Nhiều năm qua, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thành tốt mục tiêu điện khí hóa nông thôn. |
Trong điều kiện đất nước đang phát triển, phải đối diện rất nhiều rào cản về công nghệ, nguồn vốn, trình độ quản lý, tỉ lệ 100% số xã có điện, số hộ dân có điện đạt hơn 99,47%, trong đó có 99,18% số hộ nông dân có điện, có thể xem như là một thành quả "thần kỳ" dưới sự lãnh đạo của Ðảng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ và việc thực thi nhiệm vụ của EVN. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, mức độ phủ điện đến các hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo của Việt Nam là thành tựu mà không nhiều quốc gia trên thế giới đạt được.
Nhiều năm qua, điện đã về thắp sáng khắp thôn, bản hẻo lánh xa xôi của các tỉnh Lào Cai, Ðiện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Sơn La, Nghệ An, Quảng Nam, Ðác Nông, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang... Ðiện vươn xa ra hải đảo. Bắt đầu từ đảo Cát Hải (Hải Phòng) vào năm 1991, hành trình vượt sóng đưa điện ra đảo của EVN đã đến với các huyện đảo của mọi miền Tổ quốc như: Cô Tô (Quảng Ninh), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quốc (Kiên Giang), huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa)... Ðến nay, 11 trong tổng số 12 huyện đảo và 100% số xã đảo trên toàn quốc đã có điện.
Hiện nay, mức độ phủ điện của Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực. EVN đã cấp điện đến 100% số xã, trong đó có 8.072 trên tổng số 8.902 xã (khoảng 90,7%) của cả nước, góp phần giúp các địa phương đạt tiêu chí về điện năng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tăng gần 46% so năm 2010. Số hộ dân sử dụng điện tăng từ 97,31% (năm 2010) lên 99,47% (tháng 6-2019), trong đó, số hộ nông thôn có điện sử dụng tăng từ 96,29% lên 99,18%.
10 năm qua, việc đầu tư phát triển điện khí hóa nông thôn đã thay đổi đáng kể tình hình cung cấp điện về vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, 10 năm trước đây, tại nhiều vùng nông thôn, hệ thống lưới điện luôn "xập xệ" cột tre, cột gỗ, dây dẫn nhỏ, chắp vá. Sau khi được ngành điện tiếp nhận và đầu tư cải tạo nâng cấp, đến nay, lưới điện đã được chỉnh trang, các hộ dân được cung cấp điện ổn định và an toàn. Cùng với đó, nhiều mô hình quản lý điện nông thôn không đủ khả năng chuyên môn nghiệp vụ như: Ban điện xã, tổ điện dân lập, tư nhân đầu tư,... đã từng bước được thay thế. Hiện nay, hơn 92% số xã được ngành điện quản lý bán điện trực tiếp, giúp người dân mua điện theo đúng giá quy định của Chính phủ và hưởng các dịch vụ điện trực tiếp do ngành điện cung cấp. Từ chương trình hiện đại hóa lưới điện nông thôn, người dân nông thôn có điều kiện áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ, thúc đẩy sản xuất, đồng thời mở rộng ngành nghề kinh doanh dịch vụ, tiến tới xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Trước đây khi nhiều huyện đảo vẫn chưa có điện lưới quốc gia, người dân trên các đảo chỉ được cấp điện một số giờ trong ngày, từ các nguồn phát đi-ê-den. Công suất các nguồn điện cấp chủ yếu chỉ để phục vụ chiếu sáng và những sinh hoạt tối thiểu của người dân. Sau khi được EVN tiếp nhận và quản lý bán điện trực tiếp, người dân trên các đảo đã được cấp điện 24/24 giờ. Quan trọng hơn, người dân đã được hưởng giá điện thống nhất trên toàn quốc, không phải chịu giá điện cao như trước.
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam U.Ði-ôn cho rằng, điện khí hóa nông thôn của Việt Nam là một kỳ tích. Tỉ lệ tiếp cận điện của Việt Nam đã tăng từ 14% vào năm 1993 lên tới hơn 99% vào năm 2018. Như vậy, trong vòng 25 năm, đã có thêm hơn 14 triệu gia đình hay 60 triệu người dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Việt Nam là một câu chuyện thành công trên toàn cầu về phát triển ngành năng lượng trong một vài thập kỷ vừa qua.
Với tiêu chí "Ðiện lực đến với khách hàng"; "Khách hàng là trung tâm mọi hoạt động", thời gian qua, EVN đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ điện, dịch vụ khách hàng. Trưởng ban Kinh doanh EVN Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, khách hàng trên mọi miền đất nước, bao gồm cả người dân ở khu vực nông thôn, đều được EVN phục vụ, chăm sóc 24/7 qua các trung tâm chăm sóc khách hàng. Hiện nay, nhờ sự đổi mới trong tư duy phục vụ và sự hỗ trợ của công nghệ, người dân ở nông thôn hay thành thị, đều có thể tiếp cận và sử dụng những dịch vụ điện của EVN theo cách thuận tiện, minh bạch với chất lượng tốt nhất.
Trưởng ban Quản lý đầu tư EVN Lê Thành Chung cho biết: Triển khai điện khí hóa nông thôn còn nhiều thách thức. Thực tế tại nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, người dân sống thưa thớt, có dự án kéo điện cả chục km chỉ cho vài chục hộ sử dụng. Hóa đơn tiền điện của nhiều gia đình đôi khi chưa tới 20 nghìn đồng/tháng, mà để thu được tiền, nhân viên điện lực phải đi nửa ngày mới tới nơi, khiến việc cân đối hiệu quả kinh tế của ngành điện gặp khó khăn. Ðưa điện đến những vùng phụ tải không tập trung, sản lượng điện tiêu thụ thấp, suất đầu tư xây dựng lưới điện cao... đồng nghĩa với hiệu quả kinh doanh không tốt.
Tuy nhiên, điện về các xã vùng sâu, vùng xa mang theo ánh sáng văn hóa, giải phóng sức lao động, phát huy các tiềm năng kinh tế của các địa phương, đồng thời giúp thu hút DN đến đầu tư, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo bước chuyển thật sự trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Những hiệu quả xã hội này không thể đo đếm đơn thuần bằng tiền. Chính vì vậy, những năm qua, EVN luôn đặt mục tiêu an sinh xã hội lên trên lợi ích doanh nghiệp, nỗ lực vượt mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Ðảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó.