Theo văn bản này, các đối tượng, điều kiện được áp dụng cơ chế này, gồm: Các dự án đầu tư công cấp thành phố đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và dự toán công tác chuẩn bị đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định đến ngày 31/10 của năm trước năm kế hoạch. Các dự án còn lại (kể cả các dự án đã được thành phố giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư thông qua các thông báo kết luận, văn bản chỉ đạo) phải được UBND thành phố quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư và dự toán công tác chuẩn bị đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định đến ngày 31/10 của năm trước năm kế hoạch.
Hà Nội thực hiện giải ngân linh hoạt cho dự án công chậm tiến độ. (Ảnh minh họa) |
Thực hiện cơ chế giải ngân linh hoạt chi phí: Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư công quan trọng quốc gia, nhóm A; lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C và lập dự án đầu tư; lập hồ sơ đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và các công tác khác có liên quan của giai đoạn chuẩn bị đầu tư trong tổng nguồn vốn giao cho công tác chuẩn bị đầu tư hằng năm theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không phụ thuộc mức vốn giao của từng dự án.
Trước đó, trình bày báo cáo kiểm điểm tiến độ giải ngân vốn đầu tư cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã; tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm của thành phố tại cuộc họp Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II/2019, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2019 của toàn thành phố còn chậm, nhất là ở cấp thành phố.
Hết 5 tháng đầu năm, Hà Nội mới chỉ giải ngân được 15,3% kế hoạch vốn giao, ước giải ngân hết 6 tháng khoảng 31% (đạt 32,2% kế hoạch giao đầu năm).
Qua đó, sau 5 tháng triển khai kế hoạch, chỉ một số ít đơn vị trong thành phố có kết quả giải ngân khá, còn lại là thấp, dưới mức bình quân chung của Hà Nội.
Cụ thể, đối với giải ngân vốn xây dựng cơ bản cấp thành phố, các đơn vị có kết quả giải ngân khá là: UBND quận Hà Đông (89%), UBND huyện Đan Phượng (51%), UBND huyện Quốc Oai (49%), UBND huyện Thanh Oai (45%)…
Theo đó, đối với số vốn này, tính đến hết ngày 31/5, còn 10 đơn vị chưa thực hiện giải ngân (giải ngân 0%) là: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Phú Xuyên...
Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội chỉ rõ, nguyên nhân khiến các dự án ngân sách, ODA chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn vướng mắc về cơ chế, chính sách, gây khó khăn trong thực hiện, dẫn đến người dân khiếu kiện không giải ngân được.
Cùng với đó, trình độ năng lực cộng với kinh nghiệm của một số đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công và cả chủ đầu tư còn hạn chế dẫn đến quá trình thực hiện lúng túng, một số dự án phải thiết kế, điều chỉnh lại.
Về vấn đề này, lãnh đạo TP Hà Nội sẽ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm những cá nhân liên quan đến các lĩnh vực xây dựng cơ bản, từ đó có giải pháp quyết liệt khắc phục trong thời gian tới. Đảng đoàn HĐND thành phố là đơn vị chỉ đạo tiến hành giám sát về các nội dung trên.