Hầm, cao tốc ngầm chạy dọc sông Tô Lịch: Ý tưởng táo bạo nhưng khó thực hiện

Theo các chuyên gia công trình xây dựng hầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch cần rất nhiều vốn đầu tư. Vậy nguồn vốn đó sẽ lấy ở đâu?
Hà Nội đề xuất dẫn nước sông Hồng 'hồi sinh' sông Tô LịchDự án cải tạo sông Tô Lịch: Thấy gì từ cuộc ‘hồi sinh’ sông bẩn?Hà Nội làm rõ thông tin về việc thí điểm làm sạch sông Tô Lịch

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, ý tưởng xây đường cao tốc ngầm và hầm chống ngập dọc sông Tô Lịch chúng ta chưa nên bàn vội mà phải xác định mục tiêu cụ thể.

tm-img-alt
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội.

Cũng theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm trong vòng 3 năm trở lại đây, TP.Hà Nội đã tìm nhiều biện pháp để hồi sinh sông Tô Lịch. Nhiều phương án được thử nghiệm nhưng không hiệu quả. Hơn nữa dự án này cần nguồn vốn rất lớn vậy nguồn vốn đó ở đâu và mục tiêu của doanh nghiệp này là gì?

Ông Nghiêm khẳng định, trong rất nhiều cuộc họp các chuyên gia thống nhất rằng sông Tô Lịch không chỉ để thoát nước mà còn bảo tồn di sản và khai thác cảnh quan thiên nhiên chứ không nên làm mất đi cảnh quan vốn có của nó. Điển hình như Công ty CP R&D Quy hoạch (R&D Planners), năm 2018 đề xuất phương án tái sinh môi trường sông Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng), kết hợp đậu xe công cộng cũng sẽ được giải quyết thông qua bố trí các nhà đậu xe tự động, cao tầng.

"Ý tưởng lập quy hoạch hai bờ sông Hồng nhiều lần bị vỡ kế hoạch do vướng vào quy hoạch thoát lũ sông Hồng, sông Đáy. Cuối cùng, những ý tưởng đó lại chẳng đi đến đâu. Công trình cao tốc và hầm ngầm chống ngập dọc sông Tô Lịch cần phải đặt mục tiêu rõ ràng có bảo tồn dòng sông Tô Lịch hay không?", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu quan điểm.

Trao đổi với báo chí, GS. TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam nhấn mạnh, đề ra 3 mục tiêu là giảm ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông và thoát nước vào mùa mưa lũ là quá lớn đối với một dự án.

PGS.TS Hà Đình Đức, chuyên gia nghiên cứu về đa dạng sinh học - môi trường khi nêu ý kiến về đề xuất làm cao tốc, cống ngầm dọc sông Tô Lịch của JVE cho rằng, vấn đề này rất phức tạp và nhiều vấn đề cần lưu tâm. Bởi quá trình làm dự án này sẽ liên quan đến hàng loạt yếu tố như địa chất, giải pháp kỹ thuật, phương án thi công, nguồn vốn… Bên cạnh đó là yếu tố văn hóa, tâm linh, lịch sử của dòng sông đã nhiều lần được các nhà khoa học góp ý.

“Do đó, phương án đào hầm làm hệ thống cao tốc, cống ngầm sông Tô Lịch cần phải xem tính khả thi của nó”, PGS.TS Hà Đình Đức chia sẻ.

Một số chuyên gia nhận định rằng, hiện sông Tô Lịch đang gánh phần lớn nước thải với 280 họng nước thải. Sông Tô Lịch đang làm nhiệm vụ chính là thoát nước về mùa mưa cho 4 quận nội thành, nếu chúng ta thay đổi là phá vỡ quy hoạch. Hiện Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước, do đó cần xem lại quy hoạch chỗ nào còn vướng thì nên xử lý.

Trước đó, vào tháng 9/2019, CTCP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) và Tổ chức xúc tiến thương mại môi trường Nhật Bản (JEBO) đã cùng thực hiện dự án “Nhà máy xử lý nước thải tại chỗ bằng công nghệ Nano-Bioreactor, không dùng hóa chất” nhằm thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây. Tuy nhiên sở Xây dựng Hà Nội sau đó có đánh giá "việc thí điểm làm sạch Tô Lịch đã thất bại và thành phố sẽ chuyển sang hướng khác".

Trước đó, trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Thân Văn Thanh, chuyên gia giao thôngthẳng thắn đặt câu hỏi: “Mục tiêu phía sau của đơn vị đưa ra đề xuất dự án "hoang tưởng" này là gì? Họ muốn "nổi tiếng" hay là đang có sẵn một nước đi khác khi đề xuất dự án không khả thi như vậy?".

"Doanh nghiệp này đã từng đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên Lịch sử-Văn hóa-Tâm linh Tô Lịch trên đất chưa thực hiện được mà giờ muốn xây dựng công trình dưới lòng đất”, ông Thanh chia sẻ.

Cũng theo ông Thanh, nếu dự án này được chấp thuận thì nguồn tiền để xây dựng dự án đến từ đâu, tổ chức tài chính nào sẽ đứng ra cung cấp.

Thùy An
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết