Hà Nội triển khai lộ trình 4 giải pháp chống rác thải nhựa và túi nilon

Giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon là nhiệm vụ trọng tâm của TP. Hà Nội trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ trong vấn đề môi trường.
'Cô bé nhặt rác thải nhựa' đoạt giải bức ảnh năm 2019 của UNICEFNỗ lực chống rác thải nhựa trên thế giớiChính sách quản trị rác thải nhựa: Đánh thuế hay cấm vận?

Theo thống kê, mỗi ngày khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Hà Nội từ 5.500 - 6.000 tấn, trong đó rác thải nhựa chiếm 8 - 10% (khoảng 50 - 60 tấn). Tác hại của rác thải nhựa với môi trường đã được cảnh báo rất nguy hiểm. Do vậy, những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa và túi nilon luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp và Hà Nội đặc biệt quan tâm.

ha noi trien khai lo trinh 4 giai phap chong rac thai nhua va tui ni long
TP. Hà Nội chú trọng công tác giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon. (Ảnh minh họa)

Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019; trong đó yêu cầu đến 30/9 các cơ quan hành chính cam kết không sử dụng chai nhựa trong các cuộc họp, cam kết cán bộ, nhân viên không sử dụng chất thải nhựa một lần.

Hiện nay, thành phố đang triển khai lộ trình với 4 giải pháp trọng tâm là tuyên truyền, khảo sát khối doanh nghiệp đang sản xuất các sản phẩm nhựa khó phân hủy; tuyên truyền các cửa hàng, siêu thị, trường học hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần; tuyên truyền các cơ sở sản xuất túi nilon đến năm 2020 hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi nilon khó phân hủy.

Đặc biệt, thành phố cũng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất chuyển đổi việc sản xuất các sản phẩm khó phân hủy theo lộ trình cụ thể.

Mặc dù vậy, thực tế đến thời điểm này tình trạng sử dụng túi nilon trên địa bàn thủ đô vẫn tràn lan. PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học & kỹ thuật Hà Nội cho rằng, việc giảm thiểu rác thải nhựa là vấn đề khó, đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, nói cho cùng, nhựa là thành tựu của công nghệ, có thể sử dụng trong nhiều ngành nghề với nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, khi dùng nhựa như vật liệu sử dụng một lần thì đó lại là là hiểm hoạ đối với môi trường.

Do vậy, chúng ta cần giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách, tới định hướng giảm sản xuất vật liệu nhựa, giảm nhập đồ nhựa tái chế. Về khoa học công nghệ, cần tìm vật liệu thay thế, tuyên truyền và nâng cao ý thức người tiêu dùng về rác thải nhựa. Cơ quan nhà nước cũng cần có cơ chế chính sách với từng thành phần kinh tế, đó là khâu sản xuất, nghiên cứu đến sử dụng.

“Nếu chỉ nhấn mạnh tuyên truyền sẽ không đủ. Đây là một quá trình lâu dài và không thể đòi hỏi hiệu quả nhanh chóng. Do đó, tôi nghĩ sẽ phải kiên trì trong vài năm mới có thể đạt yêu cầu” - PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Theo Khải Minh/TN&MT