Giải thích hiện tượng cá chết trên sông Tô Lịch

Sau 3 ngày Công ty Thoát nước Hà Nội xả hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch, nước sông đã đen trở lại và xuất hiện tình trạng cá chết dạt vào bờ.
Sông Tô Lịch xuất hiện nhiều xác cá chết, bốc mùi hôi thốiĐề xuất phát triển du lịch trên sông Tô LịchNgười Hà Nội "mắt tròn, mắt dẹt" ngắm sông Tô Lịch trong xanh thơ mộng

Lý giải nguyên nhân trên, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE) cho biết: Cá chết là do quá trình theo dòng nước cuốn vào sông Tô Lịch, cá đã bị va đập, kẹt vào tấm chặn rác nên chết trước khi vào sông. Sau đó, xác cá trôi dạt về phía trung tâm xử lý thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch công nghệ Nhật Bản. Còn phía vị trí phường Quan Hoa rất xa so với vị trí xử lý làm sạch nước bằng công nghệ Nano Bioreactor nên cá bị thiếu ôxy nên chết.

Hiện nay, tại sông Tô Lịch có các dự án đang triển khai để làm sạch dòng sông này như: Thí điểm làm sạch nước bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản; Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá rộng 13,8 ha nằm ở xã Thanh Liệt (Thanh Trì); Sử dụng chế phẩm Redoxy3C và bơm nước nơi khác vào dòng sông.

Sau 3 ngày xả 1 triệu m3 nước từ hồ Tây, nước sông Tô Lịch lại trở về một màu đen.

Về việc xả hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây vào sông Tô lịch, một số các chuyên gia trao đổi:

Tiến sĩ Takeba Akira, cố vấn tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản nhận định hiện sông Tô Lịch nhận nguồn nước chủ yếu từ nước mưa và nước thải, tốc độ dòng chảy thấp, 280 chiếc cống ngày đêm chảy vào nên không còn gọi là con sông nữa.

Nếu Hà Nội có ý định xả nước thường xuyên vào sông thì nên thực hiện sau khi sông Tô Lịch đã hết ô nhiễm, chất lượng nước được cả thiện, hết mùi, bùn đã phân hủy. Lúc đó nguồn nước cấp vào sẽ không phải là thau rửa, làm sạch con sông mà có ý nghĩa tạo dòng chảy, nâng mực nước lên thì mới đúng nghĩa hồi sinh dòng sông.

Ông Takeba Akira mong muốn nguồn nước hồ Tây vừa xả vào sẽ chảy càng nhanh càng tốt, các bọt khí nano được kích hoạt bởi công nghệ Nano Bioreactor sẽ chuyển xuống hạ lưu, thay vì công nghệ đang áp dụng trong một đoạn sông 50 mét thì công nghệ sẽ được mở rộng thêm ra.

Giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Ngô Đình Tuấn – Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam cho biết: "Không chỉ riêng những người nghiên cứu mà mọi người đều mong muốn sông Tô Lịch trở lại sạch đẹp, là một dòng sông du lịch để người dân có thể đi thuyền ngắm cảnh".

Nếu dùng nước từ các dòng sông khác thau rửa sông Tô Lịch, chúng ta phải đưa nhiều nước sông Hồng vào. Nhưng mùa cạn, chúng ta không thể thực hiện được công tác này. Theo quan điểm cá nhân tôi, việc thau rửa sông Tô Lịch sẽ có hiệu quả khi chúng ta đã xử lý ô nhiễm, nếu không sẽ không có giá trị”, ông Ngô Đình Tuấn nhận định.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE) cũng nhất trí với ý kiến của các chuyên gia, là chỉ xả nước vào sông Tô Lịch khi đã xử lý ô nhiễm nước, lượng bùn ở sông. Khi đó, nước xả vào sông sẽ hiệu quả hơn.

"Khi xử lý xong chất lượng nước sông Tô Lịch, việc xả nước từ đầu nguồn chảy xuống hạ lưu như vậy kéo theo vi sinh vật công nghệ Nano, giúp việc xử lý nước nhanh và chi phí thấp hơn”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Về vấn đề nước hồ Tây xả về sông Tô Lịch có ảnh hưởng đến kết quả thí điểm hay không, ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay: "Việc Công ty thoát nước Hà Nội xả hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch để phục vụ thoát nước mùa mưa theo quy định là chủ trương của thành phố. Tuy nhiên, về công tác lấy mẫu sau 2 tháng thí điểm làm sạch (ngày 17/7), chúng tôi phải đảm bảo việc lấy mẫu phải trong trạng thái bình thường. Trong vài ngày tới, nếu nước vẫn chưa trở về tình trạng như ban đầu, JVE sẽ kiến nghị lên thành phố cho lùi ngày công bố kết quả thí điểm để đảm bảo khách quan”.

Theo TTXVN
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường