Doanh nghiệp bất ngờ bị biến công thành tội
Văn bản của UBND TP.Hải Phòng gửi 7 doanh nghiệp gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch dịch vụ Thủy sản thương mại Thùy Trang; Công ty Cổ phần Thương mại Tùng Long; Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Đảo Cát Dứa; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đảo Cát; Công ty Cổ phần Khu du lịch Đảo Cát Bà; Công ty Cổ phần Thương mại Thanh Bình; Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Dịch vụ Đông Kinh.
Theo Văn bản, để làm rõ các nội dung kiến nghị của các doanh nghiệp, ngày 17/12/2020, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã chủ trì, cùng các sở, ngành và các đơn vị liên quan của thành phố làm việc với 7 doanh nghiệp.
Sau khi nghe ý kiến của các doanh nghiệp và ý kiến của các sở, ngành, đơn vị có liên quan của thành phố tại cuộc làm việc nêu trên, UBND TP.Hải Phòng trả lời cụ thể sai phạm của các tổ chức, doanh nghiệp liên quan.
Từ năm 2009 đến nay, Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường thuộc VQG Cát Bà đã sai phạm trong việc ký các hợp đồng liên doanh liên kết với 7 doanh nghiệp trên khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận theo quy định.
7 doanh nghiệp đã có các vi phạm như đầu tư xây dựng các công trình khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư dự án; không có hồ sơ pháp lý về đầu tư xây dựng; không có giấy phép xây dựng và không đủ điều kiện để cấp phép xây dựng; không lập, trình phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; không có các thủ tục về phòng cháy, chữa cháy; không có giấy phép kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành, dịch vụ lưu trú; về nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của một số doanh nghiệp...
Về xử lý sai phạm trước đó, từ ngày 22/11/2016, UBND TP.Hải Phòng đã có 7 văn bản chỉ đạo VQG Cát Bà chấm dứt các hoạt động với các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2018 và đầu năm 2019, Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường thuộc VQG Cát Bà mới có thông báo gửi từng doanh nghiệp về việc dừng liên kết với các doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục kinh doanh, dịch vụ tại các địa điểm trên...
Theo báo Tuổi trẻ, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an) đã điều tra và năm 2017 chuyển hồ sơ vi phạm của một số doanh nghiệp (Công ty Thùy Trang, Công ty Tùng Long, Công ty dịch vụ du lịch Đảo Cát Dứa) cho Công an TP.Hải Phòng điều tra, xử lý theo quy định.
Sau đó, Hải Phòng lập đoàn thanh tra phát hiện 4 doanh nghiệp còn lại đều có sai phạm tương tự như 3 doanh nghiệp bị C49 điều tra.
Năm 2018, đoàn Công tác số 1 - Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng do đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn làm việc với TP.Hải Phòng, trong đó xác định các vi phạm tại đảo Cát Bà là phức tạp.
Ngày 23/8/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hải Phòng đã khởi tố vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại VQG Cát Bà.
Để phục vụ công tác điều tra, Hải Phòng đã bố trí công việc khác và không bổ nhiệm lại đối với ông Hoàng Văn Thập - Giám đốc VQG Cát Bà và ông Nguyễn Văn Thương - Phó Giám đốc VQG Cát Bà kiêm Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch và giáo dục môi trường.
UBND TP.Hải Phòng cho biết trong giai đoạn từ 2009 - 2016, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND huyện Cát Hải, VQG Cát Bà có kiểm tra việc đầu tư xây dựng và tổ chức kinh doanh du lịch tại các điểm liên doanh liên kết, nhưng các cơ quan này đã thiếu kiên quyết trong việc xử lý vi phạm, không báo cáo UBND thành phố để xử lý các sai phạm.
Về việc này, thành phố đang chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý và các đoàn kiểm tra trước đây, sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Không có chuyện thu hồi để giao cho Tập đoàn Sungroup
Đáng chú ý, liên quan đến việc các doanh nghiệp này cho rằng việc thành phố chỉ đạo tháo dỡ các công trình tại VQG Cát Bà là để giao cho Tập đoàn Sungroup và có lợi ích nhóm.
Hải Phòng khẳng định không có lợi ích nhóm, việc xử lý các vi phạm trên không phải để lấy đất giao cho cho Tập đoàn Sungroup hay bất cứ một doanh nghiệp nào khác mà chỉ để trồng cây, trả lại diện tích rừng tự nhiên, môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học cho VQG Cát Bà, khu dự trữ sinh quyển thế giới và đặc biệt là khu vực vịnh Lan Hạ.
Chiếu theo quy định tại Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; điểm d khoản 11 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ, UBND TP.Hải Phòng cho rằng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng là buộc phải tháo dỡ công trình và không được bồi thường, hỗ trợ.
Tuy nhiên, do các cá nhân thuộc VQG Cát Bà đã sai phạm khi ký các hợp đồng liên doanh, liên kết với 7 doanh nghiệp, vì vậy thành phố sẽ chỉ đạo việc bồi thường (nếu có) theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước sau khi có phán quyết của tòa án.
