Hiệp Hội Taxi Đà Nẵng dọa kiện Grab: Cuộc chiến taxi lên nấc thang mới?

Taxi truyền thống và taxi công nghệ: Cuộc chiến pháp lý mới

Hiệp hội Taxi Đà Nẵng sẽ đại diện 8 hội viên để khởi kiện, điều này khác với vụ Vinasun và Grab theo kiểu “1 chọi 1”, tương tự Hiệp Hội taxi Elite tại Tây Ban Nha đưa Uber ra tòa trước đây.

Cuộc chiến pháp lý giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ ngày càng căng thẳng. Vụ Vinasun kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại vẫn chưa ngã ngũ vì bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ngay lập tức bị kháng cáo lên phúc thẩm. Ngay sau đó, theo thông tin của gần đây báo chí đưa tin Chủ tịch Hiệp Hội Taxi Đà Nẵng cho biết đang chuẩn bị khởi kiện Grab để đòi bồi thường thiệt hại cho 8 đơn vị thành viên.

Lý do và mục đích khởi kiện được ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng nêu rõ là: “Việc Grab hoạt động “chui” tại Đà Nẵng những năm qua đã khiến tám hãng taxi trên địa bàn TP thiệt hại nặng nề. Mục đích của việc khởi kiện là làm rõ những dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của Grab, qua đó đòi lại quyền lợi cho taxi truyền thống. Việc khởi kiện là văn minh vì pháp luật quy định trong các quan hệ kinh tế, nếu anh gây thiệt hại cho tôi thì tôi có quyền khởi kiện để đòi quyền lợi”. Vụ kiện này nếu thực sự diễn ra, sẽ rất thú vị.

hiep hoi taxi da nang doa kien grab cuoc chien taxi len nac thang moi
Cuộc chiến taxi lên một nấc thang mới? (Ảnh minh họa)

Kiện tập thể được không?

Điều thú vị đầu tiên là đây là một vụ kiện tập thể đầu tiên do Hiệp Hội đại diện. Khi nhắc đến kiện tập thể (class action), nhiều người vẫn coi như đây là sản phẩm đặc trưng của luật pháp theo hệ thống Anh – Mỹ – nơi mà những vụ kiện tập thể của nhiều nguyên đơn tạo nên những vụ kiện nhiều triệu USD và có thể khiến các tập đoàn kinh doanh lớn sụp đổ nhanh chóng. Tuy nhiên, ít người biết rằng luật pháp Việt Nam cũng có cơ chế khởi kiện tập thể như vậy.

Theo Điều 188 Bộ luật Tố Tụng Dân sự năm 2015: “Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể cùng khởi kiện một cơ quan, một tổ chức, một cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án”. Như vậy, hoàn toàn có căn cứ pháp lý để 8 doanh nghiệp taxi tại Đà Nẵng khởi kiện trong cùng một vụ kiện.

Câu hỏi tiếp theo là khởi kiện tập thể có lợi ích gì? Dĩ nhiên là khởi kiện tập thể có nhiều lợi ích so với khởi kiện đơn lẻ. Trước tiên, thay vì tiến hành 8 vụ kiện độc lập, các yêu cầu được gom chung vào một vụ kiện duy nhất. Khi chỉ tham gia vào một vụ kiện, các nguyên đơn tiết kiệm được thời gian, chi phí cho từng thành viên, ví dụ như chi phí pháp lý, chi phí tư vấn hay giám định, nhân sự tham gia vụ kiện… Ở phía Tòa án, Tòa án sẽ chỉ phải xử lý một vụ án duy nhất thay vì xử lý 8 vụ kiện riêng biệt. Quan trọng hơn là Tòa án có được cái nhìn tổng quát hơn về bối cảnh tranh chấp, chứ không gói gọn trong một vụ kiện cụ thể.

hiep hoi taxi da nang doa kien grab cuoc chien taxi len nac thang moi
Sau Vinasun, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng sẽ “nổ phát súng” đầu tiên trong việc khởi kiện tập thể đối với Grab. (Ảnh minh họa)

Tiếng nói của Hiệp hội

Điều thú vị thứ hai là sự tham gia của Hiệp hội Taxi Đà Nẵng. Theo thông tin ban đầu, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng sẽ đại diện 8 hội viên để khởi kiện. Điều này khác với vụ Vinasun kiện Grab theo kiểu “1 chọi 1” nhưng có vẻ tương tự vụ Hiệp Hội taxi Elite của Tây Ban Nha kiện Uber trước đây. Về mặt pháp lý, Hiệp Hội Taxi Đà Nẵng là một pháp nhân và được quyền đại diện cho các pháp nhân khác trong việc khởi kiện – Bộ Luật Dân sự 2015 thừa nhận rõ ràng khả năng một pháp nhân ủy quyền cho pháp nhân khác thực hiện công việc thay cho mình. Tuy nhiên, dường như việc tham gia của Hiệp Hội Taxi Đà Nẵng không đơn thuần là về tố tụng.

Về mặt hiệu ứng truyền thông, với sự tham gia của Hiệp hội, vụ kiện sẽ nhận được sự quan tâm của dư luận nhiều hơn. Với sự tham gia của Hiệp hội, vụ kiện lúc này không đơn thuần là một vụ bồi thường dân sự mà có liên quan đến chính sách chung. Các bộ, ban ngành liên quan sẽ quan tâm để nắm được tâm tư, nguyện vọng của mỗi bên trong vụ kiện, từ đó đưa ra các chính sách và quy định phù hợp. Tòa án cũng buộc phải thận trọng hơn trong việc ban hành phán quyết vì phán quyết đó ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhiều bên.

Chưa bàn đến kết quả vụ việc như thế nào, việc các doanh nghiệp cùng đoàn kết để đòi quyền lợi, cùng với sự hỗ trợ của Hiệp hội, sẽ khiến dư luận đồng cảm với yêu cầu của các doanh nghiệp, rằng thực sự là có bất công trong các điều kiện kinh doanh giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ phải quan tâm đến yêu cầu của doanh nghiệp taxi truyền thống cũng như trong vấn đề tạo môi trường pháp lý lành mạnh cho các doanh nghiệp trong kinh doanh một cách hợp pháp và phát triển.

TheoHỒ THỊ TRÂM – Công ty Luật Phuoc & Partners

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường