TS Nguyễn Hồng Nga. Ảnh: Báo CAND.

Phóng viên: Một số ý kiến cho rằng, sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng. Do đó, việc tăng giá điện sẽ tác động tiêu cực đến mục tiêu phục hồi nền kinh tế cũng như kiềm chế lạm phát. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: Tôi đồng tình một phần với nhận định trên, bởi sau đại dịch Covid-19 nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang rơi vào khủng hoảng và nói thật là người dân đang cạn kiệt tiền, kể cả tiền tiết kiệm. Chính vì vậy, việc gia tăng giá điện sẽ dẫn tới gia tăng gánh nặng chi tiêu cho người dân và các doanh nghiệp. Đồng thời sẽ ảnh hưởng tới việc kiềm chế và đạt mục tiêu lạm phát.

Tuy nhiên, theo tính toán của Tổng cục thống kê, tăng giá điện 10% chỉ tác động làm cho CPI tăng 0,30%, làm giảm GDP khoảng 0,17%. Trong khi giá đầu vào của các khâu sản xuất và cung cấp điện tăng cao, nếu không tăng giá điện sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường điện về phía cung và hiệu quả hoạt động của thị trường này.

Phóng viên: Trong dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến cho phép EVN được chủ động quyết định tăng giá bán điện bình quân nếu thông số đầu vào tăng từ 1% đến dưới 5%. Đây được coi là sự mở rộng thẩm quyền tương đối lớn cho EVN. Xin ông cho biết quan điểm của mình về đề xuất này?

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: Vì EVN là doanh nghiệp nhà nước độc quyền, do vậy để EVN chủ động quyết định tăng giá bán khi chi phí đầu vào tăng đến 5% là chưa thật thuyết phục. Thị trường điện độc quyền này cần sự can thiệp hiệu quả từ phía nhà nước để doanh nghiệp dù có vị thế độc quyền không được phép có lợi nhuận độc quyền.

EVN đề xuất tăng giá điện: Câu chuyện độc quyền và vai trò quản lý của Nhà nước - Ảnh 2
Từ năm 2009 đến 2019 giá điện đã điều chỉnh 10 lần với sự gia tăng bình quân 7% một năm.

Hơn nữa các loại chi phí hiện nay của EVN chưa được công khai, minh bạch và nhiều khoản chi phí chưa được hợp lý như chi phí đầu tư ngoài ngành, xây sân golf, sân tennis…

Vì vậy theo quan điểm cá nhân, chính phủ không nên để EVN chủ động tăng giá khi chi phí biến động dưới 5% hay bất kỳ biến động nào về chi phí.

Phóng viên: Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có thị trường điện cạnh tranh. Bởi lẽ, khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, EVN sẽ không còn nắm giữ thế độc quyền ở khâu bán lẻ điện. Điều đó đồng nghĩa với việc, người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn, được quyền quyết định xem mua điện từ nhà cung cấp nào, với giá thành ra sao. Khi ấy, các nhà bán lẻ điện cũng sẽ phải tự cân đối, cạnh tranh về giá, chất lượng phục vụ có lợi nhất để thu hút khách hàng. Ông có đồng tình với quan điểm này không?

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: Về nguyên tắc thị trường, cạnh tranh là động lực để phát triển và cạnh tranh là tốt với nền kinh tế trong điều kiện thị trường cạnh tranh hoàn hảo.

Tuy nhiên, thị trường điện là một thị trường có tính kinh tế theo quy mô, tức là sản xuất càng nhiều thì chi phí bình quân càng thấp. Chính vì vậy, thị trường điện là thị trường độc quyền tự nhiên và việc kinh doanh điện cũng mang tính đặc thù vì ngành này liên quan đến tất cả, từ người dân, hộ gia đình đến các doanh nghiệp và Chính phủ.

Ngành điện thường có mức giá trần và định giá theo khối lượng sản phẩm tiêu thụ. Việc truyền tải điện cũng không có lợi nếu có nhiều công ty cung cấp điện, ít nhất về mặt kỹ thuật.

Vì vậy việc phá vỡ thế độc quyền của EVN là lợi bất cập hại.

Tuy nhiên, Nhà nước cần giám sát việc kinh doanh của EVN từ khâu sản xuất, tổ chức, quản lý, công nghệ phát triển nguồn và lưới điện, kiểm soát hiệu quả, tiết kiệm chi phí và áp dụng các giải pháp để giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động và tiết kiệm chi phí thường xuyên.

Không thể để EVN thích gì làm nấy, đầu tư không hiệu quả, chi phí không giảm thiểu và việc quản lý quá chủ quan và quan liêu.

Theo quan điểm cá nhân, EVN không được coi là đơn vị kinh doanh và như vậy việc thu nhập cao của người lao động trong EVN là chưa thật hợp lý. Theo số liệu năm 2019, tiền lương bình quân của người lao động tại EVN là 22 triệu một tháng và lương lãnh đạo bình quân là 47 triệu một tháng. Đây là những mức thu nhập quá cao của một doanh nghiệp nhà nước độc quyền. Do vậy, cần điều chỉnh mức lương hợp lý so với các doanh nghiệp nhà nước khác để tiết giảm chi phí.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn PGS.TS Nguyễn Hồng Nga!

Hoàng Hải

Xem thêm

Liên kết