Hoàn thiện hồ sơ khởi tố bị can
Trước những sai phạm trên, UBND thành phố cũng yêu cầu Công an TP.Hải Phòng khẩn trương hoàn thiện hồ sơ khởi tố bị can trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại VQG Cát Bà theo quy định.
Cùng với đó, UBND thành phố sẽ xem xét, chỉ đạo xử lý các cán bộ có liên quan đến sai phạm nêu trên đối với các trường hợp chưa đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự.
UBND TP.Hải Phòng cũng yêu cầu Thanh tra Sở Xây dựng, UBND huyện Cát Hải và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định để thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng của các doanh nghiệp tại các điểm kinh doanh du lịch tại VQG Cát Bà, yêu cầu doanh nghiệp tự tháo dỡ công trình.
Trường hợp các doanh nghiệp không tự tháo dỡ các công trình vi phạm thì tổ chức cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tháo dỡ công trình vi phạm để khôi phục lại tình trạng ban đầu theo quy định.
Sau khi thực hiện việc tháo dỡ các công trình, giao VQG Cát Bà cải tạo lại các khu vực trên để trồng cây, trả lại diện tích rừng tự nhiên, môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học cho VQG Cát Bà.
Yêu cầu UBND huyện Cát Hải, VQG Cát Bà rà soát và xử lý các trường hợp vi phạm khác trong phạm vi quản lý của VQG Cát Bà theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra các trường hợp tương tự.
Trước đó, báo chí phản ánh về việc 6 doanh nghiệp liên kết với VQG Cát Bà bị chính quyền địa phương yêu cầu tháo dỡ các công trình du lịch sinh thái, đẩy các doanh nghiệp vào tình huống khó khăn, đối diện với nguy cơ phá sản, mất trắng cơ nghiệp.
Đây là những doanh nghiệp tiên phong mở đường cho du lịch Cát Bà, nhất là những điểm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái tại những hòn đảo hoang trên vịnh Lan Hạ từ thuở sơ khai.
Lý do mà TP.Hải Phòng đưa ra để yêu cầu các doanh nghiệp này phải dỡ bỏ các công trình nói trên là để trồng cây, trả lại cảnh quan môi trường.
Tuy nhiên, qua phản ánh của các doanh nghiệp và quá trình điều tra, khảo sát cho thấy, những công trình du lịch sinh thái liên doanh liên kết tại VQG Cát Bà được hình thành từ những năm 1998, có tính lịch sử, trải qua nhiều thời kỳ với những mô hình quản lý khác nhau.
Đó là những mô hình được UBND TP.Hải Phòng cho phép thực hiện thí điểm làm du lịch sinh thái kết hợp với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Hiệu quả của mô hình đã được cơ quan chức năng của thành phố ghi nhận bằng việc VQG Cát Bà liên tục nhiều năm liền (từ 2010- 2016) đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, được nhận bằng khen, cờ thi đua xuất sắc của UBND TP.Hải Phòng.
Các công trình du lịch nói trên đã và đang tạo nên các điểm nhấn cho du lịch Cát Bà, đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ du khách.
Đó là những công trình được xây dựng tại những vị trí quy hoạch cả trong quá khứ và tương lai đều được phép làm du lịch sinh thái kết hợp với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên; các doanh nghiệp đã tuân thủ đầy đủ sự hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo VQG và của các cơ quan chức năng của TP.Hải Phòng, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, không có hành vi phá rừng.
Trong suốt quá trình mấy chục năm làm du lịch sinh thái nói trên, các doanh nghiệp không nhận được bất cứ ý kiến phản hồi tiêu cực nào từ các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực xây dựng, môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy về các hoạt động du lịch sinh thái tại VQG.
Khi xây dựng công trình, các doanh nghiệp được VQG Cát Bà là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý rừng giám sát, kiểm tra, hướng dẫn cụ thể.
Các doanh nghiệp cũng thực hiện nghiêm chỉnh việc nộp tiền phí thuê môi trường hàng năm cho VQG Cát Bà mỗi doanh nghiệp từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng một năm và đã nộp đến hết năm 2021.
Trước sự việc nói trên, các doanh nghiệp đã có đơn kêu cứu, kiến nghị gửi tới các cấp chính quyền từ địa phương tới Trung ương để phản ánh nguyện vọng chính đáng của mình.
VQG Cát Bà nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận năm 2004, đồng thời cũng nằm trong Khu du lịch Hạ Long – Cát Bà được quy hoạch có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Đây là khu du lịch điển hình trong công tác bảo vệ môi trường.
Với tổng diện tích là 16.196,8 ha, trong đó, diện tích phần đảo là 10.931,7 ha, diện tích phần biển là 5.265,1 ha. VQG Cát Bà có hệ động, thực vật phong phú và đa dạng. Theo điều tra ban đầu, nơi đây có 620 loài thực vật bậc cao phân bố thuộc 438 chi và 123 họ. Trên đảo có 32 loài thú, 69 loài chim và 20 loài bò sát, lưỡng cư, trong đó có voọc đầu trắng là loài đặc hữu...