Độc đáo với mô hình biến nước thải thành nước sạch để tưới cây |
Chiều 8/8, tại cuộc họp của UBND tỉnh Hàn Tĩnh, Tổ công tác liên ngành (theo Quyết định số 2586, ngày 2/8/2019 của UBND tỉnh Hà Tĩnh) đã có nhận định bước đầu về nguyên nhân gây ra hiện tượng chuyển màu nguồn nước tại hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang.
Theo báo cáo của Tổ công tác liên ngành về kết quả quan trắc, phân tích mẫu nước tại công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang từ năm 2016 đến quý II/2019, hàm lượng sắt trong nước cao, vượt giới hạn cho phép từ 1,26 – 2,2 lần.
Đặc biệt, vào tháng 7/2019, thời điểm phát hiện nước chuyển màu cũng là giai đoạn hàm lượng sắt trong nước cao hơn mức bình thường. Hàm lượng sắt cao nhất tại thời điểm này tập trung ở tầng đáy hồ Ngàn Trươi và lòng dẫn đập dâng Vũ Quang. Các chỉ tiêu khác cũng có nhiều biến động, nhưng cơ bản nằm trong giới hạn cho phép.
Nước hai bên bờ đập Vũ Quang có màu đỏ rực vào cuối tháng 7 vừa qua. Ảnh: mothegioi |
Theo nhận định, đánh giá ban đầu của Tổ công tác liên ngành, về nguyên nhân hàm lượng sắt cao vượt giá trị giới hạn trong các đợt lấy mẫu, cho thấy khu vực vùng lòng hồ Ngàn Trươi là vùng đất chứa nhiều quặng Pirit (FeS2), trong điều kiện yếm khí thì các vi sinh vật yếm khí sẽ chuyển hóa sắt tồn tại trong đất, xác thực vật thành dạng Fe (II) hòa tan trong nước.
Nước xả từ vùng đáy hồ Ngàn Trươi ra đập dâng chứa nhiều Fe dạng hòa tan khi vào đập dâng tiếp xúc nhiều với ô xi trong nước, trong không khí thì sẽ chuyển hóa thành Fe (III) bền, hydroxit và một số muối Fe (III) hầu hết không tan, một phần kết tủa bám lên 2 bờ của đập, kênh dẫn và lắng xuống lòng đập có màu cam, đỏ, nâu, xỉn, phần còn lại là các muối và phức tan trong nước.
Tại khu vực khe Trươi, do đặc điểm của rừng Vũ Quang có nhiều sắt, xung quanh công trình thủy lợi Ngàn Trươi có đến 6 mỏ quặng sắt, khi có mưa mang theo sắt chảy về Hói Trươi, chảy xuống đập dâng.
Về nguyên nhân nước gây mùi hôi tanh, GS.TS Hà Văn Khối (Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội) cho biết, tất cả các hồ đập thủy lợi trong giai đoạn đầu tích nước đều có hiện tượng này, và sẽ giảm dần theo thời gian. Mùi tanh hôi là do khí sinh ra trong quá trình phân hủy yếm khí ở tầng đáy như sunfua, amoniac… ở điều kiện pH thấp, tồn tại ở dạng ion hòa tan, khi chuyển qua đập dâng do điều kiện (pH, DO tăng cao) nên chuyển sang dạng khí sufua, amoniac hòa tan trong nước, khi nhiệt độ tăng thì bay hơi và phát tán vào môi trường không khí, gây mùi.
Toàn cảnh buổi họp nghe báo cáo nguyên nhân gây ra hiện tượng chuyển màu nguồn nước. Ảnh: Báo Hà Tĩnh |
Kết luận cuộc họp, ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định: “Kết luận quan trọng bước đầu đã chỉ ra nguyên nhân chính là do Fe (III); và có sự liên quan của tác động biến đổi khí hậu. Chỉ số chất lơ lửng vượt ngưỡng qui định. Ngoài ra, các chỉ số khác cơ bản đang trong ngưỡng cho phép. Cây trồng và thủy sản sinh trưởng, phát triển bình thường”.
Ông Sơn cũng yêu cầu Tổ công tác, về mặt phương pháp, cách làm cần thống nhất lại; tiếp tục quan trắc, lấy mẫu làm đảm bảo khách quan, khoa học, chính xác, kịp thời; mời tham vấn chuyên gia (thống nhất giữa Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với tỉnh Hà Tĩnh). Khi có kết luận chính xác, sẽ đưa ra các giải pháp đồng bộ để xử lý hiệu quả.
Ông Lê Đình Sơn phát biểu tại buổi họp. Ảnh: Báo Hà Tĩnh |
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở NN&PTNT cho mở nước tưới sản xuất bình thường, lấy mẫu lúa so sánh, đối chứng với các vùng tưới khác, tiếp tục kiểm tra sự ảnh hưởng đối với gia súc, gia cầm; Sở Y tế tiếp tục theo dõi, quan trắc chất lượng nước sinh hoạt.
Như Kinh tế Môi trường đã thông tin, cuối tháng 7/2019, nước trên đập dâng dự án thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) chuyển màu đỏ và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Được biết, đây là công trình cung cấp nguồn nước lớn cho 6 huyện Bắc Hà Tĩnh nhằm phục vụ công việc tưới tiêu vừa sinh hoạt cho người dân.