GS.TS Hoàng Xuân Cơ: 'Đến với Kinh tế môi trường là cơ duyên'

GS.TS Hoàng Xuân Cơ có những chia sẻ đáng quý, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập VIASEE.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ nguyên là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội). Ông là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam soạn thảo giáo trình môn Kinh tế môi trường để đưa vào giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam. Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập VIASEE, GS.TS Hoàng Xuân Cơ đã có những chia sẻ đáng quý.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: 'Đến với Kinh tế môi trường là cơ duyên' - Ảnh 1

Năm 1995, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội có dự định thành lập Khoa Môi trường, tiến hành đào tạo cả Cử nhân và Thạc sĩ Môi trường. Lúc ấy, trên thế giới đã có nhiều cơ sở đào tạo Thạc sĩ Môi trường nhưng vẫn còn ít cơ sở đào tạo ngành môi trường trình độ Đại học.

Bằng sự quyết tâm rất cao của các thầy cô sáng lập, sự ủng hộ của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, của nhiều cơ quan tổ chức khác, Khoa Môi trường được thành lập ngày 21/10/1995.

Thành lập Khoa rồi, một nhiệm vụ lớn đặt ra là phải có chương trình giảng dạy vừa tiên tiến, vừa phù hợp với Việt Nam. Thế rồi, các thầy cô lại bắt tay xây dựng chương trình các môn học mà vào lúc ấy chưa có hoặc còn rất sơ lược ở Việt Nam. Nhiều môn học không những không có giáo trình tiếng Việt mà ngay cả tên của nó cũng còn mới, lạ nhưng Khoa vẫn động viên các thầy cô nhận chuẩn bị để giảng dạy.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: 'Đến với Kinh tế môi trường là cơ duyên' - Ảnh 2
Giáo trình Kinh tế môi trường được đưa vào giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam.

Tôi được phân công soạn giảng hai môn là Kinh tế môi trường và Đánh giá tác động môi trường. Rất may là một số nội dung của hai môn học này tôi đã được học trong khóa học của UNEP - UNESCO tại Đại học Kỹ thuật Dresden, CHLB Đức năm 1990 - 1991 và có trong một số sách được dự án hợp tác với Đại học Tự do Bỉ cung cấp cho Khoa Môi trường.

Vừa soạn bài vừa dạy, được sự hỗ trợ của nhiều thế hệ sinh viên, đến năm 2000, tôi đã có giáo trình có thể in để dạy cho sinh viên không chỉ của Khoa Môi trường mà còn nhiều khoa khác, thậm chí trường khác. Năm 2000, sách giáo khoa Đánh giá tác động môi trường được nhà xuất bản ĐHQG Hà Nội in, riêng sách giáo khoa Kinh tế môi trường thì tôi đắn đo nên tới năm 2006 mới được NXB Giáo dục in lần đầu.

Tôi mãi ân hận là sách xuất bản lần thứ nhất còn quá nhiều lỗi, mặc dù đã có đính chính nhưng không thể tự tha thứ cho mình được. Rất may là sách được đón nhận ở nhiều trường Đại học nên đã tái xuất bản lần thứ 6 vào năm 2013 và sau đó được đưa lên mạng để nhiều người được sử dụng. Những nội dung được trình bày trong giáo trình đến nay vẫn còn nguyên giá trị và đang được khai thác áp dụng, điển hình như:

1. Tóm tắt một số nội dung của Kinh tế vi mô (cho sinh viên không thuộc các trường Kinh tế và Tài chính).

2. Mối quan hệ giữa hệ kinh tế và hệ môi trường.

3. Kinh tế ô nhiễm.

4. Kinh tế tài nguyên.

5. Kinh tế môi trường ứng dụng.

Phải nói rằng, giảng dạy môn học này không dễ dàng đối với những người chưa qua hoạt động thực tiễn, chưa thực sự nghiên cứu đề tài liên quan tới kinh tế môi trường. Cho đến nay, sau hơn 20 năm giảng dạy tôi mới có thể tự tin đứng lớp với nhiều ví dụ minh họa để bài giảng dễ tiếp thu hơn.

