Những ngư dân từng bắt cá heo sông hồng quý hiếm (hay còn gọi là cá heo Boto, cá heo rừng Amazon) đang làm việc với các nhà nghiên cứu trong rừng rậm Amazon của Bolivia trong một nỗ lực công nghệ cao để đảm bảo sự tồn tại của loài vật này và hiểu rõ hơn nhu cầu của chúng.
Các nhà khoa học thuộc nhóm môi trường toàn cầu WWF và tổ chức phi chính phủ Bolivia Faunagua gần đây đã gắn thẻ bốn con cá heo nước ngọt ở sông Ichilo bằng công nghệ vệ tinh cho phép ngư dân sử dụng ứng dụng điện thoại di động để báo cáo vị trí của chúng.
Paul Van Damme, ở Faunagua, cho biết: “Họ (những ngư dân) đã săn bắt cá heo để sử dụng với những mục đích khác nhau. Hiện giờ, chúng tôi đang nâng cao nhận thức của họ và biến họ thành những người đồng hành với chúng tôi trong quá trình nghiên cứu về loài cá heo sông hồng này"
Theo WWF, bất chấp tình trạng mang tính biểu tượng của cá heo sông, rất ít thông tin về quần thể và môi trường sống của chúng. Những ngư dân vẫn thường xuyên qua sông sẽ cung cấp thông tin cho các nhà khoa học về việc cá heo ăn gì, di cư bao xa và những manh mối về các đe dọa mà chúng phải đối mặt.
Lila Sainz, người đứng đầu WWF của Bolivia, họ đã mang đến cho những người đánh cá một cái nhìn mới về loài vật vốn là đối tượng săn bắt của họ trong suốt nhiều năm qua.
Sainz nói: “Mọi thứ ảnh hưởng đến cá heo đều sẽ ảnh hưởng đến con người – đối tượng cũng sử dụng những nguồn tài nguyên đó. Vì vậy, nếu cá heo sống tốt cũng chứng tỏ môi trường sống của con người đang tốt".
Rừng nhiệt đới Amazon rộng lớn của Bolivia là môi trường sống quan trọng của nhiều loài, từ cá heo đến chim chóc và báo đốm Mỹ, những loài có sự tồn tại đang bị đe dọa bởi nạn phá rừng, đập nước, cháy rừng và sự phát triển.