Chín tháng đầu năm 2019, ngành Nông nghiệp chịu tác động lớn do diễn biến bất thường của thời tiết gây hạn hán, lũ lụt; dịch tả lợn châu Phi... |
Sẽ không thiếu thịt lợn dịp cuối năm
Tại họp báo, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Thú y, khẳng định: “Việt Nam không thất bại trong chống dịch mà đang chống dịch rất tốt. Đây là bệnh không có vắc-xin, không có thuốc chữa mà đường lây vô cùng phức tạp, như Hàn Quốc trong 10 ngày có 14 ổ dịch phát sinh và Trung Quốc cũng tương tự. Còn tại Việt Nam, dịch bệnh có hướng giảm mạnh so với những tháng trước. Mặt khác, nhận thức của người dân về an toàn sinh học đã tăng lên đáng kể. Nhiều công ty chăn nuôi quy mô lớn thực hiện tốt an toàn sinh học và đến nay vẫn không bị mắc dịch”, ông Long nói.
Về giá thịt lợn, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Chăn nuôi, nhìn nhận trong ngày 14/10, giá lợn hơi ở phía Bắc dao động 60.000 đến 63.000 đồng/kg, miền Trung dao động 50.000 đến 57.000 đồng/kg, khu vực đồng bằng sông Cửu Long dao động 56.000 đến 62.000 đồng/kg. Đây là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
“Dự kiến do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến số lượng lợn giảm đi nên giá lợn sẽ tiếp tục còn tăng cao. Tuy nhiên, Bộ sẽ có phương án không để giá lợn tăng cao như ở Trung Quốc với hơn 100.000 đồng/kg lợn hơi”, ông Trọng cho biết.
Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến số lượng lợn giảm đi nên giá lợn sẽ tiếp tục còn tăng cao. |
Về tình hình cung ứng thịt lợn dịp cuối năm, Phó Cục trưởng Chăn nuôi khẳng định, Việt Nam sẽ không thiếu thịt. Vì tổng đàn lợn của 56 tỉnh, thành phố hiện vẫn còn hơn 22 triệu con; 2,7 triệu con nái và 110 con cụ kỵ ông bà.
“Với số lợn của 56 tỉnh, thành phố cộng với số lợn của bảy tỉnh, thành phố chưa gửi số liệu về, thì hiện chúng ta có khoảng 24-25 triệu con. Như vậy chúng ta vẫn có thể chủ động được nguồn thịt lợn trong ba đến bốn tháng cuối năm. Đặc biệt, nếu vẫn tiếp tục duy trì chăn nuôi an toàn sinh học ở các tỉnh đang chăn nuôi an toàn sinh học thì thịt lợn vẫn sẽ chiếm hơn 70% trong tổng thể sản lượng thịt”, ông Trọng cho biết thêm.
Xuất khẩu nông sản còn nhiều khó khăn
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), thông tin: Ngay từ cuối năm 2018, Bộ NN&PTNT đã xác định năm 2019 ngành Nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề xuất khẩu chính ngạch, trong đó có thị trường Trung Quốc. Từ khó khăn này, một số diễn biến nổi lên như mặt hàng gạo đã sụt giảm kim ngạch xuất khẩu chỉ còn 2,4 tỉ USD, so với năm ngoái chỉ đạt 92%; rau quả chỉ đạt 2,8 tỉ USD, giảm so với cùng kỳ đạt 2,9 tỉ USD.
“Nhận thức được tình hình giá gạo sụt giảm, ngay trong quý I-2019, Bộ NN&PTNT đã chủ trì Hội nghị về lúa gạo ở Đồng Tháp và có tác động về mặt thị trường. Tuy nhiên, sau đó Bộ nhận định rằng vấn đề giá là do sự biến động của thị trường, chúng ta không thể áp đặt mà chỉ hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ”, ông Toản cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Toản cho biết, hiện nay, giá lúa OM5451 tại ruộng khoảng 5.100 đồng/kg, lúa 50404 khoảng 5.650 đồng/kg, giảm 500-800 đồng/kg. Về giá gạo xuất khẩu dao động khoảng 330 USD/tấn. Các thị trường lớn như Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh đều giảm, nhất là Trung Quốc giảm mạnh ở cả sản lượng và kim ngạch. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc chỉ đạt gần 319 nghìn tấn, giảm hơn 65% so với cùng kỳ; kim ngạch 159 triệu USD, giảm 67,5%.
Ông Toản nhấn mạnh: “Gạo là mặt hàng truyền thống của ta nhưng hiện nay thị trường Trung Quốc thay đổi, chúng ta cũng phải cạnh tranh và phải thay đổi để đạt kết quả cao hơn”.
Giải pháp thời gian tới, ông Toản cho biết ngành nông nghiệp sẽ cùng ngành công thương tháo gỡ khó khăn về xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc, làm việc với các doanh nghiệp Trung Quốc xúc tiến các sản phẩm khác để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.