Hà Nội: Mục tiêu không còn khói rơm, rạ vào cuối năm 2020 liệu có khả thi?

Hà Nội đã đặt ra mục tiêu năm 2020 sẽ trở thành "Thành phố không đốt rơm rạ", tuy nhiên, tình trạng đốt rơm rạ liên tục tái diễn, khói rơm rạ vẫn bủa vây vùng ngoại ô thành phố, gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân.
Biến rơm rạ thành tiền thay vì đốt bỏĐốt rơm rạ ảnh hưởng chất lượng không khí ở Hà NộiĐốt rơm rạ ngoài đồng, lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường

Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian gần đây, chất lượng không khí tại một số tỉnh miền Bắc có xu hướng suy giảm vào ban đêm, một trong những nguyên nhân chính là hiện tượng đốt rơm rạ đang diễn ra phổ biến.

Thực trạng này khiến nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi liệu mục tiêu đặt ra của Hà Nội là đến năm 2020 trở thành “Thành phố không đốt rơm rạ” có thực sự khả thi?

Mỗi năm tại TP.Hà Nội phát sinh một triệu tấn rơm rạ

Hàng năm vào khoảng tháng 6 - 7, khi vụ thu hoạch lúa bắt đầu cũng là lúc nhiều cánh đồng ven Hà Nội lại nghi ngút khói do việc đốt rơm rạ của người dân. Tình trạng này phổ biến tại các huyện Phúc Thọ, Thanh Trì, Đông Anh, Sóc Sơn..., khi người dân thu hoạch lúa xong thì đốt rơm tại chỗ để làm mùn bón ruộng.

muc tieu khong con khoi rom ra vao cuoi nam 2020 cua ha noi lieu co kha thi
Tình trạng đốt rơm rạ trong mùa gặt diễn ra phổ biến trong mùa gặt. (Ảnh minh hoạ)

Báo cáo của các quận, huyện và thị xã cho thấy, mỗi năm tại TP.Hà Nội phát sinh một triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó, lượng rơm rạ phát sinh là 642.000 tấn (chiếm 59%), số lượng đốt bỏ khoảng 296.000 tấn (chiếm 36%).

Rơm rạ bị đốt khiến khói mù bủa vây từ đồng ruộng đến đường quốc lộ. Nhiều người đi đường cũng phản ánh, khói bao phủ khiến không khí ngột ngạt, khi lưu thông ngoài đường rất khó thở, cay mắt.

Ngoài ra, theo các chuyên gia về môi trường, việc đốt nhiều rơm rạ sẽ làm nóng bầu khí quyển, đẩy nhiệt độ lên cao. Đây cũng là nguyên nhân chính góp phần làm gia tăng nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí.

Đề xuất ban hành chỉ thị cấm đốt rơm rạ

Để đối phó với việc đốt rơm rạ, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế, tiến tới đẩy lùi tình trạng này vào cuối năm 2020. Nhiều địa phương đã tích cực tuyên truyền để người dân ký cam kết không đốt rơm rạ, sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ sau thu hoạch, xây dựng mô hình trồng nấm rơm...

Từ ngày 11 đến 30/6, các đoàn công tác liên ngành của thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra việc đốt rơm rạ tại các địa phương để nắm rõ tình hình xử lý sau thu hoạch. Qua đó, có những đánh giá, giải pháp xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện hạn chế đốt rơm rạ, cải thiện chất lượng không khí của thành phố.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có tờ trình số 4836/TTr-STNMT-CCBVMT về việc ban hành chỉ thị cấm đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn sinh hoạt... nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm chấm dứt hoàn toàn các hoạt động đốt chất thải rắn sinh hoạt, rơm rạ và các phụ phẩm cây trồng theo lộ trình.

muc tieu khong con khoi rom ra vao cuoi nam 2020 cua ha noi lieu co kha thi
Khói mù do đốt rơm rạ gây ảnh hưởng đến tầm nhìn khi tham gia giao thông và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. (Ảnh minh họa: VnExpress)

Cụ thể, từ nay đến ngày 31/12/2020, thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch; chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng.

Từ ngày 1/1/2021 toàn bộ lượng rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh sẽ được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật môi trường; không còn việc đốt chất thải rắn sinh hoạt, rơm rạ và các phụ phẩm cây trồng trên địa bàn thành phố; ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiến tiến, hiện đại trong công tác thu hoạch sản phẩm, thu gom, vận chuyển, xử lý rơm rạ và phụ phẩm cây trồng theo cách thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Thiếu mô hình xử lý rơm rạ hiệu quả

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng việc xoá bỏ triệt để vấn nạn ô nhiễm không khí do đốt rơm rạ không phải dễ, bởi trên thực tế vẫn chưa có chế tài xử lý, cũng như chưa có nhiều mô hình hiệu quả sử dụng rơm vào các việc hữu ích... Theo người dân, việc đốt rơm rạ đã thành thói quen sau gặt bởi theo họ sẽ chẳng còn lựa chọn nào khác.

Theo PGS.TS Hoàng Thu Hương, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, việc đốt rơm rạ cho thấy, bà con nông dân đang thiếu các giải pháp để giải quyết.

Chia sẻ với VOV, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nguồn rơm rạ này có thể tận dụng để làm nguyên liệu cho các ngành khác như trồng nấm, làm biogas, làm thức ăn cho ao nuôi thủy sản.

"Quan trọng nhất phải nhìn từ góc độ kinh tế. Như hiện nay người ta gọi là kinh tế tuần hoàn. Để bán cho những người có nhu cầu sử dụng rơm cộng với đó nữa là giáo dục ý thức của người dân bản thân việc đốt đó ảnh hưởng cộng đồng, xã hội. Nếu những vùng đó vẫn cứ tiếp tục đốn thì lại có chế tài thì người ta sẽ thay đổi cách tư duy", PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho hay.

Xử phạt đốt rơm rạ gây ô nhiễm khó khả thi trong thực tế

Trước đó, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội từng đề xuất, cấm đốt rơm rạ trong dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi (vừa được trình Quốc hội).

Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết, quá trình dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, việc cấm đốt rơm rạ cũng được đề cập đến. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng quy định này không phù hợp vì nhiều hộ gia đình nông thôn vẫn dùng rơm rạ làm chất đốt trong sinh hoạt.

Theo các chuyên gia môi trường, việc xử phạt đốt rơm rạ gây ô nhiễm khó khả thi trong thực tế. Vì vậy, dự thảo luật cần tạo cơ sở để các địa phương có chính sách hỗ trợ, khuyến khích để người dân tận dụng rơm rạ nhằm mục đích tái chế, tận dụng làm nấm, phân hữu cơ.

Trước hết cần tập trung tuyên truyền nhận thức cho người dân thấy được tác hại của việc đốt rơm rạ với chính bản thân họ. Ngoài ra, có thể thiết lập một đường dây nóng để người dân báo về khi phát hiện ra hoạt động đốt rơm rạ, đốt rác, giúp cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời.

Nguyễn Luận
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết