Số ca nhập viện vì sốt xuất huyết ngày càng tăng - Ảnh minh họa |
Từ đầu năm 2019 đến nay, Hà Nội ghi nhận hơn 500 ca mắc sốt xuất huyết rải rác tại 168 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Tuy bệnh chưa bùng phát nhưng thời tiết khí hậu bắt đầu thuận lợi cho bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Ngày 15/6 hằng năm được chọn là Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh dịch này. Đồng thời, huy động các nguồn lực của cộng đồng để dự phòng và kiểm soát bệnh, thể hiện sự quyết tâm của khu vực trong giải quyết những thách thức trong phòng, chống sốt xuất huyết.
Những điều cần biết về bệnh sốt xuất huyết - Ảnh minh họa |
Phát biểu tại lễ phát động ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết do Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh ở người thành phố Hà Nội tổ chức, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết: "Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành phổ biến tại nhiều địa phương, trong đó Hà Nội là trọng điểm về sốt xuất huyết ở khu vực miền Bắc. Trung bình mỗi năm, TP ghi nhận từ 3.000 đến 5.000 trường hợp mắc".
"Trong những năm qua, bệnh sốt xuất huyết vẫn còn là một gánh nặng sức khỏe không chỉ của người dân TP Hà Nội, mà còn là vấn đề sức khỏe của người dân cả nước. Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt" - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói.
Khi người bệnh có dấu hiệu bị sốt xuất huyết cần mang đến cơ sở ý tế gần nhất để khám bệnh - Ảnh minh họa |
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt - Ảnh minh họa |
Ngủ mắc màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.