Việc hạn chế đi lại đã khiến chất lượng không khí ở Pháp cải thiện. (Ảnh: Newsau) |
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, trong bối cảnh các nước châu Âu gần như đồng loạt thực hiện hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới nhằm đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, tình trạng ô nhiễm không khí tại lục địa này đã cải thiện đáng kể.
Trên cơ sở các quan sát từ vệ tinh Sentinel 5P thuộc chương trình Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) vừa công bố những bản đồ đầu tiên cho thấy sự sụt giảm đáng kể mật độ khí NO2 (nitrogen dioxide) gây ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn của châu Âu, đặc biệt là ở thủ đô Paris (Pháp), Rome (Italy) và Madrid (Tây Ban Nha). Đối với Bắc Âu, điều kiện thời tiết không thuận lợi cho việc thu thập dữ liệu và ESA cần thêm 10 ngày nữa để có thể công bố các bản đồ đáng tin cậy.
Ông Simonetta Cheli-Giám đốc chương trình quan sát Trái Đất - cho biết mật độ NO2 được quan sát trong khoảng thời gian từ ngày 14 đến 25/3 vừa qua đã giảm ít nhất 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tính toán mức giảm chính xác.
Theo ông Henk Eskes-chuyên gia Viện khí tượng hoàng gia Hà Lan, để định lượng khí thải từ các quan sát vệ tinh, cần phải sử dụng các mô hình hóa học khí quyển, trong đó tính đến sự thay đổi thời tiết hằng ngày.
Châu Âu hiện là lục địa duy nhất công bố các bản đồ như vậy. Ra mắt năm 2017, vệ tinh Copernicus P5 được trang bị một thiết bị để quan sát các loại khí vi lượng, giúp đo mật độ NO2 từ không gian. Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Môi trường châu Âu về chất lượng không khí được công bố vào giữa tháng 10/2019, NO2 là thủ phạm gây ra 68.000 ca tử vong mỗi năm tại EU.
Cũng trong tháng 10/2019, Tòa án công lý châu Âu đã chỉ trích Pháp do nước này vượt ngưỡng ô nhiễm tại 24 vùng đô thị, trong đó có Paris, Lyon, Marseille, Nice, Strasbourg và thung lũng Arve vùng Haute-Savoie, một tuyến vận tải hạng nặng thường xuyên chịu cảnh kẹt xe.
Chương trình Copernicus của EU hiện đang vận hành 7 vệ tinh - những "trợ thủ" quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Có tới 50% các hiện tượng biến đổi khí hậu được Liên hợp quốc xác định có thể được theo dõi từ các vệ tinh này.
Mới đây, các quốc gia châu Âu đã thống nhất sẽ đầu tư 1,8 tỉ euro trong vòng 3 năm tới để phát triển các vệ tinh quan sát Trái Đất mới. Tuy nhiên, khoản tiền này đang chờ sự đóng góp từ EU, trong khi các cuộc đàm phán ngân sách cho giai đoạn 2021-2027 vẫn chưa kết thúc.