Hạn mặn xâm nhập, người miền Tây bỏ tiền triệu mua nước ngọt tưới cây

Mùa khô năm 2020 ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, hạn mặn được dự báo là sẽ tiếp tục gây thiệt hại nặng cho ngành Nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Nhiều hộ dân phải bỏ tiền triệu để mua nước ngọt nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
ĐBSCL: Xâm nhập mặn sẽ tiếp tục tăng cao trong các đợt triều cườngCả nước nhập siêu 100 triệu USD trong tháng 1/2020Mặn vào vùng ngọt Cà Mau, dân thiếu nước sản xuất

Miền Tây đang hứng chịu cảnh hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt, đặc biệt ở các tỉnh ven biển. Hạn mặn đã gây thiệt hại cho hàng chục nghìn hecta lúa ở miền Tây Nam Bộ.

Cánh đồng lúa chết khô, nền đất nứt nẻ, kênh rạch trơ đáy, thiếu nước tưới tiêu, sinh hoạt... người dân miền Tây đang vô cùng tuyệt vọng trước cảnh mùa màng thất thu nghiêm trọng.

han man xam nhap nguoi mien tay bo tien trieu mua nuoc ngot tuoi cay
Cánh đồng ở huyện Long Phú, Sóc Trăng bị chết do thiếu nước. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục diễn ra gay gắt trong tháng 3/2020, đặc biệt là thời kỳ từ 11-15/3. Xâm nhập mặn ở mức tương đương và cao hơn đợt mặn cao điểm giữa tháng 02/2020 gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.

han man xam nhap nguoi mien tay bo tien trieu mua nuoc ngot tuoi cay
Bản đồ dự báo xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong những ngày tới, thời tiết Nam Bộ phổ biến ít mưa, ngày nắng. Riêng các tỉnh miền Tây Nam Bộ dao động từ 31-34 độ. Độ ẩm trưa chiều giảm khá thấp, chủ yếu dao động chính trong khoảng từ 45-58%. Mực nước thượng lưu sông Mê Kông biến đổi chậm và thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,1-0,5m.

Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập, sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trầm trọng hơn.

han man xam nhap nguoi mien tay bo tien trieu mua nuoc ngot tuoi cay
Nhiều kênh, rạch cạn khô, thiếu nước trầm trọng. (Ảnh: Vietnamnet)

Không chỉ lúa bị ảnh hưởng, nhiều vườn cây ăn trái ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… cũng đang phải chống chọi với hạn, mặn năm 2020 này.

Trao đổi với Vietnamnet, ông Võ Văn Hiệp, ở xã Ngũ Hiệp, Cai Lậy cho biết, ông có 9 công sầu riêng đang cho trái nhưng do nước sông đã nhiễm mặn nên không thể bơm lên tưới.

“Tôi mua bạt trải dưới mương rồi thuê sà lan chở khoảng 80m3 nước ngọt để tưới cho vườn sầu riêng. Mỗi m3 nước có giá 60.000 đồng”, ông Hiệp nói.

Không chỉ riêng ông Hiệp, nhiều nhà vườn đã phải bỏ tiền triệu thể thuê sà lan chở nước ngọt về tưới cây. Những sà lan trước đây vốn để chở cát, giờ chuyển sang chở nước ngọt.

han man xam nhap nguoi mien tay bo tien trieu mua nuoc ngot tuoi cay
Do thiếu nước, nhiều nhà vườn phải bỏ tiền mua nước ngọt về tưới cây giống. (Ảnh: Vietnamnet)

Tình hình hạn mặn gay gắt và kéo dài gây ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Trước tình hình hạn, mặn được dự báo sẽ còn kéo dài với diễn biến gay gắt và phức tạp, để giảm thiểu thiệt hại, hiện các địa phương đã cho đắp những đập tạm trên các con sông lớn để ngăn nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

han man xam nhap nguoi mien tay bo tien trieu mua nuoc ngot tuoi cay
Ông Lâm Văn On (huyện Long Phú, Sóc Trăng) chuyển từ sản xuất lúa sang hoa màu bằng cách trữ nước ngọt. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Theo quan trắc, hiện trên sông Tiền độ mặn 2,9‰ đã tiến sâu vào cù lao Ngũ Hiệp (Tiền Giang), cách biển 81km. Riêng sông Vàm Cỏ, độ mặn 7,6‰ đã vào đến TP. Tân An (Long An), cách cửa biển 75km.

Còn tại khu vực sông Hậu, nước mặn cũng đã xâm nhập tới Cần Thơ - điều chưa từng xảy ra. Với độ mặn cao, lấn sâu vào các nhánh sông chính như hiện nay, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt và sản xuất còn diễn ra trong thời gian tới, đặc biệt tỉnh giáp biển.

Tính đến giữa tháng 2/2020, mức độ xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã vượt mốc kỷ lục 100 năm từng xảy ra năm 2016.

Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng cần khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triến nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng...

Nguyễn Luận
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường