Hàng loạt ngân hàng cảnh báo lừa đảo, chiếm đoạt tiền

.
Thủ đoạn lừa đảo giao dịch ngân hàng ngày càng tinh vi, chiếm đoạt số tiền lớn của chủ tài khoản xảy ra liên tiếp tại nhiều ngân hàng như Vietinbank, Vietcombank, ABBank, Shinhanbank… khiến người dân hoang mang.
hang loat ngan hang canh bao lua dao chiem doat tien
Thủ đoạn lừa đảo tinh vi khiến nhiều khách hàng bị lừa mất tiền

Vào đầu tháng 12/2018, một khách hàng tại quận Tân Bình, TP.HCM bị mất gần 32 triệu đồng trong tài khoản tại Vietcombank. Sau ra soát, ngân hàng cho biết khách hàng này đã bị đánh cắp thông tin thẻ và mật khẩu, dẫn đến việc kẻ gian lợi dùng làm thẻ giả để thực hiện giao dịch rút tiền tại các cây ATM của ngân hàng Vietinbank và Techcombank. Ngân hàng đã bồi hoàn toàn bộ số tiền bị mất cho khách hàng.

Từ các vụ việc mất tiền qua giao dịch ngân hàng xảy ra tại Vietcombank, Vietinbank, Agribank, VIB, Shinhanbank… có thể điểm mặt các chiêu lừa trò đảo của tội phạm ngân hàng.

Cụ thể, đối tượng lừa đảo sẽ giả mạo đang ở nước ngoài cần mua hàng hóa dịch vụ trực tuyến cho người thân, yêu cầu thanh toán bằng cách chuyển tiền qua dịch vụ chuyển tiền (Moneygram, Western union…). Đối tượng này sẽ gửi cho người bán tin nhắn có link truy cập vào webiste giả mạo, yêu cầu chủ cửa hàng truy cập vào để cung cấp thông tin bảo mật ngân hàng điện tử… qua đó sẽ lấy cắp thông tin để thực hiện giao dịch gian lận.

Đối với các khách hàng sử dụng ví điện tử như Zalo, MoMo, Payoo… đăng tải câu hỏi lên website, fanpage của nhà cung cấp, đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ để liên hệ khách hàng và hỏi về vướng mắc khi sử dụng. Sau đó, đối tượng lừa khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng điện tử như là một bước yêu cầu để khắc phục lỗi và lấy thông tin thật để thực hiện hành vi gian lận, rút tiền của chủ tài khoản.

Một thủ đoạn lừa đảo phố biến được ABBank cho biết là đối tượng kẻ gian đã gửi những tin nhắn với các thông tin khuyến mãi, trúng thưởng, nhận thưởng… rồi yêu cầu người có tên khai báo thông tin tài khoản ngân hàng, lợi dụng để chiếm đoạt tiền. Do đó, ABBank khuyến cáo người dùng không click vào bất cứ liên kết lạ nào được nhận từ tin nhắn trên Facebook, Skype, Zalo, Viber… (kể cả từ các tài khoản bạn bè và người thân).

Hay kẻ gian giả mạo là người cho vay trực tuyến, yêu cầu khách hàng có nhu cầu vay tiền phải cung cấp hồ sơ và thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử… để lấy cắp thông tin, thực hiện giao dịch gian lận.

Thủ đoạn tinh vi hơn được ghi nhận tại Sacombank là một số nhóm tội phạm lừa đảo đã giả danh là cán bộ công an, viện kiểm sát hoặc tạo tình huống người thân của khách hàng bị bắt cóc để lừa gạt tiền của khách hàng. Đơn cử, kẻ gian đã giả danh là nhân viên ngân hàng yêu cầu khách hàng đăng nhập một website giống với website của Sacombank để đánh cắp tên đăng nhập, mật khẩu giao dịch của khách hàng…

Trước tình trạng khách hàng liên tục tố bị “bốc hơi” tiền trên thẻ, tài khoản, mới đây Vietcombank đã gửi thông báo tới khách hàng cảnh báo việc sử dụng ngân hàng điện tử. Phía Vietcombank đã phải thực hiện bồi thường lại tiền cho chủ tài khoản.

Do đó, ngân hàng khuyến cáo người dùng thay đổi mật khẩu cứ 3 tháng đổi một lần, không lưu lại mật khẩu trên các trang thương mại điện tử sau khi đã giao dịch thanh toán; không ghi mật khẩu ra giấy và để lộ thông tin… Đồng thời, khách hàng cài đặt mật khẩu có độ an toàn cao cho thiết bị: phải có đủ chữ cái, số và ký tự đặc biệtKhông nên sử dụng mật khẩu ngân hàng điện tử có chứa các ký tự như ngày tháng năm sinh, số điện thoại, biển số xe… của chủ tài khoản.

Đặc biệt, khách hàng cần thận trọng khi truy cập vào các đường link hoặc mở các file không rõ nguồn gốc; cần kiểm tra kỹ đường link khi đăng nhập Internet Banking do các trang lấy cắp thông tin thường có địa chỉ rất giống.

Người dùng ngân hàng điện tử cần thường xuyên cập nhật thông tin chứng minh nhân dân, số điện thoại mới nếu có thay đổi, đăng ký tin nhắn SMS… để nhận biết sớm khi có kẻ gian lấy cắp tiền trong tài khoản.

Theo một lãnh đạo ngân hàng, các đối tượng tội phạm không chỉ giả mạo thông tin, mà còn giả mạo cả người đến làm thủ tục, đơn cử: mua bán thông tin thật của khách hàng rồi thuê người đến làm thẻ, ebank và sử dụng tài khoản bất hợp pháp. Hiện, ngân hàng mới tra cứu được các thông tin về mã số thuế, bảo hiểm xã hội… nên rất khó nhận biết chính xác người đến làm thủ tục có cung cấp thông tin thật về mình hay không. Tình trạng này diễn ra rất tinh vi, gây khó cho ngân hàng trong việc phòng chống tội phạm lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố…

Mai Lan

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết