Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng những ngày giáp Tết

Sáng 22/1 (tức ngày 28 Tết), Hà Nội chìm trong ô nhiễm không khí. Hầu hết điểm quan trắc đỏ rực với chỉ số AQI trên 150.
Cải thiện chất lượng không khí Hà Nội: Hợp tác 2020 và năm tiếp theoÔ nhiễm không khí: Bắt đầu ảnh hưởng tới sức khỏe người bình thườngÔ nhiễm không khí có thể làm chết 160.000 người trong thập kỷ tới
ha noi o nhiem khong khi nghiem trong nhung ngay giap tet
Sương mù bao phủ thành phố Hà Nội, không khí ô nhiễm những ngày cận Tết. (Ảnh: VnMedia)

Theo quan trắc của hệ thống PAMAir, vào lúc 10h sáng, nhiều khu vực có chất lượng không khí ở ngưỡng đỏ - mức cảnh báo ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, nhóm người nhạy cảm, người già, trẻ nhỏ, người mắc các bệnh hô hấp mãn tính không nên ra ngoài. Những khu vực có chỉ số AQI cao gồm: Nhân Chính (181), Phú Xuyên (178), Trần Quang Khải (171), Hoàn Kiếm (168), Hoàng Mai (168), Minh Khai (165), Ô Chợ Dừa (164), Bà Triệu (161)…

Lúc 10 giờ sáng nay (22/1), Cổng thông tin quan trắc chất lượng môi trường của UBND TP.Hà Nội cho thấy AQI nhiều nơi ở ngưỡng đỏ - chất lượng không khí ở mức xấu.

Trang quan trắc AQI thời gian thực AirVisual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sĩ) xếp hạng Hà Nội ở vị trí thứ 10 trong tổng số 10.000 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới, với AQI là 173.

ha noi o nhiem khong khi nghiem trong nhung ngay giap tet
Air Visual xếp hạng Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí đứng thứ 10 toàn cầu.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến không khí ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc những ngày qua ô nhiễm là khói bụi từ công trường, máy móc xây dựng, các phương tiện giao thông hay thói quen nấu bếp than tổ ong, đốt than, rơm rạ của người dân...

Nhất là những ngày cận Tết, thời tiết không thuận lợi mà lượng phương tiện giao thông tăng đột biến nên tình trạng ô nhiễm không khí ở Thủ đô Hà Nội không được cải thiện.

Đáng chú ý, cả nội và ngoại thành có rất nhiều điểm nổi lửa nấu bánh chưng theo cách truyền thống là đốt củi. Cùng với đó là lượng người đốt vàng mã những ngày cuối năm gia tăng đột biến, đặc biệt là tại các chùa chiền khi người dân đi “lễ tạ”.

Theo khuyến cáo của Tổng cục Môi trường, những ngày chất lượng không khí kém, xấu, có hại, người dân không nên ra ngoài, đóng kín cửa nhà. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, mọi người cần trang bị mũ, áo, khẩu trang và kính để hạn chế tác hại của ô nhiễm không khí.

Dự kiến, trong vài ngày tới, từ 24/1 (đêm 30 Tết) miền Bắc sẽ có thêm lượng không khí lạnh gây mưa nhiều, chất lượng không khí sẽ được cải thiện.

Người dân nên cập nhật thường xuyên tình trạng chất lượng không khí, trong những khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao và thực hiện theo khuyến cáo của chuyên gia môi trường.

Mai Anh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết