Giảm phát thải CO2: Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á

Nhiều chuyên gia nhận định, Đông Nam Á sẽ trải qua nhiều đợt nắng nóng hơn, dữ dội hơn và kéo dài hơn do biến đổi khí hậu.
‘Định giá carbon’ và cuộc chiến chống biến đổi khí hậuLiên Hợp Quốc kêu gọi mở rộng quy mô thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbonXây dựng hệ thống tín chỉ carbon trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn

Michael E. Mann, giáo sư về khoa học khí quyển tại Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) nhận định: "Nhiệt độ cao kỷ lục sẽ được ghi nhận trên toàn thế giới khi hành tinh tiếp tục nóng lên. Các khu vực nhiệt đới có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bởi đây là những khu vực có nhiệt độ biểu kiến (nhiệt độ mà con người cảm nhận, do tác động tổng hợp của nhiệt độ không khí và độ ẩm) vào hàng cao nhất".

Tại châu Á, hàng chục triệu người dân Ấn Độ đang phải hứng chịu đợt nắng nóng nghiêm trọng với nhiệt độ lên mức cao nhất trong 9 năm qua tại New Delhi; trong khi cơ quan khí tượng dự báo mùa mưa năm nay tại nước này sẽ đến muộn. Nhiệt độ ban ngày tại nhiều nơi trong 4 ngày nay luôn ở mức hơn 40 độ C.

tm-img-alt
Đông Nam Á có thể đối mặt với hậu quả của biến đổi khí hậu nặng nề hơn các khu vực khác trên thế giới. (Ảnh: Vov.vn)

Cùng quan điểm trên, GS Kristie Ebi, từ Trung tâm Y tế và Môi trường toàn cầu (Đại học Washington) cho biết, "Đông Nam Á sẽ trải qua nhiều đợt nắng nóng hơn, dữ dội hơn và kéo dài hơn. Hy vọng rằng tình trạng sẽ không khắc nghiệt như ở Tây Bắc Thái Bình Dương, mặc dù nguy cơ đó có thể xảy ra".

Trước đó, vào tháng 11/2020, báo cáo của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey (MGI) chỉ rõ, biến đổi khí hậu khiến châu Á phải đối mặt với những hiểm họa bao gồm lũ lụt, hạn hán, bão lớn cũng như nhiệt độ và độ ẩm tăng cao. Đến năm 2050, ước tính hàng năm 2,8 - 4,7 nghìn tỉ USD GDP ở châu Á sẽ gặp rủi ro do thời gian làm việc hiệu quả ngoài trời bị mất đi, vì nhiệt độ và độ ẩm tăng lên.

Theo đó, các quốc gia châu Á có mức GDP bình quân đầu người thấp hơn sẽ gặp nhiều rủi ro nhất và người nghèo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, do họ phải tiếp xúc với khí hậu khắc nghiệt nhiều hơn người khá giả. Người nghèo thường làm những công việc ngoài trời, liên quan đến nguồn tài nguyên thiên nhiên và có thể có ít khả năng tài chính hơn để thích nghi với các điều kiện.

Theo MGI đánh giá, Đông Nam Á có khả năng phải đối mặt với hậu quả của biến đổi khí hậu nặng nề hơn so với các khu vực khác trên thế giới.

Dự báo, đến năm 2050, các nền kinh tế này có thể phải chịu thiệt hại tương đương 8 - 13% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do các tác động của hiện tượng nhiệt độ và độ ẩm tăng lên. Cũng đến năm 2050, nguy cơ xuất hiện lượng mưa cực đoan có thể tăng gấp 3 - 4 lần ở Indonesia. Trong khi ngập lụt là hiện tượng phổ biến ở TP.HCM, đến năm 2050, thiệt hại về cơ sở hạ tầng có thể lên tới 500 triệu đến 1 tỉ USD và thiệt hại gián tiếp có thể lên tới khoảng 1,5 - 8,5 tỉ USD.

Giải pháp ứng phó hiệu quả

Trước tình trạng trên, GS Michael E. Mann cho rằng, cách duy nhất để giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu cho Việt Nam và tất cả quốc gia khác là ngừng tạo ra khí thải carbon làm hành tinh nóng lên. "Đó là vấn đề khiến Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về khí hậu sắp diễn ra vào cuối năm nay tại Glasgow (COP26) trở nên rất quan trọng".

Ông Mann nhấn mạnh, thế giới chỉ có một khoảng thời gian hạn hẹp là 10 năm để giảm lượng khí thải carbon xuống một nửa nếu chúng ta muốn ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, GS Kristie Ebi đã chỉ ra hai hành động cơ bản để tăng khả năng chống chịu các đợt nắng nóng, bao gồm: giảm phát thải khí nhà kính để giảm cường độ sóng nhiệt trong tương lai và phát triển các kế hoạch hành động để chuẩn bị đối phó những đợt nắng nóng khắc nghiệt hơn.

Việc phát triển kế hoạch hành động bao gồm thiết lập hệ thống cảnh báo và ứng phó sớm, khoanh vùng những nơi dễ bị tổn thương và đưa ra các phản ứng thích hợp. Ngoài ra, cần có các kế hoạch dài hạn về điều chỉnh các hệ thống công trình xây dựng, như giảm các đảo nhiệt đô thị (khu vực đô thị nóng hơn đáng kể so với các khu vực ngoại ô xung quanh do sự thay đổi bề mặt sử dụng đất trong quá trình phát triển đô thị) và áp các quy định về hiệu quả năng lượng.

Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu

Đông Nam Á được đánh giá là khu vực bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu do dân cư tập trung đông đúc ở bờ biển, các khu nông nghiệp lớn và một số lượng không nhỏ người dân phải sống với mức chi dưới 2 USD/ngày.

Trong năm 2020, nhiều nước Đông Nam Á đã phải vật lộn với những hình thái thời tiết cực đoan chưa từng có. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế về các vấn đề châu Á, trong năm 2020, hơn 500.000 người đã phải di dời do thiên tai liên quan đến thời tiết khắp khu vực. Bão Phanfone và Vongfong đã tấn công Philippines, trong khi thủ đô của Indonesia đã hai lần bị ngập do lũ lụt toàn khu vực. Theo dữ liệu mới từ Trung tâm Giám sát dịch chuyển nội bộ, 54,5 triệu người đã phải di dời do các thiên tai liên quan đến thời tiết trên khắp Đông Nam Á từ năm 2008 - 2018.

Lan Anh