Rất nhiều sinh viên học môn này đều thấy hay nhưng rất khó tìm được đề tài cho khóa luận tốt nghiệp, luận văn Thạc sĩ và luận án Tiến sĩ. Nhưng may mắn là gần đây đã có Nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ của mình liên quan nhiều đến Kinh tế môi trường. Đặc biệt, nhiều bài báo đã trình bày kết quả nghiên cứu liên quan đến định giá tác động môi trường, ứng dụng phân tích chi phí mở rộng đánh giá hiệu quả kinh tế - môi trường của các dự án phát triển.

Bản thân tôi cũng đã từng bước nghiên cứu những vấn đề kinh tế môi trường do thực tiễn đề ra. Chẳng hạn, khi tiến hành đánh giá tác động môi trường dự án sản xuất xi măng Chinfon ở Thủy Nguyên, Hải Phòng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) yêu cầu các dự án vay vốn phải có phần phân tích chi phí mở rộng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: 'Đến với Kinh tế môi trường là cơ duyên' - Ảnh 3

Một giáo sư khi ấy có hỏi tôi và một thầy giáo khác ở Khoa Môi trường có “dám” thực hiện công việc này không và chúng tôi “liều” xin nhận làm. Tôi nhớ mãi khi tính chi phí di dân (chỉ khoảng 1.000 người) đến địa điểm không xa chỗ ở cũ, nhiều hạng mục chưa được tính đến trong đánh giá tác động môi trường, đó là chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng cho dân sinh sống như đường, trường, trạm, cấp nước… Ngay cả chi phí xây dựng một trường trung học cơ sở 10 phòng học, xây dựng một trạm xá, một hội trường… là bao nhiêu cũng chưa hình dung được.

May mắn là chúng tôi đã tham khảo được mức chi phí di dân ở một tài liệu và ước tính ra chi phí với một con số hàng triệu USD khi đó (khoảng 1994). Con số này được phản biện khá gay gắt, đề nghị xóa bỏ từ các chuyên gia Việt Nam nhưng chúng tôi kiên quyết giữ nguyên bản thảo gửi ADB và may mắn là họ không có ý kiến yêu cầu sửa. Kết quả này đã giúp chúng tôi mạnh dạn áp dụng công cụ này cho một số nghiên cứu khác và đã được trình bày trong hai giáo trình kể trên.

Kỷ niệm ngày đầu tham gia VIASEE

TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) được thành lập các đây vừa tròn 20 năm và tôi cũng được bầu vào Ban Chấp hành khóa đầu. Nhưng xin thú thật, lúc ấy tôi không hiểu nhiều về các hội chuyên môn, không biết mình tham gia được vào công việc gì. Vì vậy, khi được mời họp, mời dự hội thảo của TW Hội thì tôi có tham gia nhưng không được nhiều. Tuy nhiên, tôi vẫn nắm bắt được những hoạt động của Hội qua người đồng nghiệp ở Khoa Môi trường - Phó Chủ tịch TW Hội, PGS.TS Lưu Đức Hải.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch TW Hội, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, TW Hội đã rất lớn mạnh, đã ra được Tạp chí chuyên ngành: Tạp chí Kinh tế Môi trường, đã thành lập Trung tâm Kinh tế Môi trường và Viện Chính sách Kinh tế Môi trường. Chứng kiến các cuốn Tạp chí Kinh tế Môi trường với nhiều nội dung phong phú, giá trị, đề cập nhiều lĩnh vực thực tiễn lại được in ấn đẹp thật đáng tự hào.

Xin cảm ơn Ban Biên tập với nguyên Tổng Biên tập Trương Mạnh Tiến và Tổng Biên tập Phan Chí Hiếu cùng đội ngũ biên tập, phóng viên và mọi thành viên trong gia đình Tạp chí Kinh tế Môi trường. Hiện nay, được là thành viên Ban Biên tập, tôi sẽ cố gắng góp sức để nâng tầm Tạp chí Kinh tế Môi trường lên cao hơn nữa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Ủy viên Ban Thường vụ VIASEE

Theo Tạp chí KTMT