Hàng nghìn hộ dân “khát” bên nhà máy nước sạch tiền tỷ

Dù đã đưa vào sử dụng hơn 2 năm nay, nhưng công trình nhà máy nước sạch Giếng Bụt “chết yểu” khiến hàng nghìn hộ dân tại xã Hưng Thắng (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) vẫn không có nước sạch sử dụng.

Những ngày đầu tháng 5, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm về xã Hưng Thắng để tìm hiểu về sự “khan hiếm” nước sạch. Tuy mới vào đầu mùa nắng, nhưng các hộ dân ở xóm 17, xã Hưng Thắng đã thấp thỏm lo lắng, không biết sẽ vượt qua những ngày nóng đỉnh điểm như thế nào…(?!) Chỉ cách vài bước chân, nhà máy nước sạch Giếng Bụt được xây dựng với số vốn hàng tỷ đồng nhưng “đắp chiếu”, cỏ mọc um tùm.

hang nghin ho dan 8220khat8221 ben nha may nuoc sach tien ty
Công trình nhà máy nước sạch Giếng Bụt được đầu tư hơn 3 tỉ đồng nhưng hoạt động kém hiệu quả.

Dẫn chúng tôi ra nhà máy nước sạch tiền tỷ không thể sử dụng, ông Nguyễn Bá Xuân (xóm 17, xã Hưng Thắng) bức xúc chia sẻ: “Người dân góp tiền xây nhà máy nước sạch để có nước dùng, phấn khởi là thế, nhưng chưa được bao lâu thì nước chẳng thấy đâu, nhà máy cỏ mọc um tùm”.

“Ngày trước, Giếng Bụt còn đủ nước cho cả xóm tôi và mấy xóm lân cận sử dụng. Còn bây giờ, chúng tôi phải tích trữ nước mưa để sinh hoạt, thậm chí phải đi xa hàng km để lấy nước khe núi về dùng. Hiện tại, cũng có nước sạch từ nơi khác đưa về nhưng người dân không sử dụng, vì sợ nguồn nước xử lý là nước sông không đảm bảo” – ông Xuân thông tin thêm.

hang nghin ho dan 8220khat8221 ben nha may nuoc sach tien ty
Nhiều hạng mục trong nhà máy nước xuống cấp, hư hỏng nặng.

Theo người dân địa phương, công trình nhà máy nước sạch Giếng Bụt được xây dựng từ năm 2006, với tổng kinh phí hơn 3 tỉ đồng. Để có thể dùng được nước sạch từ nhà máy nước Giếng Bụt, người dân sinh sống trong khu vực phải đóng mỗi hộ 1 triệu đồng lắp đặt hệ thống dẫn nước.

Tuy nhiên, khi công trình vừa vận hành thì nước bị nhiễm sắt, bơm lên có màu vàng kèm mùi tanh. Do vậy, gần 1.000 hộ dân trên địa bàn xã không sử dụng được nguồn nước từ nhà máy Giếng Bụt.

Hiện nay, nhà máy nước sạch Giếng Bụt gần như bỏ hoang. Tại đây, khuôn viên bên ngoài cỏ mọc um tùm, tường nhà xuất hiện điểm nứt nẻ, nền bê tông bong tróc bị rêu bám xanh, hệ thống đường ống bằng sắt, bể chứa nước hoen gỉ, hư hỏng nặng.

hang nghin ho dan 8220khat8221 ben nha may nuoc sach tien ty
Hàng tỉ đồng đầu tư nhà máy nước giờ thành đống sắt vun.

Ông Phan Quang Mão – Chủ tich UBND xã Hưng Thắng cho hay: “Công trình nhà máy nước Giếng Bụt xây dựng trên địa bàn xã, nhưng chủ đầu tư là Công ty Nước sạch – Vệ sinh môi trường Nghệ An thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Họ khai thác sử dụng và bán nước lại cho dân, còn địa phương không tham gia vào việc quản lý này.

Khi hỏi về tính hiệu quả của dự án, Chủ tịch UBND xã thừa nhận nhà máy nước này không hoạt động nữa. Sau khi chất lượng và trữ lượng nước khai thác tại chỗ không đủ, công ty này chuyển sang đấu nối với nhà máy nước khác để cung ứng cho dân.

Để tìm hiểu thêm về thực trạng nhà máy nước sạch Giếng Bụt vì sao lại “đắp chiếu”, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Duy Kỷ – Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt – Vệ sinh môi trường nông thôn và được ông này thừa nhận nhà máy nước không còn hoạt động. Để đáp ứng một phần nhu cầu nước của người dân tại đây, đơn vị đã phải dẫn nguồn nước từ nhà máy nước tại xã Hưng Tân nên việc người dân phản ánh thiếu nước sinh hoạt là hoàn toàn có cơ sở.

hang nghin ho dan 8220khat8221 ben nha may nuoc sach tien ty
Máy móc, thiết bị lâu ngày không sử dụng đã hoen gỉ.

Còn về việc nhà máy xuống cấp như hiện nay được ông Kỷ lý giải rằng, vì đã xây dựng hơn 10 năm, theo thiết kế thì nguồn nước lấy tại chỗ, sau một thời gian hoạt động do nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng, nguồn nước ngầm cạn kiệt, hàm lượng sắt cao từ 10-12mlg/lít, công nghệ lọc không thể xử lý được.

Về việc xử lý cơ sở vật chất đã đầu tư, ông Kỷ cho hay, các thiết bị máy móc có thể tháo dỡ đưa đến nhà máy khác, còn mặt bằng thì có thể sẻ giao lại cho chính quyền địa phương.

Hồ Văn

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết